Kiệt tác tượng Phật nằm trên núi Tà Cú

Núi Tà Cú ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chỉ cao xấp xỉ 650m nhưng từ lâu đã nổi tiếng nhờ ngôi chùa được tạo lập từ hơn 150 năm trước và đặc biệt là nơi có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m đã được công nhận là Guinness Việt Nam.

Tương truyền, chùa Tà Cú được sư tổ Hữu Đức khai lập khoảng năm 1870. Năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng Thái hậu Từ Dũ mắc bệnh nặng, ngự y trong triều đều bó tay. Quan chủ tỉnh Bình Thuận làm biểu sớ gởi về triều đình, tâu vua về việc sư Hữu Đức rất giỏi thuốc Nam và thường dùng cây cỏ trên núi để chữa bệnh cho mọi người trong vùng, rất hiệu nghiệm.

Vua Tự Đức nghe theo, liền cho sứ đến thỉnh. Sư Hữu Đức từ chối không về, vì đã có lời hứa không xuống núi. Vị sư chỉ trao cho viên sứ một bài chú Chuẩn Đề, thảo dược hái trên núi và chỉ dẫn cách dùng. Sứ thần trở về và làm y theo lời dặn, quả thật Hoàng Thái hậu khỏe mạnh như cũ. Rất phục và để tỏ lòng tri ân, nhà vua sắc phong danh hiệu của chùa là Linh Sơn Trường Thọ và tôn xưng sư Hữu Đức là Đại Lão hòa thượng.

Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (bên phải) và điêu khắc sư Trương Đình Ý cầu nguyện bên tượng Phật vào năm 1966 khi sắp hoàn thành.

Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (bên phải) và điêu khắc sư Trương Đình Ý cầu nguyện bên tượng Phật vào năm 1966 khi sắp hoàn thành.

Về sau, có mẹ vợ của công sứ Bình Thuận tên Garne đi chùa lễ Phật và có xin một bài chú Chuẩn Đề và một số thang thuốc do sư Hữu Đức bốc để hộ thân. Gặp lúc con gái bà là vợ công sứ lâm bệnh nặng, bà đem thần chú ra trì tụng và sắc thuốc cho uống thì con bà bỗng được bình phục. Viên Công sứ thấy vậy liền lên chùa tạ ơn và xin họa chân dung của sư Hữu Đức để làm kỷ niệm. Ngày nay bức chân dung ấy vẫn còn.

Đến đời Vua Đồng Khánh thứ nhất, nhằm năm Đinh Hợi, sư Hữu Đức viên tịch ở tuổi 76, sau khi đã ủy phó Phật sự lại cho các đệ tử. Năm 1960, hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn lộ thiên khổng lồ phía sau lưng chùa.

Năm 1962 công trình tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn được khởi công do điêu khắc sư Trương Đình Ý chủ trì. 5 năm sau, pho tượng Phật khổng lồ dài 49m, cao 11m mới hoàn thành và phía sau cổ tượng có cánh cửa mà một người lớn có thể lách mình chui lọt vào trong.

Chính từ cánh cửa này nên dấy lên hàng loạt chuyện đồn thổi, bởi công trình trên núi cao phải tốn hàng trăm ngàn lượng vàng, trong khi Linh Sơn Trường Thọ lại là một ngôi chùa nghèo.

Bà Khương Thị Hội, pháp danh Bổn Hiệp năm nay gần 80 tuổi, cho biết gần nửa thế kỷ trước, bà đã từng tham gia vác đá xây dựng công trình tượng Phật trên núi Tà Cú. Bà Hội khẳng định gần bốn năm tham gia làm công quả với hàng ngàn người khác, bà không hề thấy có ai chết vì tai nạn khi xây dựng công trình.

Người chủ trì xây dựng bức tượng Phật là điêu khắc sư Trương Đình Ý. Ông Ý đã rời bỏ giảng đường Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định mà mình đang là giảng viên để toàn tâm toàn ý lên núi.

Ông Trương Đình Ý là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật Tượng. Ông từng là Giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940), Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957; 1961-1962).

Đầu năm 1962, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Gia Định bất ngờ nhận được lá đơn xin nghỉ dài hạn của giảng viên Trương Đình Ý để lên núi Tà Cú theo lời mời của vị sư trụ trì. Trước đó chùa Linh Sơn Trường Thọ đã cử nhiều đoàn đi từ Quảng Trị đến tận mũi Cà Mau để kêu gọi Phật tử đóng góp thực hiện công trình. Sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ cũng đích thân đi đến nhiều nơi giải thích về lợi ích khi làm được pho tượng Phật khổng lồ này.

Nhiều người càng ngạc nhiên khi thấy vị giảng viên điêu khắc tài hoa xuống tóc, mặc áo lam bỏ đô thị lên núi và sống nhiều năm để thực hiện công trình. Trong khi đó, vợ ông bà Công Tôn Nữ Liên Chi phải một mình nuôi các con ăn học còn ông làm việc hoàn toàn không công.

Quả thật, pho tượng khổng lồ đúng là di sản độc đáo của Phật giáo Việt Nam. Nét đẹp của khuôn mặt tượng Phật núi Tà Cú đã được một trang web cho rằng sánh ngang hoặc hơn với các kiểu Phật tượng ở Ấn Độ, Đông và Tây Bắc Trung Quốc ở vùng Tôn Hoàn (Dun Huang), Nhật Bản (Kamakura), Triều Tiên (Sokkuram) Campuchia (Angkor) Indonesia (Borobudur-Java) với nhiều sắc thái, đặc thù của từng vùng quốc gia.

