Kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 500 tỷ USD

Hết 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 472 tỷ USD. Với tiến độ như hiện nay, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ sớm vượt mốc 500 tỷ USD. Kết quả này là một điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng.

11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Tường Lâm

11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Tường Lâm

Doanh nghiệp nội - điểm sáng xuất khẩu

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2019 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu (XK) của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6%. Với đà này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

“Kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thương mại giảm tốc, XK của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết. Dẫn số liệu XK 10 tháng của một số quốc gia thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Hải cho hay, 10 tháng XK của Thái Lan giảm 2,1%; Indonesia giảm 7,86%; Malaysia giảm 4,07 %; Nhật Bản giảm 4,49%; Hàn Quốc giảm 10%... so với cùng kỳ năm ngoái.

Quy mô XK của Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11, cả nước có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch XK tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD)…

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam 11 tháng với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch XK (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Về thị trường, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy Việt Nam đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Đặc biệt là kim ngạch XK sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy XK, đa dạng hóa thị trường XK (XK sang Canada 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; XK sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%).

Tạo đà tăng trưởng xuất khẩu năm 2020

Nhận định hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn, thách thức, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng XK đạt 7 - 8%.

Cụ thể, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các FTA. Tính đến nay, nước ta đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực. Để hiện thực hóa các cơ hội cho DN tại các FTA, Bộ Công Thương sẽ và tiếp tục nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các hiệp định và hỗ trợ DN khai thác lợi ích từ các FTA như: nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)...

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ lợi ích nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, bám sát thị trường, nghiên cứu, phân tích và dự báo tình hình thế giới, trong nước nhằm chuẩn bị các kịch bản tăng trưởng với các đối sách phù hợp ngay từ đầu năm.

Đánh giá cao kết quả bước đầu trong việc khai thác cơ hội tại thị trường CPTPP sau gần 1 năm hiệp định này được thực thi, song ông Đỗ Thắng Hải vẫn cho rằng, thực tế vẫn còn không ít DN, địa phương chưa quan tâm khai thác thị trường này. Do đó, thời gian tới, các DN cũng như các địa phương cần quan tâm hơn nữa và có các giải pháp khai thác tốt thị trường tiềm năng này.

Tại buổi họp báo, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cũng cho biết, các đơn vị liên quan đang tích cực chuẩn bị để đón Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hiệp định dự kiến sẽ sớm được phê chuẩn. Bộ Tư pháp đã hoàn tất công tác rà soát hệ thống chính sách để bảo đảm các chính sách được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời; Bộ Công Thương chủ động xây dựng chương trình hành động thực thi EVFTA…

Việt Anh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/kim-ngach-xuat-nhap-khau-se-vuot-moc-500-ty-usd-117777.html