Kiều Minh Tuấn: 'Đến bây giờ, tôi mới thật sự dựa hơi Cát Phượng. Nhưng tôi mới là người giữ tiền trong gia đình'

Mới đây, Kiều Minh Tuấn đã trải lòng về việc thay đổi diện mạo và những thay đổi trong cuộc sống sau khi trở thành siêu sao.

"Đạo diễn hay nhà sản xuất muốn mời được tôi chắc chắn phải có bản lĩnh"

Chào Kiều Minh Tuấn, sau "Em chưa 18" thì vai diễn Đông Bắc trong "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" là vai chính đánh dấu sự trở lại của anh. Anh có áp lực không khi khán giả sẽ dồn nhiều chú ý và kì vọng vào lần trở lại này?

Phim nào cũng gây áp lực với tôi chứ không chỉ riêng "Chú ơi, đừng lấy mẹ con". Áp lực có hoàn thành vai không, áp lực về kịch bản mình mang đến khán giả có đủ hay, có đủ sức hút không, áp lực về ê kíp có làm tốt không, áp lực về bạn diễn, đạo diễn, áp lực phim ra đúng thời điểm không. Riêng tôi áp lực nhất là mình làm đã đủ tốt chưa. Còn nói về chuyện bị so sánh với "Em chưa 18" thì tôi không có áp lực.

"Em chưa 18" đã tạo tiếng vang và phá đảo doanh thu phòng vé. Nếu "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" của anh không tạo được hiệu ứng như "Em chưa 18" về sức hút lẫn doanh số, anh sẽ bị chỉ trích, anh có lo lắng?

Tôi muốn điều đó mà. Phải cho mọi người và cả bản thân tôi không bị say với tượng đài của "Em chưa 18" hoài. Mọi người cứ lấy tôi, hay các nhân vật khác trong "Em chưa 18" để so sánh với các tác phẩm khác. Không lẽ đến khi tôi 50 tuổi, tôi vẫn bị gọi là diễn viên của "Em chưa 18". Có thể tôi sẽ thất bại và phải cho bản thân tôi thất bại để bản thân tôi trở về con số 0, để tôi càng cố gắng hơn, giúp tôi bật lên. Tôi vẫn thích một cuộc đời có thăng có trầm như vậy hơn là cứ tiến tới, tiến lên hoặc lềnh bềnh mãi.

Mới đây, Kiều Minh Tuấn đã trải lòng về việc thay đổi diện mạo và những thay đôỉtrong cuộc sống sau khi trở thành siêu sao.

Khi nhận kịch bản "Chú ơi, đừng lấy mẹ con", anh có biết An Nguy sẽ vào vai nữ chính không? Cá nhân anh có nhiều băn khoăn về người bạn diễn này không?

Tôi có hơi băn khoăn. Lúc đầu xem, cô ấy diễn rất đơ. Tôi đã bác tên cô ấy ra. Tuy nhiên, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ lại muốn. Đó là cách nhìn của anh ấy, tôi không quan tâm nhưng tôi tôn trọng. Trước đó, tôi có cảm tình với khuôn mặt của An Nguy. Khi tôi xem Vblog của An Nguy, tôi đã thích thú vì không biết ở đâu lại có một con bé nói chuyện bất cần, nhìn láo thế này. Sau đó, An Nguy đóng phim "Chờ em đến ngày mai" cùng Trấn Thành, cũng do Đinh Tiến Vũ làm đạo diễn. Tôi biết cô ấy đóng đơ. Tôi quyết tâm làm cách nào để khi An Nguy đóng với tôi, cô ấy sẽ không còn đơ nữa. Kiểu như bạn ấy là quả cam, thay vì bóp cho chết luôn thì mình phải lột ra mà ăn. Tôi muốn cho bạn biết giống như từng múi cam, từng cảm xúc bên trong con người bạn cũng rất đẹp và hãy cho mọi người thấy bạn cũng có khả năng bộc lộ cảm xúc.

Anh có thấy bản thân lại chơi một canh bạc liều như ngày đóng "Em chưa 18" vì khi đó không ai tin được Kaity Nguyễn sẽ hoàn thành xuất sắc vai diễn?

Phim này giống "Em chưa 18" khá nhiều. "Em chưa 18", tôi thay đổi vẻ bề ngoài, tóc tai, da dẻ cho đến quần áo. Phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" cũng vậy. Đến nỗi, chị trang điểm cho đoàn phim "Em chưa 18" cũng cảm nhận như tôi. Khi hai chị em đang ngồi trang điểm, tôi bảo: "Chị ơi, chị có thấy bữa giờ, những tình huống, những trắc trở giống 'Em chưa 18' không chị?" Chị ấy đang trang điểm phải dừng lại nói: "Ờ ha, sao giống quá vậy Tuấn?" Tôi đùa: "Có khi nào cái này hơn 100 tỉ không chị? Được vậy cũng mừng".

