Kim gặp Moon: Những xúc cảm khi 'Mặt Trời' đối diện 'Mặt Trăng'

Cuộc gặp của Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un là sự phô diễn hoàn hảo của thiện chí hòa bình, vượt lên trên những khác biệt giữa cả hai.

90s: Những biểu tượng hòa bình của thượng đỉnh liên Triều Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In ngày 27/4 cho thấy nhiều biểu tượng hòa bình, thống nhất và hữu nghị.

Kim Jong Un: Tôi rất háo hức trước cuộc gặp hôm nay, ở địa điểm lịch sử như thế này. Tôi rất cảm động việc ngài đi đường xa đến đón tôi ở Đường Phân giới Quân sự tại Bàn Môn Điếm.

Moon Jae In: Chính nhờ quyết định vững vàng và dũng cảm của ngài mà chúng ta đã đi được đến ngày này.

Kim Jong Un: Không, không hề.

Moon Jae In: Chúng ta đã làm nên lịch sử.

Đó là 9h30 ngày 27/4 ở làng Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự thuộc biên giới liên Triều. Cách đó chưa đầy 100 km, vùng thủ đô Seoul, siêu đô thị với 25 triệu dân, đang trong giờ cao điểm buổi sáng. Nhưng những người dân vội vàng hàng ngày đang dừng cả lại để nhìn những màn hình đặt nơi công cộng, chứng kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lần đầu giáp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Họ muốn thấy khoảnh khắc lịch sử đang diễn ra.

Mới nửa năm trước, nếu có điều gì có thể gây xôn xao bản tin buổi sáng trên các màn hình thì đó là việc Triều Tiên lại thử tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân. Nửa năm sau, cả thế giới nhìn về Bàn Môn Điếm để nhìn lãnh đạo 2 miền Triều Tiên đứng đối diện nhau. Tổng thống Trump "tweet" vào đầu ngày, chính phủ các nước ra tuyên bố, chứng khoán châu Á tăng nhẹ.

Trên phông nền đầy đối lập, cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 của người lãnh đạo 2 miền bán đảo lại là màn trình diễn hoàn hảo về mặt ngoại giao, được chuẩn bị chu đáo trong hàng tháng trời và thể hiện xuất sắc bởi 2 người lãnh đạo. Họ tươi cười trước ống kính, cùng nhau vun cây thông biểu tượng, bước qua đường phân giới để đặt chân đến phần đất bên kia, ngồi chuyện trò dưới tán cây hoặc đi bộ trong Bàn Môn Điếm.

Hai nhà lãnh đạo đã tạo ra một bầu không khí thân thiện và cởi mở trong suốt thời gian gặp nhau, dù phông nền cho cuộc gặp là vùng đất căng thẳng và dễ phát sinh xung đột bậc nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

"Sao ông không thử bước qua miền Bắc?"

- Ông đã đặt chân đến miền Nam, không biết khi nào thì tôi có thể sang miền Bắc?

- Sao ông không bước qua miền Bắc ngay bây giờ nhỉ?

Trong sự kiện được sắp đặt kỹ càng, từ chiếc cà vạt của tổng thống Hàn đến đoàn vệ sĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên, chi tiết gây chú ý nhất lại không có trong kịch bản. Sau khi 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau trên phần đất của miền Nam, Tổng thống Moon định bước về phía lễ đón đang chờ thì đột nhiên nhà lãnh đạo Kim ngỏ lời và cả 2 đã nắm tay bước qua phần đất của Triều Tiên trong chốc lát.

Tiếng vỗ tay vang lên từ quan chức 2 miền có mặt tại làng Bàn Môn Điếm lẫn những cư dân Seoul đang theo dõi cuộc gặp từ trung tâm thủ đô. Nhà Xanh sau đó xác nhận việc này không nằm trong kịch bản họ đã tập dượt nhiều tuần qua.

Ông Kim là người mở lời trước khi 2 nhà lãnh đạo lần đầu chạm mặt nhau, ngỏ lời mời ông Moon sang miền Bắc, thậm chí chủ động nắm lấy tay tổng thống Hàn Quốc, người đang tỏ chút bất ngờ và ngập ngừng, để cả hai cùng nhau thực hiện chuyến "vượt biên giới" lịch sử.

Cuộc gặp ngày 27/4, quan trọng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời được xem là màn ra mắt của ông Kim với cộng đồng quốc tế. Khác với những bản tin có thể dễ dàng kiểm soát trên truyền thông trong nước, ông Kim bị đặt vào tình thế phải thể hiện tốt nhất và không có cơ hội phạm sai lầm tại Bàn Môn Điếm.

