Kiêu hãnh nghệ thuật múa rối: Rối cạn hầu thánh duy nhất ở Việt Nam

Nam Giang thuộc huyện Nam Trực (Nam Định) có lẽ là nơi duy nhất trên đất nước ta còn giữ được nghệ thuật rối đầu gỗ 'ổi lỗi'. Đó là cách thức lạ lùng với tục rối cạn hầu thánh theo lệ cổ cúng giao thừa.

Nghi thức dâng tượng hầu thánh.

Nghi thức dâng tượng hầu thánh.

Trong kho tàng văn hóa phi vật thể truyền thống Việt Nam, Nam Định được mệnh danh là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước đặc sắc với những làng rối nổi tiếng như làng Rạch, làng Liễu Đề.

Nhưng ít ai biết, vùng đất Nam Giang còn lưu giữ được trò rối cạn độc đáo bậc nhất nước ta, đó là múa rối đầu gỗ “ổi lỗi”. Đây không chỉ là loại hình nghệ thuật, mà còn mang đậm màu sắc tâm linh, bởi chỉ diễn duy nhất trong năm vào đêm hầu thánh ở chùa Đại Bi.

Tưởng nhớ Thiền sư

Ngự giữa Nam Giang bây giờ, có lẽ chùa cổ Đại Bi không chỉ là bảo vật mà còn là thánh địa tâm linh. Lược qua chút về sử chùa mới thấy xửa xưa xây dựng trên nền đất rồng thời Lý. Phần nào giống với chùa Thầy ở Sài Sơn, chùa Đại Bi tưởng nhớ vị Thiền sư còn lắm tranh cãi giữa đời với đạo là Từ Đạo Hạnh.

Huyền tích về Từ Đạo Hạnh kể rằng cha ông là Từ Vinh, làm đô thống tăng quan dưới triều Lý, mẹ là bà Tăng Thị Loan. Từ Vinh bị sư Đại Điên hại. Hai mẹ con Từ Đạo Hạnh trốn tránh sự truy sát của kẻ thù, chạy về xã Chân Đàm, huyện Tây Chân, trấn Sơn Nam (nay là xã Nam Giang). Ở đây, ông lập am tu hành và kết bạn cùng Nguyễn Giác Hải và Dương Không Lộ.

Ba huynh đệ đồng hành vượt biển cầu đạo, đắc đạo rồi mới trở về. Sư Giác Hải tu ở chùa Cổ Lễ (Nam Định), sư Không Lộ tu ở chùa Keo (Thần Quang tự - Thái Bình), còn sư Đạo Hạnh về tu ở chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy). Ngoài 3 vị thiền sư kể trên, phải thêm thiền sư Vạn Hạnh và Mãn Giác đứng đầu nữa là đủ bốn vị “ngũ đại thiền sư” dưới thời nhà Lý.

Cũng cần nói thêm ba vị Giác Hải, Từ Đạo Hạnh, Không Lộ là những nhân vật khó phân định ranh giới cho minh bạch giữa truyền thuyết và sự thực. Có thể nói họ là những vị thiền sư được “dân gian phong thánh” nhiều hơn là chính sử ghi nhận, cuộc đời và công tích của họ đượm màu huyền hoặc.

Những nơi ba vị từng tu hành, còn lưu thờ, đặc biệt đều có trò “ổi lỗi”. Chùa Cổ Lễ thờ Giác Hải thiền sư, chùa Keo thờ Không Lộ thiền sư đều còn giữ được một số đầu tượng rối giống như ở chùa Đại Bi, nhưng kinh văn (lời hát) ở những nơi này đã mất, và cũng không còn phường rối, không biết biểu diễn thế nào.

Theo ông Nguyễn Dũng và các cao niên của phường rối Nam Giang thì tục rối cạn hầu thánh có liên quan đến các truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh như sau: Một lần, thiền sư dạo thuyền trên sông thấy một cái bọc trên sóng nước. Ngài vớt lên, mở ra xem thì thấy trong đó có sáu đứa trẻ quái thai. Thiền sư đem sáu đứa trẻ ấy về chùa nuôi dạy.

