Kim Thành (Hải Dươnag): Sai phạm Luật đê điều vẫn ngang nhiên tồn tại?

Đã gần một thập kỷ trôi qua, những sai phạm nghiêm trọng vi phạm: Luật đê điều, hành lang cầu, sông và đất đai… cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy của hộ gia đình ông Đặng Đức Chúc (tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã được Kết luận thanh tra huyện Kim Thành chỉ rõ, nhưng không hiểu sao vẫn ngang nhiên tồn tại không hề bị xử lý. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, vì sao những kết luận của chính quyền chỉ 'nằm' trên giấy, bao năm qua để hộ kinh doanh của ông Đặng Đức Chúc 'tác oai, tác quái' coi thường pháp luật làm sai, không bị xử lý triệt để? Hơn thế, cơ sở này còn bị 'tố' lấn chiếm đất của một doanh nghiệp, làm cầu cảng, chứa vật liệu.. cố tình 'chây ỳ' không trả lại đất.

Các công trình sai phạm cơ sở của ông Đặng Đức Chúc vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức pháp luật.

Được biết, cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy của ông Đặng Đức Chúc (tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) thành lập, hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 377/KT/ND02 do UBND huyện Kim Thành cấp ngày 10/12/2003. Ngành nghề kinh doanh: đóng mới, sửa chữa phương tiện tàu thủy - bộ, kinh doanh bến bãi, bốc dỡ hàng hóa; vận tải thủy bộ, thiết bị máy thủy, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ngày 15/12/2003, UBND huyện Kim Thành ban hành Quyết định số 648/QĐ – UBND, về việc: cho ông Đặng Đức Chúc thuê đất để xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy tại khu bãi ngoài đê thị trấn Phú Thái, diện tích thuê 16.096m2 (thời hạn thuê là 30 năm) cơ sở đi vào hoạt động từ năm 2004.

Qua quá trình hoạt động, cơ sở này đã có nhiều sai phạm, theo Kết luận Thanh tra của huyện Kim Thành (Hải Dương) số 397/KL - UBND, ngày 1/9/2010, cho thấy: Hộ kinh doanh của ông Đặng Đức Chúc từ khi đi vào hoạt động (đến thời điểm thanh tra huyện Kim Thành kiểm tra) đã vi phạm đê điều, cầu và việc sử dụng đất. Cụ thể: “Phần diện tích đất thuê để xây dựng cơ sở 16.096m2 (đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ) đã xây dựng: 2 âu tầu diện tích 5.529m2 và 6.228m2, 1 nhà kho chứa cát phục vụ sơn tầu diện tích 15m2. Đối với, diện tích đất 2.762m2 để làm đường giao thông và hành lang bảo vệ đê đã xây dựng: lán để xe cột thép, mái tôn, khung bao xung quanh, diện tích 48m2, 2 nhà ở công nhân, tổng diện tích xây dựng 108m2 (vi phạm hành lang bảo vệ đê). Phần diện tích đất 27.906m2 thuộc hành lang bảo vệ cầu Thái và sông đã xây dựng: 1 nhà điều hành 2 tầng, mái bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 104,4m2 vi phạm hành lang bảo vệ cầu Thái và phần diện tích làm đường đi nội bộ. Xây dựng 2 triền đà diện tích 2.600m2 (nằm trong phạm vi 100m hành lang bảo vệ cầu) và 2.470m2 (nằm trong phạm vi 150m). Công trình phụ xây tường gạch, mái bê tông, diện tích 42m2 (vi phạm hành lang bảo vệ cầu Thái). Nhà ăn công nhân, diện tích xây dựng 175,5m2 (vi phạm hành lang bảo vệ cầu Thái). Xây dựng 7 cột đèn chiếu sáng tại mép sông, vi phạm hành lang bảo vệ sông, xây dựng bệ cầu 49m2 (vi phạm hành lang bảo vệ cầu Thái). Xây dựng 2 cầu tàu diện tích 143m2 và 190m2 (nằm trong hành lang bảo vệ sông). Bãi chất chứa vật liệu xây dựng: cát, than đều vi phạm hành lang bảo vệ cầu Thái.