Và cũng khác với hình tượng thường xuyên bị báo chí phương Tây giễu cợt, nhà lãnh đạo 34 tuổi tỏ ra tự tin so với tổng thống của miền Nam đang đứng trước mặt mình. Họ đã phối hợp ăn ý, bất chấp những khác biệt giữa 2 người.

Không chỉ làm nên lịch sử bằng việc bước chân qua lãnh thổ Hàn Quốc, ông Kim Jong Un còn gây bất ngờ khi đột ngột đề nghị tổng thống Hàn Quốc có "chuyến thăm" chớp nhoáng đến miền Bắc. Ảnh: Reuters.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un, 34 tuổi, và Tổng thống Moon Jae In, 65 tuổi, khó mà khác nhau hơn được nữa. Một người là cháu đời thứ 3 của gia đình lãnh đạo Triều Tiên từ năm 1948 đến nay, một người là con trai của cặp vợ chồng Triều Tiên tị nạn đến Hàn Quốc trong thời chiến. Một người đã biết từ rất sớm rằng mình sẽ trở thành người lãnh đạo đất nước bí ẩn nhất thế giới, một người chỉ bước vào chính trường vì người bạn thân, cố tổng thống Roh Moo Hyun. Một người nắm quyền gần như tuyệt đối ở trong nước, một người là tổng thống trong nền dân chủ, bản thân ông lên nắm quyền sau sự sụp đổ của một tổng thống khác, bà Park Geun Hye, và ông chỉ còn 4 năm để hoàn thành các tham vọng của mình.

Họ khác nhau nhiều như Mặt Trời và Mặt Trăng, trong khi lãnh đạo Triều Tiên là cháu trai của Kim Nhật Thành, người thường được xem là "Vầng Mặt Trời" ở Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc, người được đánh giá là kín tiếng và mềm mỏng, có họ được phiên âm giống "Mặt Trăng" trong tiếng Anh ("Moon").

Khi đến gặp nhau tại Bàn Môn Điếm, trong lúc Tổng thống Hàn Quốc vận suit, nhà lãnh đạo Triều Tiên mặc bộ quần áo đại cán kiểu Tôn Trung Sơn, chỉ dấu cho những người đồng bào rằng sẽ không có gì thay đổi về lý tưởng và ý thức hệ của Triều Tiên, dẫu cho kết quả cuộc gặp có ra sao. Trong khi ông Moon bắt tay những người ủng hộ bên ngoài Nhà Xanh trước khi lên xe đến khu phi quân sự, ông Kim có 12 cận vệ chạy bộ theo chiếc xe limo ông dùng để trở về Triều Tiên sau phiên họp sáng.

Vượt lên tất cả khác biệt đó, những ấn tượng cuối cùng về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là việc hai nhà lãnh đạo đã tươi cười dắt tay nhau bước qua đường phân giới, đi bộ và nói chuyện trong một thời gian riêng tư trên cây cầu màu xanh hòa bình, đứng trước báo chí tuyên bố sẽ thiết lập hòa bình và cụng ly nhau trong buổi dạ yến. Hai người thậm chí đã đùa cợt về việc ông Kim thường xuyên làm ông Moon phải dậy sớm vì các vụ thử tên lửa, trong khi ông Moon khen ngợi em gái ông Kim.

Cuộc trò chuyện riêng tư với nội dung không được công bố của 2 nhà lãnh đạo vào buổi chiều 27/4, trước khi cả 2 bước vào phiên hội đàm thứ hai trong ngày. Chiếc cầu đi bộ mà 2 người ngồi gần đây đã được sơn lại màu xanh hòa bình. Ảnh: Reuters.

Thống nhất với "tốc độ ngựa vạn lý"?

"Khi đi bộ để đến đây, tôi đã nghĩ 'tại sao việc này lại khó khăn đến thế?'. Đường phân giới chẳng cao để không thể vượt qua, thế mà mất 11 năm tôi mới đến được đây", nhà lãnh đạo Kim nói với Tổng thống Moon khi hai người đứng bắt tay nhau từ 2 phía của đường phân giới liên Triều.

Khoảng cách từ nhà lãnh đạo Triều Tiên đến nơi tổng thống Hàn Quốc đang đợi ông ở đường phân giới không chỉ là 200 m đường đi bộ. Trong suốt 11 năm đó, khu phi quân sự biên giới liên Triều đã chứng kiến những lần lính Triều Tiên đào tẩu, binh sĩ Hàn Quốc giẫm phải mìn mà Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ việc, những lần Hàn Quốc dùng loa tuyên truyền phát qua bên kia bên giới... 11 năm đó cũng chứng kiến 5 lần thử hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm 2 lần trong năm 2016 và 2 lần vào năm 2017.