Có thông tin nhiều nhà sản xuất hay đạo diễn chưa có "name", sẽ khó mời các diễn viên nổi tiếng. Từ đó, chất lượng phim không như ý. Sau khi Kiều Minh Tuấn nổi tiếng, anh có kén chọn nhà sản xuất và đạo diễn không?

Tôi không biết mọi người như thế nào. Riêng tôi, tiền bạc không thành vấn đề. Bên cạnh đó, đạo diễn và nhà sản xuất không mời được diễn viên ngôi sao thì chỉ duy nhất một điều là họ không đủ bản lĩnh. Làm việc phải rõ ràng chuyện làm việc. Dự án của bạn sẽ làm như thế nào.

Đạo diễn hay nhà sản xuất muốn mời được tôi chắc chắn phải có bản lĩnh. Họ phải có bản lĩnh để tôi thấy được thần thái, quyết tâm của họ. Nghệ sĩ hay ê kíp cũng vậy, nếu không đủ bản lĩnh thuyết phục người ta thì ra set máy không thể làm việc được. Bản lĩnh nghề, bản lĩnh về lời ăn tiếng nói, bản lĩnh về nghệ thuật mới thuyết phục được tôi.

Khi anh nói, nhà sản xuất hay đạo diễn phải có bản lĩnh mới mời được anh, liệu anh không sợ công chúng sẽ nói anh chảnh và bệnh ngôi sao?

Đúng mà. Mọi người phải tự hiểu là tôi rất cực khổ khi bò lên được tới đây. Vậy thì mọi người phải có bản lĩnh để đồng hành với tôi, không lẽ bây giờ, tôi lại phải kéo các bạn nữa? Các bạn đang chơi một canh bạc rất công bằng với tôi mà. Các bạn không có bản lĩnh làm sao chơi với tôi được, làm sao đi cùng với tôi được. Khi đó, tôi sẽ rất mệt mỏi, tôi sẽ trở thành không có bản lĩnh luôn.

Với một người khó tính trong công việc như anh, khi làm việc với các diễn viên nhí, anh có giảm sự khó tính của mình lại không?

Tôi phải khó, kể cả tác phong làm việc cũng phải dằn mặt tụi nhỏ. An Nguy không quay được với các bạn nhỏ là gọi tôi lên. Tôi hỏi chuyện gì, tại sao rồi ngồi phân tích. Mấy đứa nhỏ tác phong làm việc thế nào, qua đây, "quất liền", "xử liền". Ngày thường, ngoài đời, mấy đứa nhỏ muốn chơi, muốn làm gì cũng được, chạy té cũng không sao, muốn ăn uống gì cứ thoải mái. Nhưng khi đóng phim, tôi khắt khe hơn. Ăn món gì phải hỏi, món nào không cho là không ăn vì có những món ăn xong sẽ viêm họng ngay, ngày mai không thể đi quay được. Mấy đứa nhỏ vừa sợ vừa thương tôi.

Cô bé Chu Diệp Anh lúc đầu cũng "chướng" lắm. Khi vừa gặp, tôi trầm trồ vì cô bé dễ thương, xinh quá. Thế nhưng, do môi trường làm việc, các chú các cô cưng quá dẫn đến cháu hư. Lần sau, vừa bước vào là tôi bắt phải chào. Còn không chào, để tôi phải nhắc là bước ra ngoài ngay. Tôi nói thẳng: "Ba sẽ không quay với con nữa. Ba tổn thương lắm". Chu Diệp Anh cũng khá ngoan, nhận lỗi ngay: "Dạ con xin lỗi chú, con biết rồi chú". Thế là lần sau vừa bước vào là cô bé chào một lượt ngay.

Thật ra, không có đưa trẻ hư, chỉ do mình hư nên lây nó thôi. Tôi thương tụi nhỏ ở chỗ rất chuyên nghiệp, ý thức được việc mình đang làm, phải làm. Ví dụ bé Chu Diệp Anh trong cảnh quay chạy ngoài cánh đồng đường đá bi, bị vấp nên đầu gối trầy trụa rướm máu. Mọi người phải túm tụm lại sát trùng. Vậy mà cô bé vẫn nói: "Thôi, con không sao. Quay lạ đi ba, không là trời mưa". Tôi cảm thấy mấy đứa bé này, nó tôn trọng nghề diễn của mình. Tôi yêu, tôi trân quý mấy đứa bé này.

"Đến bây giờ, tôi mới thật sự dựa hơi Cát Phượng"

Ngoài đời, anh có phải là người khó tính, đặc biệt là với bé Bom, con trai của chị Cát Phượng?

