Kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước

Kiều bào bày tỏ mong muốn có thông tin rộng rãi hơn về sự đổi mới của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào về đầu tư

Tối 26-1, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (thủ đô Hà Nội), trong khuôn khổ chương trình "Xuân quê hương 2019", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chúc Tết kiều bào, đánh trống khai Hội Xuân và chương trình giao lưu nghệ thuật với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Vui khi về đón Xuân

Về dự chương trình Xuân quê hương năm nay có gần 1.000 kiều bào trên khắp thế giới. Trước đó, chiều cùng ngày, tại Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và phu nhân cùng đại diện kiều bào đã dâng hương tại Đền Ngọc Sơn, thực hiện nghi thức thả cá chép xuống hồ Gươm nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng chạp); cầu cho quốc thái dân an; đất nước thái bình, thịnh vượng; nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Sau khi thực hiện nghi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu lại rất lâu trong khuôn viên Đền Ngọc Sơn, bắt tay, trò chuyện thân mật với kiều bào, thăm hỏi tình hình đời sống, công tác, làm ăn của kiều bào; động viên bà con luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi sắp đến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi tới toàn thể bà con kiều bào và gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất, bước sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi sự hanh thông.

Tại buổi gặp mặt 100 kiều bào tiêu biểu tổ chức sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết hiện có khoảng 4,5 triệu người gốc Việt sinh sống ở các nước trên thế giới. Kiều bào đóng góp rất tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 2018, kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 16 tỉ USD, có khoảng 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn khoảng 4 tỉ USD.

Bà con kiều bào thể hiện niềm vui khi về đón Xuân Kỷ Hợi, phấn khởi trước những đổi thay của quê hương; bày tỏ nguyện vọng được đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Việt kiều Mỹ, hiện là chuyên gia cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân - cho biết đây là lần thứ 10 ông ăn Tết ở Việt Nam. Ông Hiếu cho biết mỗi lần đón Tết tại quê nhà là được đắm mình trong những phong tục tập quán của người Việt, điều này rất có ý nghĩa. Ở Mỹ, kiều bào cũng đón Tết, vào đêm giao thừa cũng có nhiều nhà đốt hương, chúc Tết, ăn bánh chưng nhưng trong một không khí chỉ bó hẹp trong gia đình. Nếu ngày Tết nhằm vào ngày làm việc thì phần lớn kiều bào ở Mỹ không ăn Tết, không nghỉ, vẫn đi làm việc bình thường.

"Chính vì thế, ăn Tết ở Việt Nam vui hơn nhiều, đúng không khí Tết, nhất là ở Hà Nội trong không khí se lạnh như thế này rồi tất cả đường phố chỗ nào cũng rộn ràng đón Tết với cành đào, bánh mứt... mang lại không khí Tết hơn. Rất nhiều kiều bào muốn về Việt Nam ăn Tết vì họ thấy rằng ở bên kia không có không khí Tết" - ông Hiếu chia sẻ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thân mật trò chuyện, thăm hỏi tình hình đời sống, công tác, làm ăn của kiều baòẢnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đại diện kiều bào thả cá chép tiễn ông TaóẢnh: chinhphu.vn

Thủ tục hành chính cần đơn giản hơn

Các đại biểu kiều bào mong muốn tiếp tục được hỗ trợ trong việc dạy học tiếng Việt; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về đầu tư tại quê hương…

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện nay đóng góp của kiều bào cho đất nước chưa tương xứng với tiềm năng. "Chúng ta có hơn 4 triệu người ở nước ngoài nhưng các chuyên gia, các nhà kinh tế, các doanh nhân về Việt Nam chưa nhiều. Chính phủ cần phải thông tin rộng rãi hơn về sự đổi mới của đất nước. Bên cạnh Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, các bộ - ngành cũng cần có những bộ phận chuyên trách về kiều bào. Các thủ tục hành chính cần phải làm sao đơn giản hơn để thu hút kiều bào" - ông Hiếu thẳng thắn.

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã về Việt Nam làm việc được 5 năm. Sau một quá trình làm dự án liên quan đến hoạt động giao đất, giao rừng cho bà con vùng cao, anh quyết định quay trở lại vùng cao để đầu tư phát triển nên các chuỗi sản phẩm truyền thống, gắn liền bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Cụ thể, anh đầu tư mở rộng mô hình canh tác các giống ngô bản địa của bà con đồng bào dân tộc Dao đỏ, Mông, Tày, Nùng.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến làm việc cùng bà con hằng ngày với mong muốn nâng cao năng lực của bà con để có thể thành lập, vận hành một hợp tác xã hiệu quả hơn, có thể tự quản lý tài chính, đưa ra những dự án và tự kêu gọi đầu tư. Anh cũng tham gia một số dự án cùng chính quyền địa phương, nhất là các chính sách dự án để bảo tồn các giống truyền thống của các địa phương vùng cao, đồng thời đầu tư vào tư liệu sản xuất của bà con với các xưởng sản xuất ở nhiều địa phương… Điều anh Tiến đang trăn trở là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này để tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao sinh kế của bà con, khiến họ tự hào hơn với văn hóa của họ nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới.

Nêu ví dụ khi anh đến Singapore, Mỹ và các nước châu Âu giới thiệu sản phẩm, các khách hàng nước ngoài được nghe những câu chuyện của anh, ý nghĩa của các sản phẩm, họ sẵn sàng trả với mức giá rất cao. Anh đề xuất cần phải mở rộng, phát triển thêm các chính sách liên quan đến sản phẩm ngách. Cụ thể là các chính sách về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, các sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số rất ít được đưa vào bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kieu-bao-luon-huong-ve-que-huong-dat-nuoc-20190126220745915.htm