Đến cuộc gặp vừa qua, ông Kim Jong Un lại nói về mong muốn được thống nhất hai miền bán đảo "với tốc độ ngựa vạn lý".

"Khi tôi đứng đây hôm nay, tôi có thể thấy người Hàn Quốc và Triều Tiên cùng một dân tộc, chúng ta không thể bị chia cắt. Chúng ta là những người đồng bào... Chúng ta không nên đối đầu nhau, chúng ta là một dân tộc và nên thống nhất. Tôi hy vọng chúng ta có thể sống trong hòa bình tương lai, càng sớm càng tốt", ông Kim nói trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước thế giới, tại sân của Nhà Hòa Bình sau khi kết thúc cuộc hội đàm.

Đáp lại, Tổng thống Moon Jae In ca ngợi "thỏa thuận quý giá" và tuyên bố "một kỷ nguyên mới của hòa bình... sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên" nữa.

Thống nhất là thông điệp nhất quán của Triều Tiên và được chia sẻ bởi Tổng thống Moon. Đối với cá nhân ông Moon, thống nhất là một mong ước riêng tư và lâu dài, trong khi đó dư luận đang ngày càng trở nên chia rẽ trong việc này. Gần 70 năm chia cắt đã tạo nên những diện mạo rất khác nhau cho kinh tế và xã hội của Hàn Quốc và Triều Tiên.

"Tôi muốn viết một chương mới giữa chúng ta. Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một khởi đầu mới, vì cam kết đó tôi đã đến cuộc gặp này", ông Kim nói.

Cuộc gặp kết thúc không bằng một lộ trình thống nhất nhưng đã đưa ra được "hạn chót" cho việc ký hiệp định hòa bình là trong năm 2018. Các chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn và chỉ ra rằng cuộc gặp sắp tới của ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump mới là sự kiện quyết định, trong khi tuyên bố chung của cuộc gặp vừa qua, dù đầy hứa hẹn, lại thiếu vắng mốc thời gian biểu cụ thể cho việc thực hiện tuyên bố.

"Có hai vấn đề thấy rõ nhất. Thứ nhất, hiệp ước hòa bình sẽ cần cả Trung Quốc và Mỹ ký bên cạnh Triều Tiên và Hàn Quốc. Hãy đợi chờ một cơ chế 4 bên được thiết lập để thương lượng hiệp ước hòa bình, với Mỹ và Hàn đảm bảo rằng liên minh của họ không bị ảnh hưởng", Guardian dẫn lời Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình châu Á của Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson dành cho các Học giả (Mỹ).

Ông Kim Jong Un đứng cạnh ông Moon Jae In trong lần đầu tiên phát biểu trước báo chí quốc tế. Ảnh: Reuters.

Bù lại sự thiếu vắng các chi tiết mang tính kỹ thuật trong tuyên bố chung, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tràn đầy những chi tiết bày tỏ thiện chí từ 2 bên, những khoảnh khắc mà 2 nhà lãnh đạo nói về những chuyện vụn vặt như 2 người bạn cũ. Ông Kim Jong Un, một trong những nhà lãnh đạo bí ẩn nhất thế giới, không tỏ ra chút lạc lõng nào với ông Moon Jae In.

- Ngài đến đây bằng cách nào?

- Tôi đi xe đến vào sáng nay, ngang qua Kaesong. Ngài hẳn cũng phải đi từ sớm.

- Tôi chỉ tốn một giờ thôi.

Bữa tiệc hoàn hảo của biểu tượng

"Bàn Môn Điếm là biểu tượng của vết thương, nỗi khổ đau và chia cắt nhưng từ nay sẽ trở thành biểu tượng của hòa bình. Nam và Bắc bán đảo Triều Tiên, cùng 1 ngôn ngữ, 1 văn hóa, 1 lịch sử, chúng ta sẽ thống nhất lại là một quốc gia, tận hưởng sự hòa bình và thịnh vượng vĩnh viễn".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cố gắng tìm kiếm một diễn ngôn mới cho Bàn Môn Điếm. Dù ước vọng thống nhất của ông còn xa, phần phía nam của Bàn Môn Điếm trong ngày ông Kim Jong Un đến đúng là đã được sắp đặt để sẵn sàng cho một sự kiện hòa giải lịch sử, dẫu cho quá khứ gần 70 năm đẫm máu của nó.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và tổng thống Hàn Quốc duyệt đội danh dự trong trang phục truyền thống, trên nền nhạc Arirang, bài hát mà người dân cả 2 miền cùng thuộc lòng. Trong phòng hội đàm của Nhà Hòa bình, họ ngồi đối diện nhau trước bức tranh núi Kumgang, nơi có khu du lịch hợp tác 2 miền và là địa điểm diễn ra các cuộc đoàn tụ gia đình bị chia cắt vì Chiến tranh Triều Tiên.