Tôi rất khó tính, nhưng cũng rất dễ tính. Khó đúng lúc và dễ đúng lúc. Ví dụ trong lúc bé học, tôi sẽ rất khó, nhưng trong lúc chơi, tôi lại cực dễ. Con nít sẽ mau nản, không giống người lớn. Nó làm không được là sẽ buông bỏ. Nếu đi học mà cứ khó là buông thì sẽ bỏ luôn. Giả sử tôi nói với Bom: "Hôm nay con mệt lắm hả, vậy khỏi viết bài". Cậu bé tin thật là làm liên tục như thế làm sao được? Tôi phải dằn mặt lại. Nhiều lúc, tôi phải xem thái độ của bé để "cải biên" khuôn mặt của mình.

Khi tôi đóng chung với bé Hữu Khang cũng thế. Diễn té một chút, than đau, mặt tái mét, kiểu như trời đất sụp đổ. Tôi bảo: "Này, bỏ ngay tính xạo đó đi. Không có bị què tay, què chân. Nhìn tình trạng thế này là không sao hết. Đứng lên, đừng có xạo". Bé tiếp tục khóc. Tôi nói nếu muốn vậy, tôi gọi bác sĩ để bé thấy rõ bé đang diễn với mình. Bác sĩ đến và khám, chỉ là đau phần mềm, không sao cả. Tôi có cớ để nói bé là không nên mè nheo. Lâu lâu, các bé thích nhõng nhẽo. Một người lo là đã thích, đằng này có đến trăm người lo còn thích hơn. Hôm đó, đúng là thương bé thật, thời gian không còn nhiều, nếu không quay nhanh thì trời sẽ sáng, qua hôm sau phải quay lại sẽ mất thời gian và tiền bạc.

Anh nghĩ sao khi anh Thái Hòa công khai cảm ơn anh vì đã dạy dỗ bé Bom rất tử tế?

Trước đó, anh Hòa cũng hay nói. Tuy không nói trước mặt tôi mà nói gián tiếp. Khi gặp anh em đồng nghiệp, anh Hòa vẫn nói, cảm ơn tôi nhiều vì nhờ tôi, Bom mới có được ngày hôm nay. Cảm ơn tôi vì đã chăm sóc tận tình cho Bom.

Tôi thấy sự khó tính của mình là xứng đáng. Thế nhưng, lâu lâu, tôi cũng bị Phượng nói là bị khó quá. Những lúc đó, tôi "control" lại. Nhiều lúc, tôi bị lu mờ chính kiến quá. Phải cho những đứa trẻ có chút hư, không nên ngoan mãi. Những lúc nó hư như thế, nó sẽ bản lĩnh hơn.

Cuộc chiến phòng vé đã bắt đầu, trong đó có sự trở lại của Thái Hòa, anh có áp lực?

Tôi áp lực chứ. Tôi không cầu mong sự cảm thông hay biết ơn gì của anh Hòa. Áp lực với tôi là cầu mong, cố gắng phim anh Hòa ra đừng bị "fail", nhất định phải thắng lớn. Cứ cầu mong cho phim anh Hòa thắng lớn. Thứ nhất, anh Hòa là một người tài, không nên để tên anh ấy bị mất đi. Thứ hai, một thị trường nhiều người tài, thị trường đó sẽ lên. Thị trường là cả nền điện ảnh Việt Nam. Dù sau này tôi không phải ngôi sao phòng vé, tôi xuống vai khác, hỗ trợ cho các em nhưng có một tác phẩm tốt, tôi chấp nhận hết.

Nhiều nghệ sĩ có xuất phát điểm thấp, phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên hàng ngôi sao. Trong họ có nhiều nỗi lo sợ. Riêng anh có thế?

Người ta nói: "Thấy quan tài mới đổ lệ", "Thấy vực thẳm mới sợ nhảy xuống đó". Thực sự, tôi chưa thấy được điều đó. Phim tôi vẫn có đóng. Mọi người vẫn tôn trọng cách làm việc và cách thể hiện vai của tôi. Có thể, chiến thuật về giữ "name" là tôi chưa có. Đã có nhiều người nhắc tôi về điều này. Cuối năm nay, tôi sẽ suy nghĩ lại.

Dạo này, ngoại hình của anh thay đổi nhiều, anh ngày một trẻ hơn thế?

Thật ra, tôi dự định làm một bộ phim có tuyến nhân vật trẻ trung nên tôi mới phải cạo râu. Mọi người nhận xét là: "Thôi, để râu lại đi. Cạo râu nhìn mặt biến thái lắm". Tôi rất ghét lời nhận xét này. Vì thế, dù không làm phim đó nữa nhưng tôi vẫn để ngoại hình thế này hoài luôn. Tôi chỉ thích những bộ đồ màu đen bụi bặm. Mọi người cũng không quen tôi mặc kiểu trang phục màu mè, quần da như hôm nay. Vì mọi người không thích, tôi càng phải làm cho mọi người thích.