Truyền thuyết thứ hai kể về mười hai ông thần Sóng dâng nước ngập lụt hại dân, đức thánh Từ ra tay phép thuật thu phục được sáu ông, còn sáu ông Sóng bị đuổi ra biển, bèn đặt ra tích trò rối sáu ông thần Sóng múa trên mặt nước (tấm màn che để múa đầu tượng rối phải thêu hình sóng nước). Thuyết thứ ba cho rằng sáu đầu tượng rối chính là đại diện cho các “đức” của người quân tử: Liêm, Sỉ, Trí, Tín, Hiếu, Nghĩa.

Sáu ông Lộng ở chùa Đại Bi.

Câu chuyện cụt ngủn chỉ có thế. Nhưng để tưởng nhớ đức hạnh của nhà tu hành, người trong vùng đã sáng tạo ra sáu đầu rối mang khuôn mặt của sáu người kia và bắt đầu cho một tục lệ dài: Rối hầu thánh.

Căn cứ vào kinh văn lời hát, gọi là “Kinh Thánh Hội Rối” thì các nghệ nhân tạm phỏng đoán trò “ổi lỗi” được hoàn thiện từ thời Lê Sơ. Có bài ca từ ngợi khen việc “khôi phục đế đô”, có bài ca ngợi đức vua, đức chúa (Lê - Trịnh).

Còn lại, hầu hết các bài ca gọi là bài Giáo, Vãn, và Dâng… có ý nghĩa ca ngợi đời thái bình thịnh trị, chúc thọ quan viên ba xã (là các thôn Vân Tràng, Giáp Tư và Giáp Ba, ba thôn thành viên của Phường Rối), giáo dục răn dạy đạo đức phong kiến “tam cương, ngũ thường”, đạo gia đình, đạo khuyến học, kể tình chinh phu, chinh phụ...

Trong ca từ có rất nhiều lời cổ, ví dụ như “hòa” nghĩa là “chàng”, “nường” là “nàng”, “bường” là “bình” (“thái bường” tức là “thái bình”). Có câu ca như: “Đôi hàng giọt nguộc đượm chan má nhuần”, tức là: Đôi hàng nước mắt chảy ướt má đào. Đó là các từ dễ hiểu, còn rất nhiều từ tối nghĩa (nghĩa cổ) các cụ chỉ hát được mà không hiểu được.

Ông Dũng bảo, rối hầu thánh gọi chính tên là “ổi lỗi”. Sao lại gọi như vậy thì không ai rõ, mà nhiều nhà ngôn ngữ học cũng chưa phân định được gốc gác của thuật ngữ này. Chỉ biết rằng, tục rối cạn trước đây có tồn tại ở một số địa phương như Định Hóa (Thái Nguyên) và Tế Tiêu (Hà Nội), nhưng mai một dần.

Các nghệ nhân múa rối đều đồng ý với tôn chỉ là múa rối mua vui để nhân dân thưởng thức, còn rối “ổi lỗi” lại là biểu diễn để phục vụ thánh thần, tỏ lòng tôn kính với bề trên. Vì thế mà rối chùa Đại Bi vừa độc đáo về mặt nghệ thuật lại phong phú trong nghi thức tâm linh.

Biểu diễn rối cạn chùa Đại Bi là một tục cổ duy nhất còn sót lại.

Độc đáo lễ rước

Khác với cách gọi của các làng rối nước. Người ta không gọi rối là con bởi đó là thánh tượng. Nếu ai ở đây chẳng may gọi đó là “con rối” thì đúng là phạm thượng, phải làm lễ xin lỗi thần thánh thì mới xong. Các nghệ nhân trong phường rối Nam Giang đều đồng ý rằng, trước khi tổ chức một cuộc hát rối thì các nghi thức phải được đầy đủ. Đầu tiên là tế lễ xin phép rước và đưa thánh tượng từ nơi thờ tự ra nơi biểu diễn.

Thật là theo lệ cổ xưa, thì phần lễ trọng hơn mọi phần khác. Lễ xin phép được chia làm bốn phần: Thánh y, rước tượng, tắm tượng và dâng tượng. Kể ra thì gọn vậy nhưng làm xong những phần lễ này đã mất trọn nửa ngày. Mà không đơn giản ai làm cũng được, phải những người vai vế, uy tín trong phường hát mới đủ tư cách.

