Kiêu Kỵ vào mùa

Từ đầu tháng Chạp, ở làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), không khí đã rộn ràng, náo nức như Tết đã đến, Xuân đã về. Khắp làng, tiếng gõ quỳ dồn dập, các bức trướng, hoành phi, câu đối… sơn son thếp vàng đẹp đẽ, tinh xảo dựng đầy khắp trong nhà, ngoài sân của các gia đình. Kiêu Kỵ đang vào mùa…

Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Vòng hoàn thiện sản phẩm sơn thếp. Ảnh: MỘC LAN

Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Vòng hoàn thiện sản phẩm sơn thếp. Ảnh: MỘC LAN

Từ đầu tháng Chạp, ở làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), không khí đã rộn ràng, náo nức như Tết đã đến, Xuân đã về. Khắp làng, tiếng gõ quỳ dồn dập, các bức trướng, hoành phi, câu đối… sơn son thếp vàng đẹp đẽ, tinh xảo dựng đầy khắp trong nhà, ngoài sân của các gia đình. Kiêu Kỵ đang vào mùa…

Độc nhất vô nhị

Dẫn tôi thăm xưởng sản xuất nhỏ, chứa đầy tranh, trướng…, nơi có khoảng 10 người thợ, già có, trẻ có đang say sưa, tỉ mẩn với công việc của mình, Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Vòng chia sẻ: “Ở đây, năm nào cũng vậy, không khí Tết luôn đến sớm. Cả làng làm luôn tay, luôn chân không hết việc để giao hàng cho khách trưng bày dịp đầu năm. Cũng dịp này, cánh thợ chúng tôi cứ trong nam, ngoài bắc suốt để trang hoàng cho những gia đình, từ đường, đền chùa…”. Nói rồi ông chỉ cho tôi túi hành lý cùng đầy đủ đồ nghề để mấy giờ nữa sẽ đi Phú Yên làm sơn thếp cho khách.

Nói về mảnh đất quê hương, ông Vòng không giấu nổi tự hào: Nghề quỳ vàng của làng chúng tôi là độc nhất vô nhị. Làm quỳ vàng, nghe qua thì thật đơn giản, chỉ là cán vàng cho thật mỏng, nhưng chứng kiến các công đoạn trong quá trình làm mới thấy đây là công việc rất khó, đòi hỏi sự dẻo dai, khéo léo của đôi tay người thợ. Những thỏi vàng được đập mỏng, sau đó cắt thành những hình vuông tầm 1 cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Để ra được những mảnh vàng như thế, người thợ phải thao tác qua ít nhất 40 công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và tinh xảo gần như tuyệt đối. Vàng để làm mỏng phải là loại vàng chuẩn bốn số 9 (9999), không được lẫn bất cứ tạp chất nào. Đá để làm đe đập vàng là loại đá mồ côi rất cứng. Loại đá này gần như chỉ thấy ở đất Kiêu Kỵ, hầu hết là do cha ông để lại, có tuổi đời hàng trăm năm. Sản phẩm tạo ra sẽ được các nghệ nhân dát lên các bức tượng, câu đối, đồ vật mạ vàng hoặc bán cho các họa sĩ, thợ điêu khắc... có nhu cầu. Cho đến nay, một chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1 m2 thì duy nhất chỉ đất Kiêu Kỵ làm được, kể cả những nước có nền công nghiệp dát vàng phát triển như Nhật Bản.

Theo nhiều nghệ nhân làng Kiêu Kỵ, nghề quỳ vàng ở đây đã trải qua hơn 500 năm lịch sử. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8, nghề làm vàng quỳ rất phát triển, cung cấp sản phẩm cho hầu hết các công trình tín ngưỡng, cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối… Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, rồi thời kỳ khó khăn khi đất nước mới mở cửa, khách vãn dần, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một. Khắp làng chỉ còn vài gia đình khó nhọc bám trụ với nghề. Mãi đến những năm 1990-1991, kinh tế đất nước bắt đầu có bước phát triển, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo, những công trình mới được xây dựng, rất cần đến vàng quỳ. Đó cũng là lúc mà những lớp nghệ nhân ở đây nắm bắt thời cơ, cùng chung tay phục dựng lại nghề truyền thống cha ông để lại. Sau một thời gian, tiếng quỳ vàng lại vang lên khắp làng. Chẳng mấy chốc, tiếng thơm Kiêu Kỵ bay đến khắp nơi, làng tấp nập người ra, kẻ vào. Kiêu Kỵ trở lại thời kỳ hưng thịnh. Nhiều công trình lớn đã sử dụng vàng quỳ Kiêu Kỵ cho việc trang trí nội thất như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Kinh đô Huế, di sản Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám...

Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện, có hơn 50 gia đình ở Kiêu Kỵ chuyên kinh doanh vàng quỳ. Nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có hàng chục thợ làm việc. Sản phẩm của Kiêu Kỵ ngày càng phong phú, đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ làm nghề nói riêng và địa phương nói chung. Không chỉ gìn giữ được những bí quyết làm nghề vàng quỳ, khoảng 15 năm nay, người dân Kiêu Kỵ đã học hỏi, nghiên cứu để phát triển thêm nghề sơn son thếp vàng. Tiếng lành đồn xa, người Kiêu Kỵ được mời đến trang hoàng rất nhiều đền đài, chùa, miếu mạo khắp cả nước.