Nếu anh cứ trẻ như thế sẽ là áp lực cho chị Cát Phượng?

Không đâu, tôi vẫn đang là người bị áp lực về nhan sắc. Hôm qua gặp một người chị và bị dằn thẳng mặt: "Này Tuấn, lên hình trên tivi, chị thấy không sao nhưng ra ngoài thấy Phượng trẻ hơn em nha. Em phải cẩn thận". Tôi bình thường, tôi không quan trọng về nhan sắc nữa. Tôi quan trọng các mối quan hệ hiện có của mình hơn. Tôi muốn mọi người đều vui.

Ngày xưa, anh sẵn sàng chia sẻ về chị Cát Phượng hay về cuộc sống của anh. Còn bây giờ, anh hơi khó chịu và không muốn chia sẻ về những điều đó nữa thì phải?

Trước đó, tôi đã thấy được việc chia sẻ về cuộc sống riêng tư nhiều quá, sớm hay muộn gì cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tôi không chia sẻ lại có nhiều người bị tổn thương. Kiểu như tôi không phải là người thân của anh hay sao? Tại sao anh không nhắc tên tôi ở chỗ này, chỗ kia?.... Mọi người hỏi nhiều khiến tôi bị cuốn theo. Nó sẽ để lại hệ lụy.

Có phải một trong những nguyên nhân anh hạn chế chia sẻ chuyện tình cảm hay đời tư là sợ bị mang tiếng dựa hơi vợ mình?

Lúc đầu, tôi rất sợ bị mang tiếng dựa hơi. Đàn ông bị mang tiếng dựa hơi trong khi mình không như thế thì rất tổn thương. Đến bây giờ, tôi mới thật sự dựa hơi Cát Phượng. Công việc rất nhiều, tôi phải nhờ Phượng phụ tôi quản lí, nhận lịch, xếp lịch. Lúc trước, một mình tôi làm hết đó. Có vẻ, người ta đồn tôi "dựa hơi" hơi sớm, không đúng thời điểm.

Nói thế, trong gia đình, chị Cát Phượng sẽ là người giữ tiền?

Tôi mới là người giữ tiền nhưng tôi không quan tâm đến số tiền đó. Tiền đưa vào tay Phượng là cô ấy sẽ xài cho người khác, cô ấy làm từ thiện nhiều lắm. Ví dụ làm được 10 đồng, cô ấy sẽ làm từ thiện hết 12 đồng. Sau đó, quen nhau, tôi mới khuyên đừng như thế nữa. Hãy chia sẻ những hoàn cảnh này với mọi người để tất cả chung tay làm. Nhiều người biết, số tiền ủng hộ cho người khó khăn cũng nhiều hơn. Vẫn có nhiều người nói Phượng đánh bóng tên tuổi, nhắn tin chửi Phượng hoài. Tôi khuyên cô ấy đừng lo, đừng quan tâm về vấn đề này. Đánh bóng tên tuổi thì được gì? Rất nhiều nghệ sĩ vẫn làm từ thiện. Người thường cũng có tâm làm từ thiện chứ không riêng nghệ sĩ. Mình đang tạo cơ hội cho những người đã làm từ thiện hoặc chưa có thói quen làm từ thiện tập làm từ thiện.

Phượng bản lĩnh lắm. Đôi lúc biết đi ngược chiều với tất cả mọi người nhưng vẫn chấp nhận đi. Liều và lì. Gặp tôi là hơi "nhót".

Anh của bây giờ so với anh của ngày xưa, khi chưa bước lên đỉnh cao sự nghiệp có nhiều thay đổi về tính cách và cuộc sống?

Tính cách vẫn vậy, chỉ là mạnh hơn, đậm đà hơn. Vì lúc trước, tôi không dám nói. Tôi chỉ nói chuyện với bạn bè, người thân. Gặp người lạ, tôi sẽ ngay lập tức hình sự, bất cần dân sự. Bây giờ, tôi có khả năng bắt chuyện với người lạ. Tôi tự tin hơn. Tôi nói không giỏi nhưng vẫn có thể nói chuyện trước đám đông. Tôi vui hơn. Lúc trước, người khác nhìn, tôi không quan tâm lắm, cũng không biết vì sao họ nhìn mình. Còn bây giờ, tôi biết họ đang nhìn nghệ sĩ và tôi nhiều hơn với họ. Nhưng cười xấu, bị nói cười đơ hoài.

Cảm ơn Kiều Minh Tuấn về buổi trò chuyện này!

Theo Lam Khánh/ngoisao.vn/Người lao động

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/kieu-minh-tuan-den-bay-gio-toi-moi-that-su-dua-hoi-cat-phuong-nhung-toi-moi-la-nguoi-giu-tien-trong-gia-dinh-c18a295032.html