Trên vùng đất biểu tượng không chỉ của sự chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên mà còn là "thành trì" cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, đội duyệt binh, bài dân ca và núi Kumgang tượng trưng cho những gì mà người dân Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn chia sẻ, dù 2 nước đã phát triển theo những hướng rất khác nhau trong hơn nửa thế kỷ. Đó là truyền thống mà dân tộc Triều Tiên rất tự hào cũng như khát vọng được đoàn tụ với người thân thất lạc trong chiến tranh.

Mọi sự sắp đặt cho cuộc gặp thượng đỉnh đều hướng tới việc tìm kiếm điểm chung và thiện chí của đôi bên. Ảnh: Reuters.

Chiếc thảm trong phòng họp có màu xanh, màu trên lá cờ thống nhất bán đảo Triều Tiên, trong khi loại vách tường được thiết kế theo phong cách nhà Hanok, một loại nhà truyền thống của Hàn Quốc. Tổng thống Moon cũng mang một chiếc cà vạt xanh để đến gặp nhà lãnh đạo Kim và Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung Sook thì chọn một bộ váy xanh trong bữa tiệc tối.

Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau trồng cây thông có tuổi từ 1953, thời điểm hai nước ký thỏa thuận ngừng bắn trong chiến tranh Triều Tiên. Phần đất được sử dụng trồng cây được lấy từ núi Baekdusan thuộc Triều Tiên và núi Hallasan thuộc Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim tưới cây bằng nước lấy từ sông Hangang thuộc Hàn Quốc và Tổng thống Moon sẽ tưới bằng nước lấy từ sông Daedonggang của Triều Tiên. Bia đá đặt cạnh cây được khắc dòng chữ "Hòa bình và Thịnh vượng đã được vun trồng".

Trên thực tế, hồi thập niên 1970, chiến tranh suýt bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên chỉ vì tranh chấp về việc chặt một cây bạch dương.

Sau khi trồng cây, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng trò chuyện và đi bộ thưởng ngoạn qua cây cầu bắc ngang biên giới quân sự giữa hai nước, trước khi trở lại phòng họp cùng tuyên bố chung, đồng ý kết thúc vĩnh viễn cuộc Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay.

Tất cả những điều trên diễn ra trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều dân Hàn Quốc, những người có phần thờ ơ trước việc thống nhất hai miền. Ước tính cứ 3 người xem tivi ở thủ đô Seoul vào sáng 27/4 thì có 1 người theo dõi cuộc gặp lịch sử này.

"Tôi không nghĩ có thể xem được điều này diễn ra trong đời tôi. Tôi sung sướng được nhìn thấy lịch sử hình thành", một cư dân tên Kwak Eun Jung nói với CNN.

Bức trang núi Kumgang, biểu tượng hòa hợp của 2 miền và là phông nền cho cuộc hội đàm. Ảnh: Reuters.

"Đó là một khởi đầu tốt, nhưng phải có cam kết chắc chắn của ông Kim dành cho việc phi hạt nhân hóa", Young Shik Bong, một nhà nghiên cứu tại Đại học Yonsei, nói với Bloomberg. "Nếu không mọi thứ sẽ chỉ là một vở diễn".

Tổng thống Moon và lãnh đạo Kim hẳn đã có một ngày xuân trong tiến trình mang lại hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo Triều Tiên, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng kết quả thật sự cho hòa bình sẽ phải chờ, chờ đến cuộc gặp đang được lên kế hoạch với Washington và chờ cả phản ứng từ Bắc Kinh.

Hoặc nói như Tổng thống Trump, người như mọi khi đã rất nhanh nhẹn lên Twitter để phản ứng, rằng: "Chỉ có thời gian mới trả lời được".

Người dân Hàn - Triều đoàn tụ, có còn chờ được ngày thống nhất? Hơn 60.000 gia đình Triều - Hàn đã đợi 65 năm để gặp lại nhau, nhưng có lẽ không nhiều nhân chứng lịch sử sẽ còn sống để tham dự ngày thống nhất.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kim-gap-moon-nhung-xuc-cam-khi-mat-troi-doi-dien-mat-trang-post837934.html