Cầu nguyện ngày xây tượng.

Trong một tài liệu chuyên môn, điêu khắc gia Trương Đình Vĩnh Lân (Hoa Kỳ) đã viết về lời dạy của cha mình: “Tâm của người điêu khắc với tượng là một”. Theo ông Lân, cha ông từng dạy với điêu khắc Phật tượng làm sao phải rõ 32 tướng hảo và 80 tùy hình phụ để thể hiện nét tướng với cấu trúc chính xác nhân hình học mà điêu khắc phải có. Có lẽ chính vì tạo tượng với thân tâm thanh tịnh cộng với khả năng điêu luyện về Phật tượng nên hơn 50 công trình của ông như ở chùa Ấn Quan, Xá Lợi, Phật Cô Đơn hay tượng Phật ở chùa Đại Giác ở Vũng Tàu, chùa Hồng Ân ở Huế… đều hao hao nhau và đạt đến nét “điêu khắc thuần tịnh” (diệu lực của không tánh) mà một điêu khắc gia từng nhận xét.

Ông Trương Đình Vĩnh Quí (một người con trai của ông Ý) cho biết, sở dĩ cha ông khi làm pho tượng còn để lại cánh cửa là do công trình vẫn còn dang dở. Sau này vào khoảng năm 1998, Ban Quản lý núi Tà Cú đã cho lấp lại cánh cửa nói trên.

Để làm được công trình đồ sộ này, hàng ngàn người đã phải vác từng viên đá, gánh từng bao xi măng từ chân núi lên. Thế nhưng không hề vận chuyển dù chỉ một hạt cát. Tương truyền, để có cát xây dựng, trước ngày thi công, Hòa Thượng Thích Vĩnh Thọ, trụ trì chùa cho trữ nước dùng vào cái mái chứa rồi bít kín các mạch nước chảy hàng ngày. Hòa Thượng thắp nhang chú nguyện, sáng ra từ các mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình mà không cần mang từ chân núi lên... Điều này cũng đã được lý giải đây là cách lấy cát của người xưa ở những vùng rừng núi. Theo đó với độ dốc cao, nước chảy mạnh chỉ cần hướng lực nước âm xuống những vùng đất sẽ đãi được cát.

Ngoài ra theo ông Trương Đình Vĩnh Quí thì hàng ngàn nhân công còn tỉ mẩn kiên trì rửa đất để lấy cát. Để hoàn thành tượng Phật trong gần 5 năm đã có hàng chục, hàng trăm ngàn người đã tự nguyện góp công sức, tiền tài, vật lực. Trong số đó có thể kể đến các ông Thích Bôn Hải, Thích Bổn Long. Hay như ông Ba Đá, mù một mắt chẻ từng viên đá nhiều năm liền; ông Tư Câm bị câm điếc bẩm sinh nhưng theo suốt công trình. Đặc biệt là người thợ hồ Lê Quang Ký rời bỏ gia đình ở Huế để theo chân điêu khắc gia Trương Đình Ý thực hiện từ đầu đến cuối công trình…

“Quan trọng nhất là Hòa Thượng Thich Vĩnh Thọ, là thầy bổn sư của ba tôi, qui y năm 1937, với pháp danh Quảng Lưu, người hướng dẫn tinh thần đã khởi xướng tạo lập Cái Cảnh Tịnh Độ (1958) và Niết Bàn (1962). Không có ý nguyện to lớn của Ngài Vĩnh Thọ, cha tôi không làm được pho tượng này” - Ông Trường Đình Vĩnh Quí cho biết: Theo ông Quí, cha ông là một Phật tử thuần thành, một tín sỹ điêu khắc và chỉ thích làm tượng Phật. Ngoài những công việc kiếm sống hằng ngày cho gia đình, chỗ nào có chùa chiền cần có tượng Phật để thờ là cha của ông sẵn sàng thực hiện trong những giờ rảnh rỗi (khoảng 50 chùa). Vì vậy khi gặp lại thầy bổn sư của mình vào năm 1958, và theo ý muốn của thầy tạo cảnh Tịnh Độ nhân gian nên cha ông đã làm 3 pho tượng A Di Đà, Quan Âm và Đại Thế Chí.

“Cái khó khăn nhất của cha tôi là làm sao diễn tả được khuôn mặt giải thoát không còn buồn, vui, giận, hờn, thương, ghét, tham miốn nữa. Trong suốt thời gian thực hiện công trình, cha tôi niệm phật, công phu hằng ngày cầu mong làm cho được để những ai có dịp đến đây, khi nhìn thây khuôn mặt từ bi hỷ xả của pho tượng này sẽ phât tâm tu hành hoặc làm điều tốt cho đời. Khi cái nền tảng của pho tượng đã được hình thành, cha tôi bắt đầu làm khuôn cái thủ Phật năm 1965, cha tôi khiêm tốn nói “cái diện Phật hoàn hảo rồi, đây là nhờ long thần hộ pháp làm cho, chớ cha không tài sức nào làm được cái thủ Phật khổng lồ này được” - Ông Quí kể lại.

Ngày 7-1-1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử Quốc gia. Hai năm sau, tác giả pho tượng khổng lồ này qua đời. Sau đó mấy năm, các con của điêu khắc sư Trương Đình Ý từ Thụy Sỹ, Mỹ về thăm núi Tà Cú để chiêm ngưỡng tác phẩm của cha mình.

PHƯƠNG NAM

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/kiet-tac-tuong-phat-nam-tren-nui-ta-cu-609684/