Ông Dũng bật mí: “Lệ cổ này đã duy trì từ xưa. Tất cả các thành viên trong phường đều là nam giới và chia làm hai nhóm. Một là nhóm cấp trước; hai là nhóm cấp sau. Trong mỗi đêm hội, những nghệ nhân biểu diễn phải mặc áo chùng thâm, đội khăn xếp”.

Ông Dũng dẫn tôi vào trong chùa, xong khoản lễ bái mới được nhập phòng mà ngắm “thập nhị thánh tượng” gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ. Qua màu sắc đã nhạt và chất gỗ đã phẳng mịn, người ta cũng đoán những bức tượng này ít nhất vài trăm năm tuổi.

Như một nhà hướng dẫn lịch sử, ông Dũng không dám chỉ tay mà cúi đầu xuống và bảo: Sáu tượng rối lớn cùng cỡ được gọi là sáu ông Lộng được làm từ gỗ mít khoét rỗng. Trong đó, hai đầu tượng gọi là chúa Lộng mang gương mặt quan văn và quan võ có màu đỏ sẫm, hai chòm ria vểnh sang hai bên, mắt nhìn thẳng quắc thước. Đôi tượng Chàng Cát, có tên nôm là Cóc Vàng mặt màu hồng nhạt.

Cuối cùng là hai đầu tượng Tùy Trắng miệng rộng đang cười biểu thị cho giàu có, trí lực. Ngay sát sáu thánh tượng lớn là sáu tượng rối nhỏ cũng bằng chất liệu gỗ mít tượng trưng cho sáu nhân vật: Chàng đội mũ, hai nàng tiên, ông Chớp, hoàng hậu và ông Mách mặt to.

“Nhân vật chính” của trò “ổi lỗi” là sáu cái đầu tượng “ông Lộng”. Mỗi đầu tượng này làm bằng gỗ, hình đầu người rỗng, có cán cầm tay ở gáy tượng, dài khoảng 40cm, đường kính lòng 30cm, nặng khoảng 3kg/đầu (khi cầm để múa khá nặng).

Tại sao gọi là “Lộng” thì những người biểu diễn cũng không giải thích được, chỉ phỏng đoán căn cứ vào vẻ mặt tươi tắn của các đầu tượng, thứ nhất có thể là chữ “Lộng” trong chữ “hí lộng”. Hoặc là chữ “Lộng” trong chữ “ra khơi vào Lộng” (căn cứ theo thuyết ông thần Sóng).

Nghệ nhân Nguyễn Dũng nói về cung cách biểu diễn rối hầu thánh.

Sáu đầu tượng nhỏ hơn làm bằng gỗ đặc, người cầm ở cổ tượng, dài khoảng 30cm, nặng khoảng 1kg/tượng. Gồm các pho: Hai pho tượng Tiên; một tượng gọi là tượng Chàng; một tượng Hậu (hoặc gọi là tượng Nàng Ruông); một tượng ông Mách (tựa như nhân vật dẫn chuyện), và cuối cùng là tượng ông Chớp. Những tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung cũng rất tươi tỉnh. Mỗi một loại tượng đều có bài múa và hát kèm theo (múa hát Dâng Chàng, Dâng Tiên...).

Phía bên tả chùa Đại Bi là nơi trưng bày nhạc cụ phục vụ lễ hát rối. Đó là những bộ gõ với 2 cái mõ làm bằng gốc tre; 1 trống bảng gõ bằng mảnh nứa chứ không phải bằng dùi; 2 trống cơm; 2 thanh la; 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu; 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói dùng để gõ theo trống cái. Khi hát thì có hai người hát, phải khoanh tay mà hát.

Tuy chỉ có một bộ gõ nhưng tới 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú và phức tạp tinh kỳ. Có một bài cuối là bài Dâng Phú, có nhiều tên “húy” của các thánh. Do vậy không được ghi ra giấy, các ông trùm phường rối quỳ đọc lẩm nhẩm, đánh trống lấp tiếng đi không ai nghe rõ. Bài Dâng Phú chỉ được truyền khẩu riêng cho những người kế nghiệp làm trùm phường.