Kết luận thanh tra của huyện Kim Thành chỉ rõ những sai phạm của cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy của ông Đặng Đức Chúc

Điều đáng nói, cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy của ông Đặng Đức Chúc xây dựng các công trình đều không có Giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền, nhiều hạng mục công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ các công trình chuyên ngành. Khi xây dựng, chủ cơ sở không lập hồ sơ quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật, không thực hiện đúng chấp thuận dự án của UBND huyện Kim Thành, Quyết định số 162/QĐ - UBND, ngày 13/1/2004 của của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cũng như các quy định của cơ quan chuyên môn. Trong quá trình xây dựng, một số hạng mục vi phạm đã bị cơ quan chuyên ngành kiểm tra, lập biên bản vi phạm yêu cầu khắc phục, tháo dỡ nhưng chủ cơ sở không thực hiện nghiêm túc. Không những xây dựng trái phép các công trình trên diện tích đất thuê, mà hộ gia đình ông Đặng Đức Chúc còn sử dụng 3.070m2 đất do UBND thị trấn Phú Thái cho thuê đất trái phép, để làm bến bãi tập kết nguyên vật liệu và xây dựng âu tầu. Không dừng lại sai phạm nêu trên, hộ gia đình ông Đặng Đức Chúc còn tự ý sử dụng 2.762m2 đất để làm đường giao thông và 27.906m2 đất thuộc hành lang bảo vệ cầu, sông. Xây dựng nhà điều hành, nhà ở công nhân, công trình phụ, lán xe… vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh phòng, chống lụt bão và Quyết định 162/QĐ - UBND, ngày 13/1/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Diện tích đất cơ sở của ông Đặng Đức Chúc, thuê trái phép của UBND thị trấn Phú Thái đã vi phạm Điều 37, Điều 72 Luật đất đai. Qua kiểm tra của đoàn thanh tra huyện Kim Thành, còn phát hiện cơ sở của ông Đặng Đức Chúc hoạt động, nhưng chưa có hợp đồng thuê đất với cơ quan Nhà nước. Chủ cơ sở không cung cấp được hồ sơ sản xuất, kinh doanh; chưa đăng ký mã số thuế, không nộp các loại thuế: thu nhập, môn bài, thuế giá trị gia tăng. Toàn bộ số thuế trên đều đứng tên Xí nghiệp tư nhân cơ khí Thắng Lợi nộp, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy, thực chất là của (Xí nghiệp tư nhân cơ khí Thắng Lợi).

Trước những sai phạm nghiêm trọng của cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy, do ông Đặng Đức Chúc làm chủ, đoàn thanh tra huyện Kim Thành đã có kiến nghị: Yêu cầu chủ cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy tự tháo dỡ các công trình vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt bão, Luật giao thông đường bộ, Quyết định 162/QĐ - UBND, ngày 13/1/2004 của UBND tỉnh Hải Dương, gồm: Nhà điều hành 2 tầng diện tích 104,4m2, công trình phụ 42m2, nhà ăn công nhân 175,5m2; 2 nhà công nhân diện tích 108m2, lán để xe diện tích 48m2, diện tích âu tầu 350m2 (nằm trên diện tích 3.070m2 đất do UBND thị trấn Phú Thái cho thuê trái phép) và 7 cột đèn chiếu sáng tại mép sông. Thời gian hoàn thành tháo dỡ, các công trình vi phạm trước ngày 1/10/2010, nếu sau thời gian trên cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy của ông Đặng Đức Chúc không thực hiện, huyện Kim Thành sẽ cưỡng chế và thu hồi theo quy định.

Có thể nói, cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy của ông Đặng Đức Chúc đã ngang nhiên xây dựng, hoạt động sai phạm nghiêm trọng, qua Kết luận thanh tra của huyện Kim Thành đã chỉ rõ. Những việc làm sai trái của cơ sở này, cũng được huyện Kim Thành đưa ra yêu cầu cụ thể, nhưng không hiểu sao đến nay đã gần một thập kỷ trôi qua, cơ sở của ông Đặng Đức Chúc vẫn “vô tư” hoạt động ngày đêm tấp nập với đủ loại xe vào ra cảng và các công trình xây dựng trái phép, vẫn “nguyên vẹn” như thách thức pháp luật. Dư luận hiện đang đặt ra câu hỏi, liệu đang có thế lực nào “bảo kê” cho hoạt động này chăng, hay cả hệ thống chính quyền từ địa phương đến tỉnh Hải Dương đều bất lực, không thể thực hiện được, nên Kết Luận thanh tra của huyện Kim Thành chỉ “nằm” trên giấy…?

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

Phạm Hoàng

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tieng-dan/kim-thanh-hai-duong-sai-pham-luat-de-dieu-van-ngang-nhien-ton-tai-1256943.html