Kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã thông tin như vậy tại hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả 'Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040' được tổ chức tại TPHCM ngày 2/11.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới

Theo đó, tính đến hết tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi đã đạt 855,4 triệu USD. Trong đó có gần 8.800 tấn thịt lợn, trị giá 44 triệu USD; gần 17.800 tấn thịt gia cầm, trị giá 18,8 triệu USD và 7,4 triệu quả trứng, trị giá 1,4 triệu USD.

Xuất khẩu mật ong cũng đã đạt được gần 23.000 tấn, trị giá 28,7 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu các sản phẩm sữa cũng đạt 230 triệu USD; xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đạt 516 triệu USD.

Với kết quả trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, thời gian qua ngành chăn nuôi đã đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội, phát triển ngành thực phẩm và góp phần quan trọng cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành chăn nuôi gia cầm khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được chính ngạch thịt gà chế biến và quan trọng là xuất khẩu được sang Nhật Bản, một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới.

Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng đạt 1.080 tấn có giá trị gần 6 triệu USD. Tổng sản lượng thịt gia cầm xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam (bao gồm cả hàng nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu) đạt 25.762 tấn, tăng 124% so với năm 2017.

Cùng với đó, hiện có 9 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trứng gà thương phẩm và sản phẩm trứng muối sang các thị trường Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Lào và Úc. Ngoài ra, còn có 1 doanh nghiệp được xuất khẩu trứng gà giống sang Myanmar. Theo đó, trong năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 40 triệu quả trứng các loại, tăng 30% so với năm 2017.

Đối với xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa, tính đến năm 2018, cả nước đã có 18 doanh nghiệp đăng ký kiếm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang 17 nước với tổng sản lượng xuất khẩu là 11.450 tấn, tăng gần 84% s với năm 2017. Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về các điều kiện thú y và sức khỏe cộng đồng đối với sản phẩm sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc ký Nghị định thư này có ý nghĩa rất quan trong với ngành sữa Việt Nam, bởi Trung Quốc là thị trường rất lớn về tiêu thụ sữa và nhập khẩu sữa.

Theo đó, ngày 16/10 vừa qua, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào Trung Quốc và công bố Công ty sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 22/10, Công ty sữa TH đã ký kết hợp đồng xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên với đối tác Trung Quốc.

Đặc biệt, mật ong là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam với sản lượng tăng mạnh từ gần 10.000 tấn lên trên 20.400 tấn trong giai đoạn 2008-2018, đạt tốc độ tăng trưởng 7,4%/năm. Riêng năm 2018, sản lượng xuất khẩu đạt trên 40.000 tấn, tăng gần 4% so với năm 2017. Tính đến năm 2018, có 41 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong chủ yếu sang Hoa Kỳ, EU và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Hàng năm, Việt Nam đều xây dựng và thực hiện chương trình giám sát tồn dư trong mật ong theo yêu cầu của EU và Hoa Kỳ.

Đối với thịt lợn, xuất khẩu thịt lợn vấn được triển khai đều đặn qua đường tiểu ngạch tới các nước trong khu vực, bao gồm lợn sống, lợn mảnh và lợn sữa. Còn theo đường chính ngạch, tổng sản lượng xuất khẩu thịt lợn năm 2018 đạt 9.335 tấn, bao gồm cả hàng nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thịt lợn sữa và lợn choai đông lạnh sang Hong Kong và Malaysia.

Ông Tiến đánh giá, với việc thực hiện Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực từ 1/1/2020), Việt Nam sẽ xây dựng được một ngành chăn nuôi khép kín. Từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kim-ngach-xuat-khau-cua-nganh-chan-nuoi-nam-nay-co-the-dat-12-ty-usd-114508.html