'Kiêu hãnh Trường Sơn' - Sống lại ký ức của những bông hồng thép

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), cuộc triển lãm ý nghĩ mang tên 'Kiêu hãnh Trường Sơn' vừa được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức tại Hà Nội.

Triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" nhằm tôn vinh những đóng góp, hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chia sẻ với những nỗi đau phía sau cuộc chiến để thêm yêu hòa bình và gìn giữ nền độc lập dân tộc.

Trong chiến công vĩ đại của con đường mang tầm vóc lịch sử ấy không thể không nhắc đến hơn hai vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đánh đổi cả tuổi trẻ và bản thân mình. Họ là những nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh…

Tiêt mục văn nghệ đến từ Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn. (Ảnh: T.P)

Tại buổi khai mạc sáng 16/5, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho biết, với 3 chủ đề: “Dấu ấn một huyền thoại”, “Những bông hồng thép”, “Phía sau cuộc chiến”, Triển lãm tái hiện một con đường thời gian về Trường Sơn với sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên của đời thường.

Bà Nguyễn Hải Văn nhấn mạnh, Triển lãm như thước phim chậm tua lại thời gian để hiểu về một lực lượng đặc biệt – những cô gái trên đường Trường Sơn. Con đường ấy đã để lại những cái tên huyền thoại như mười cô gái Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh..., hay những cái tên bất tử như Hồ Kha Lịch; La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn...

Ảnh tư liệu tại triển lãm. (Ảnh: T.P)

Đặc biệt, dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, triển lãm còn khắc họa bức tranh sống động với những mẩu chuyện nhỏ được họ chia sẻ về cuộc sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn.

Đó là những câu chuyện đời thường rất lính, nhưng lại nữ tính với cả nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường, đối mặt với mưa bom bão đạn và những nỗi sợ giản dị khác như sợ vắt, sợ ma, sợ rụng tóc, sợ ghẻ lở... Thậm chí, để được tham gia lực lượng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, có nhiều chị đã phải khai tăng tuổi, lúc tuyển quân phải tìm mọi cách để tăng cân nặng mới đủ tiêu chuẩn ra chiến trường...

Kỷ vật của những cô gái Trường Sơn tại triển lãm. (Ảnh: T.P)

Cựu nữ thanh niên xung phong Trần Thị Xuân, thành viên Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn cũng là một trong những nhân chứng ấy. Tại triển lãm, bà chia sẻ với khách tham quan về tấm ảnh năm 17 tuổi và lời nhắn gửi cho mẹ khi ra chiến trường rằng: “Mẹ ơi, chiến trường ác liệt quá, điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con không thể giữ được mái tóc như mẹ đã dặn. Con gửi mẹ giữ hộ con mái tóc này, khi nào hết chiến tranh con sẽ về và xin lại, mẹ cất hộ con nhé”.

Các cựu nữ thanh niên xung phong xem lại những hình ảnh xưa. (Ảnh: T.P)

Khi chiến tranh đã lùi xa, những cô gái năm nào như bà Xuân và những đồng đội bước ra từ cuộc chiến vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Đến tận hôm nay, trong họ vẫn tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn”.

Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” diễn ra từ ngày 16/5 - 15/7. Cùng với triển lãm, dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức hoạt động giao lưu với các nữ chiến sĩ, Trại hè “Huyền thoại Đường Trường Sơn”, hướng dẫn khách tham quan tham gia gấp hoa giấy nghệ thuật tri ân các liệt sĩ Trường sơn đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ...

T.P

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kieu-hanh-truong-son-song-lai-ky-uc-cua-nhung-bong-hong-thep-94274.html