Kiêu sa 'hòn ngọc Viễn Đông'

Chuyện kể rằng người đẹp Châu Á uốn mình nằm giữa các đại dương với những nét huyền bí kiêu sa với tên gọi mỹ miều 'Hòn ngọc Viễn Đông'!

Vẻ đẹp Sài Gòn. Ảnh: Ivivu

Nơi hào hoa

Tuy không nhiều danh lam thắng cảnh như Hà Nội, không đặc sắc di tích lịch sử như Huế nhưng Sài Gòn vẫn có sức hút mãnh liệt. Đó là do vẻ hào hoa thanh lịch của những cung đường lưu giữ nếp gấp thời gian, những tòa nhà nép mình chất chứa kỷ niệm nhiều thế hệ hay những âm thanh thân thuộc, bình dị nhưng có sức gây nghiện nồng nàn khi xa nhớ như tiếng rao đêm của đôi gánh hàng rong, tiếng ve gọi hè, tiếng mưa đầu mùa rơi bên ô cửa sổ,…

Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Ivivu

Sài Gòn đặc biệt về thời tiết vì chỉ có hai mùa mưa nắng mưa.

Đến với Sài Gòn, điểm dừng chân đầu tiên nên là khu trung tâm quận một, thường gọi quận Nhất vì là quận hiện đại, sầm uất, tập trung nhiều trung tâm thương mại như VinCom, mPlaza, Parkson…, cùng tòa tháp biểu tượng Búp Sen – Bitexco với đài quan sát bao quát cả thành phố.

Tọa lạc ngay giữa quận Nhất chính là cụm tham quan đặc trưng chỉ cách nhau vài trăm mét với phí tham quan rất ít hoặc không thu phí như: Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Bưu điện, Tòa nhà Thị chính hay Phố đi bộ Nguyễn Huệ…Và cách đó tầm 5-10 phút đi xe máy là Bến Nhà Rồng, chùa Vĩnh Nghiêm linh thiêng, Lăng Ông Bà Chiểu hoặc xa hơn nữa, hơn một giờ xe buýt là khu di tích Bến Dược – Củ Chi nổi tiếng một thời.

Tòa nhà Bitexco.

Đối với bạn trẻ thì đừng bỏ lỡ các hoạt động ở Nhà Văn hóa thanh niên, Cung Văn hóa lao động, Công viên Tao Đàn như đường sách, hội sách, chụp ảnh cùng áo dài và phố ông đồ nhân mỗi độ xuân về. Hoặc nếu yêu nghệ thuật thì hãy xem ca múa dân gian À Ố ở Nhà hát Thành phố, xem phim ở ArtHouse Sài Gòn, đến con đường “cà phê” Hồ Xuân Hương nghe nhạc Trịnh Công Sơn hoặc các thể loại đương đại như pop, rock…Và đừng quên tham gia buổi vẽ tranh vân tay tầm 3 giờ đồng hồ để mang về một bức họa kỷ niệm.

Nếu ghé Bưu điện trung tâm, bạn có thể gặp gỡ và trò chuyện cùng một nhân vật được xem như chứng nhân lịch sử của mảnh đất này. Ông là Dương Văn Ngộ, bưu tá viết thư tay lâu năm nhất và cuối cùng ở Sài Gòn với danh xưng hết sức dễ thương: Người viết thư tình xuyên thế kỷ!

Ông Dương Văn Ngộ. Ảnh: PV

Nền văn hóa ẩm thực vượt giới hạn

Bên cạnh những trải nghiệm thú vị, Sài Gòn còn có những món ngon mang đặc trưng của Việt Nam như cơm tấm, gỏi sen, chả giò, bún bò, phở, lẩu,… Sài Gòn trở thành trung tâm ẩm thực tập hợp đầy đủ món ngon khắp đất nước nhưng với một phong vị mới, đậm đà và được biến tấu ngẫu hứng hơn. Và là cầu nối giữa các nơi, thu hút các nguồn lực bên ngoài nên thành phố cũng quy tụ nền văn hóa ẩm thực quốc tế đến từ khắp năm châu như Á, Âu, Ấn cho đến Mỹ Latin.

Người Sài Gòn nổi tiếng ngọt ngào vì những mâm bánh truyền thống dẻo quánh thơm chất nếp, nồng ngọt vị thanh của đường phèn, nước cốt dừa trắng tinh hay cacao nóng ấm.

Cà phê Sài Gòn.

Người Sài Gòn sẽ chưa hiểu Sài Gòn nếu thiếu đi những giây phút nhâm nhi tách cà phê đen đắng, lê la hàng trà chanh, tận hưởng ly trà sữa béo bùi, thưởng thức buổi trà chiều lãng mạn hay lâng lâng say mềm bên mùi hương cocktail rực lửa. Tất cả đều hòa quyện, ôm trọn gói gọn cả hương vị Sài Gòn!

Có người đến với Sài Gòn vì muốn trải nghiệm một thành phố trẻ trung, muốn thử những món ăn phong vị đặc sắc hoặc tìm về xây cất ước mơ nơi đô thành năng động. Song, lý do chính khiến người ta bị chinh phục, thấy yêu thương xao xuyến là bởi vì con người thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách với nếp sống bình dị, tử tế cùng nụ cười chân phương! Sài Gòn xứng danh là “Thành phố mang đến những nụ cười” cũng vì lẽ đó.

Lê Thị Kim Thơ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/di/kieu-sa-hon-ngoc-vien-dong-606497.ldo