Hiện ở phường múa rối hầu thánh Nam Giang, chức trùm phường vẫn được duy trì. Họ là những người có kinh nghiệm và đủ uy tín để dẫn dắt cả phường hội hoạt động. Thường thì các ông trùm lãnh vai trò khởi lễ và kết lễ cùng đảm luôn những lời hát “khẩn thần, cầu thánh”.

Nói đến đây, xem đến đây chắc lại nhiều người lại liên tưởng đến cung cách hầu đồng. Thì đúng như vậy, nhưng những lời hát từ Kinh văn cho đến cách biểu diễn “ổi lỗi” thì lại khác xa. Nó duy nhất chỉ nói về công lao của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Nhưng cũng lạ là dù ngợi ca Thiền sư của Phật giáo nhưng những bài Kinh như: Ngũ canh, giáo chinh phu… lại gói trọn trong Khổng giáo với những đạo lý tam cương ngũ thường. Nghệ nhân Đoàn Hữu Sòng cho hay: Vì thời gian biểu diễn dài rối hầu thánh khá dài, đầu tượng rối lại nặng hơn 3 cân nên người nghệ nhân cũng phải khỏe mạnh, dẻo dai. Tối kỵ nhất là đánh rơi đầu rối nên phải cẩn trọng.

Trong khi biểu diễn, người ta sẽ dựng một tấm vải mắc vào hai cây cột giữa tiền đường. Tấm vải này bập bềnh tượng trưng cho sóng nước trên sông khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh dạo thuyền. Sáu ông Lộng được mặc áo phủ từ cổ tượng và cũng để che đi phần tay người điều khiển.

Những nghệ nhân được phân việc đứng sau tấm màn và điều khiển sao cho các đầu rối hướng về phía ban thờ Phật và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sáu đầu rối nhỏ đứng sau kết hợp nhuần nhị giữa các động tác múa và lời Kinh sao cho như thật.

Nguy cơ biến mất

Cụ Vũ Huy Rính, Chánh trùm phường rối hầu thánh chùa Đại Bi đã ngoài 80 tuổi. Tuy còn nhớ tất cả từng lời kinh, từng lễ nghi cho một cuộc múa rối linh đình đêm 30 Tết hay hội chùa làng, nhưng tuổi cao, chân yếu tay run nên cụ không thể trực tiếp mục vụ cho những nghi thức cần đến sức lực.

Thế nhưng, cụ lo cho mình thì ít mà lo cho phường rối thì nhiều. Cụ bảo, phường rối được vài chục người nhưng đều đã có tuổi. Người còn trẻ thì không thuộc hết lời kinh; hoặc thuộc kinh nhưng không thuộc nghi thức.

Cho nên cụ Rính lo. Một mai cụ về với tiên tổ thì không biết lấy ai vẹn toàn cho đại sự làng. Cuộc rối cạn hầu thánh xem chừng giản đơn, nhưng để hiểu sâu sắc đến tường những nghĩa những kinh bổn cổ xưa thì sao mà phức tạp quá.

Đã vậy, 12 cỗ tượng đầu thánh đang hư hao mòn vẹt đi cả nước sơn. Riêng đôi tượng Tùy trắng đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mà người ta gọi là phế tích. Ở Nam Giang, ai cũng biết đến điều ấy và đều lo lắng cả, nhưng lo đóng góp kinh phí để duy trì được đều đặn mỗi năm đã là cố gắng lắm rồi.

“Rối hầu thánh Nam Giang từng được mời diễn ở Hà Nội cùng nhiều nơi khác. Nhưng có lẽ, diễn chỉ là để thỏa mãn một số ít những người hiểu biết. Còn việc giữ gìn được truyền thống hay không, thì lại là tùy duyên”, Nghệ nhân Vũ Huy Rính, Chánh trùm phường rối Nam Giang.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/kieu-hanh-nghe-thuat-mua-roi-roi-can-hau-thanh-duy-nhat-o-viet-nam-4065593-b.html