Kiều hối - 'dòng huyết mạch' của tăng trưởng kinh tế châu Phi (Phần 1)

Trang mạng theconversation.com mới đây có bài phân tích về mối tương quan của đầu tư nước ngoài, kiều hối và tần suất xung đột tại một số nước ở châu Phi.

Kiều hối - "dòng huyết mạch" của tăng trưởng kinh tế châu Phi. Ảnh minh họa: TTXVN

Kiều hối - "dòng huyết mạch" của tăng trưởng kinh tế châu Phi. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều nền kinh tế châu Phi bị chao đảo khi xảy ra các cuộc xung đột bạo lực ở trong nước. Các nhà đầu tư và khu vực tư nhân có xu hướng tránh rủi ro và họ sẽ ngừng bơm tiền vào các nước không đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh.

Nhưng nghiên cứu mới đây của Quỹ Một Trái Đất tương lai, Đại học Colorado, Mỹ tiến hành tại một số nước châu Phi như Nigeria, Ivory Coast và Ethiopia cho thấy đầu tư của cộng đồng kiều dân có thể đóng vai trò nguồn tài chính thay thế trong thời kỳ các nước này đối mặt với khủng hoảng.

Kiều dân đã và đang đóng góp tài chính cho quê hương thông qua kiều hối. Kiều hối có thể được kiều dân gửi thông qua các khoản tài chính tới người thân, bạn bè trong nước. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính năm 2017 khoảng 466 tỷ USD kiều hối được gửi tới các nước thu nhập thấp và trung bình.

Nghiên cứu cho thấy trong thời gian xảy ra xung đột ở một quốc gia, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước đó có thể giảm nhưng lượng kiều hối vẫn tương đối ổn định, thậm chí tăng lên. Thực tế đó có thể giải thích được bởi kiều hối thường hướng tới người thân hoặc bạn bè của kiều dân và diện nhận kiều hối càng cần giúp đỡ hơn khi trong nước xảy ra chiến tranh hoặc xung đột.

Hình thức đầu tư này có thể đóng vai trò là "huyết mạch" sống còn cho sự phát triển của khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế ngay cả những vùng có môi trường đầu tư khó khăn nhất. Do vậy, ngay trong những thời điểm bất ổn nhất, kiều dân có thể sẵn sàng gửi về nước lượng kiều hối lớn hơn.

Để hiểu tính ổn định tương đối của đầu tư từ cộng đồng kiều dân, cần so sánh hình thức này với các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài khác dựa theo số liệu về tần suất xung đột.

Tần suất xung đột được hiểu là số lượng các cuộc xung đột xảy ra ở một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Tại Nigeria, tần suất xung đột ít có đột biến từ năm 1997 cho đến cuối những năm 2000. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự tăng trưởng bền vững của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với mức tăng hơn 5 lần.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 2000, với sự leo thang xung đột, chủ yếu từ sự tấn công của nhóm khủng bố Boko Haram và sự gia tăng bạo lực ở Vành đai trung tâm phân chia vùng lãnh thổ Bắc – Nam của nước này, cộng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến đầu tư nước ngoài vào Nigeria giảm đáng kể. Năm 2017, đầu tư nước ngoài vào Nigeria chỉ chiếm khoảng 40% so với mức đỉnh điểm vào năm 2011.

Xung đột leo thang tại Nigeria vào các năm 2010 và 2017 khiến đầu tư sụt giảm, trong khi năm 2016, tình hình xung đột dịu hơn khiến dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. Dù cần xét đến nhiều yếu tố nhưng rõ ràng có mối tương quan khá chặt chẽ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tần suất xung đột.

Lượng kiều hối gửi về Nigeria tương đối ổn định từ năm 1997 đến giữa những năm 2000, với sự tăng đột biến so với trước năm 1997, sau đó là giai đoạn ổn định tương đối khác và tăng trưởng nhẹ ở những năm cuối giai đoạn.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kieu-hoi-dong-huyet-mach-cua-tang-truong-kinh-te-chau-phi-phan-1-/114319.html