Một công đoạn quỳ vàng. Ảnh: MỘC LAN

Giữ nghề của làng

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của nghệ nhân Lê Bá Tươi khi anh đang cùng cánh thợ say sưa với những sản phẩm của mình. Tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chú trong từng đường nét, phải đến khi bức tranh được hoàn thiện, anh Tươi mới nghỉ tay và biết có khách đến thăm. Anh tươi cười bảo: Gần Tết, tìm được phút nghỉ ngơi khó lắm! Cứ độ vài hôm, tôi lại khăn gói quả mướp, tay nải gió đưa cùng đồ nghề đến nhiều tỉnh, thành phố để trang trí nội thất cho khách.

33 tuổi, Tươi đã là một trong những nghệ nhân tuổi đời còn trẻ nhưng được khách hàng khắp cả nước biết đến với “đôi tay vàng” của mình. Anh Tươi cho biết, hồi anh còn nhỏ, làng Kiêu Kỵ mới chỉ thịnh hành nghề quỳ vàng. Mãi đến những năm 2003-2004, làng bắt đầu phát triển nghề sơn son thếp vàng. Đó cũng là lúc anh bước vào tuổi 18, đôi mươi. Vừa có sức vóc, lại có hoa tay thừa hưởng từ cha ông, chẳng bao lâu, những thế hệ nghệ nhân trẻ như anh đã cùng những nghệ nhân đầu tiên phát triển nghề sơn son thếp vàng ở đất Kiêu Kỵ. Khoảng 10 năm trở lại đây, sản phẩm của Kiêu Kỵ đã chinh phục được những khách hàng khó tính nhất.

Nhắc đến nghề sơn son thếp vàng ở Kiêu Kỵ, không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Chung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thếp vàng mỹ nghệ Kiêu Kỵ. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho nghề phát triển trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2003, ông Chung nhận thấy nếu chỉ có nghề quỳ vàng, người dân Kiêu Kỵ khó có thể giàu lên được. Vì thế, ông đã học hỏi, nghiên cứu nghề sơn son thếp vàng để mở hướng phát triển mới cho quê hương. Mất không ít thời gian, những sản phẩm sơn son thếp vàng đầu tiên mới ra đời. Đó cũng là lúc ông Chung phải lặn lội đi khắp nơi để quảng bá tay nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự kiên trì, cùng những sản phẩm đặc sắc, tinh xảo, cuối cùng, những sản phẩm sơn thếp đầu tiên của Kiêu Kỵ cũng đã tạo được niềm tin, sự ưa chuộng đối với khách hàng.

Mở ra hướng đi mới cho làng nghề, dần dần, nghệ nhân Lê Bá Chung tìm cách giữ nghề, phát triển nghề. Ban đầu, ông truyền nghề cho con cháu trong gia đình một cách bài bản. Từ sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình, ông Chung phát triển sản xuất thành tổ hợp tác, rồi hợp tác xã. Được chính quyền địa phương và người dân hưởng ứng, ông mở lớp để đào tạo các nghệ nhân trẻ; phối hợp địa phương mở câu lạc bộ thếp vàng mỹ nghệ. Nghề sơn son thếp vàng Kiêu Kỵ đi lên từ đó.

Theo nghệ nhân Lê Bá Chung, cũng như quỳ vàng, nghề sơn son thếp vàng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, sự cầu kỳ, tâm huyết cùng khả năng tập trung cao độ. Sản phẩm trang trí phải đạt yêu cầu về chất lượng, sức sáng tạo, và người nghệ nhân phải nỗ lực, tìm tòi thêm nhiều kỹ thuật tô vẽ, trang trí mới để nâng cao tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm. Kỹ thuật sơn son thếp vàng ở Kiêu Kỵ còn được khách hàng ưa chuộng bởi toàn bộ quá trình chế tác đều được làm bằng tay. Chính vì vậy, tác phẩm sản xuất ở Kiêu Kỵ không chỉ nổi tiếng về chất lượng tốt mà còn thể hiện sự tinh tế, độc đáo, mang đậm dấu ấn của nghệ nhân. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chữ “Tâm” được nghệ nhân Lê Bá Chung nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Ông bảo, có lẽ, nghề đã chọn mình, vì vậy, mình phải giữ được cái tâm để giữ nghề, để chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Chữ “Tâm” cũng là bài học đầu tiên ông truyền dạy cho các thế hệ học trò, những người mà như ông nói, chính là tương lai của Kiêu Kỵ, những người đang nắm giữ vận mệnh cho sự thịnh - suy của làng nghề có tuổi đời trải dài hơn năm thế kỷ.

Chia tay Kiêu Kỵ, khi trời đã nhá nhem tối. Tiết lạnh giá của trời chiều cuối năm như chợt ấm lên giữa không gian tràn ngập những sản phẩm sơn son thếp vàng. Tiếng gõ quỳ vẫn chan chát, rộn ràng khắp nơi nơi. Kiêu Kỵ đang vào mùa. Mùa xuân sẽ luôn đến sớm ở nơi đây, bởi theo như các nghệ nhân, lãnh đạo địa phương, chỉ cần thế hệ đi trước dốc sức truyền thụ, thế hệ trẻ tâm huyết, có ý thức giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương thì Kiêu Kỵ sẽ luôn phát triển, hưng thịnh.

HOÀNG ĐỨC NHÃ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38967902-kieu-ky-vao-mua.html