Kiệt sức vì làm nhiều công việc cùng lúc

3h, Vân Anh (23 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) gửi nốt báo cáo cuối cùng cho sếp. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp cô thức đến sáng để giải quyết mớ deadline.

Chia sẻ với Zing, Vân Anh cho biết mình làm việc toàn thời gian tại một công ty marketing. Sau giờ hành chính, cô duy trì công việc gia sư từ thời còn sinh viên, đồng thời xây dựng dự án cá nhân.

Xoay xở 3 công việc cùng lúc, trong khi vẫn theo đuổi việc học, cô không tránh khỏi mệt mỏi và căng thẳng kéo dài.

"Hết giờ làm, tôi chạy ngay đến chỗ dạy thêm. Nhiều hôm, tôi về nhà lúc 22h nhưng vẫn phải thức tiếp để hoàn thành bài tập hoặc làm nốt nhiệm vụ tồn đọng trên công ty", cô kể.

 Vân Anh cùng lúc làm 3 công việc để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NVCC.

Vân Anh cùng lúc làm 3 công việc để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NVCC.

Công việc phụ, việc ngoài giờ (side job, side hustle) được coi là xu hướng làm việc của nhân sự. Gia tăng thu nhập là mục tiêu chính để các bạn trẻ tìm đến hình thức làm việc này.

Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn làm thêm công việc thứ 2, thứ 3 để đáp ứng kỳ vọng từ gia đình hoặc mong muốn phát triển năng lực và tận dụng thời gian nhàn rỗi.

Theo báo cáo của Side Hustle Nation được công bố vào tháng 1, 45% người lao động tại Mỹ (tương đương khoảng 70 triệu người) có việc làm phụ song song công việc chính thức. Con số này ở thế hệ Millennials là 50%, Gen Z là 46%.

Ở Anh, 39% nhân sự Millennials và 42% nhân sự Gen Z cho biết có công việc phụ. Ngay cả những người nổi tiếng cũng làm cùng lúc nhiều việc nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập.

Còn tại Việt Nam, theo khảo sát của QandMe vào năm 2015 trên 300 người lao động, 66% cho biết có làm thêm công việc phụ, trong đó 70% làm với mức độ thường xuyên.

Kiệt sức

Theo Vân Anh, cuộc sống của cô luôn ở trong guồng quay tất bật, hối hả. Khoảng 2 năm qua, cô thường xuyên mất ngủ, hay bị mẹ nhắc nhở rằng "nhìn thiếu sức sống". Cô cũng xuất hiện nhiều mụn trên khuôn mặt, tăng cân nhanh và mắc một số vấn đề về cổ vai gáy.

"Tôi còn nhận thấy tinh thần mình rất tệ. Có những ngày bận quá, tôi dễ nổi cáu với người xung quanh hoặc luôn cảm thấy không hài lòng với mọi việc. Trước đây, tôi không nóng tính như vậy", cô tâm sự.

Vĩnh Anh (26 tuổi, TP.HCM) cũng thường xuyên căng thẳng, tâm trạng trì trệ khi cô làm cùng lúc đến 4 công việc.

"Không ổn chút nào nếu kéo dài tình trạng này", cô nói.

Theo đó, Vĩnh Anh hiện hoàn thành nốt chương trình đại học, trong khi tham gia tình nguyện tại một trạm y tế địa phương. Cô cũng nhận dịch sách tại nhà, đồng thời viết bài cho chuyên trang về y tế, phim ảnh.

Nữ sinh thừa nhận thù lao từ nhiều nguồn giúp mình có thu nhập khá. Cô có thể phụ giúp gia đình, trang trải mọi chi phí sinh hoạt cá nhân và có khoản tiết kiệm.

Tuy nhiên, sức nặng của từng đầu việc làm cô nhiều lần suy sụp. Vì quá bận rộn, cô gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.

"Ở giai đoạn đầu làm nhiều việc, tôi còn sung sức, tinh thần luôn hào hứng và sẵn sàng học hỏi nên cảm thấy ổn lắm. Tôi luôn tìm cách sáng tạo ra cái mới, đề xuất ý tưởng và không ngại thức khuya cày deadline. Nhưng chỉ khoảng một tháng, tôi kiệt sức. Tôi FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ - PV) khá nặng, đi chơi với bạn mà cứ cầm điện thoại theo dõi công việc", Vĩnh Anh kể lại.

Gia tăng thu nhập là mục tiêu chính khiến nhân sự tìm kiếm công việc phụ.

Hay như Tiến Phúc (27 tuổi, quận 4, TP.HCM), 2 năm qua, anh luôn cần đến thuốc an thần dạng nhẹ, đôi khi là đồ uống có cồn để có thể đi ngủ. Theo Phúc, đây chính là hậu quả của việc anh lao lực nhiều năm, làm cùng lúc 2 công việc để kiếm thêm thu nhập.

"Tôi là nhân viên thiết kế full-time cho một công ty quảng cáo. Sau khi hoàn thành công việc được giao, tôi nhận thêm dự án bên ngoài do bạn bè giới thiệu. Ban đầu, tôi nghĩ có thể cân đối được do cả 2 công việc đều là chuyên môn của mình. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi làm mọi thứ rối tung", anh nói.

Theo đó, công việc phụ tốn thời gian nhiều hơn Phúc nhầm tưởng. Đối tác liên tục nhận xét, yêu cầu anh sửa file và hoàn thiện thủ tục hành chính với họ. Trong khi đó, cấp trên tại công ty cũng hối thúc anh gửi sản phẩm, bắt buộc họp nhóm, họp bộ phận và tư duy nhiệm vụ mới.

Áp lực dồn xuống từ nhiều phía, Phúc căng thẳng và luôn uống cà phê, nước tăng lực để tỉnh táo làm việc. Lượng cafein cần dùng tăng lên mỗi ngày, cà phê hòa tan không còn tác dụng với anh. Anh chuyển sang loại pha máy đậm đặc hơn, mỗi ngày 2-3 ly như vậy.

Tìm giải pháp

Nhưng dù mệt mỏi với lịch trình dày đặc, Tiến Phúc vẫn muốn duy trì các công việc của mình. Anh cho biết muốn cố gắng để có mức thu nhập tốt hơn nhằm phục vụ cuộc sống và những kế hoạch.

Để tránh quá tải deadline, đồng thời có thì giờ tái tạo sức khỏe, giải pháp của anh là tìm thêm một cộng sự cùng thực hiện dự án ngoài cùng mình.

Đối tác không có yêu cầu nào khác ngoài hiệu quả công việc. Có thêm người đồng hành, anh không những đỡ mệt hơn mà còn được đóng góp nhiều ý tưởng.

"Năm ngoái, bạn tôi mất việc trong đợt dịch, tôi liền rủ làm việc cùng mình. Không ngờ 2 đứa hợp tác ăn ý. Vì vẫn chịu trách nhiệm chính với bên khách hàng, tôi gửi bạn khoản thù lao nhỏ hơn, hai đứa vui vẻ với điều này", anh chia sẻ.

Thay vì từ bỏ công việc phụ, nhân sự tìm cách thích nghi bởi đặt mục tiêu kiếm tiền, phát triển năng lực lên hàng đầu.

Trong khi đó, Vĩnh Anh lại tập thói quen sắp xếp công việc theo thứ tự phải giải quyết trong ngày và phân cấp bậc ưu tiên cho từng mục.

"Đầu việc nào có thể làm nhanh trong thời gian ngắn, dễ kiểm tra như dịch sách, viết bài, tôi sẽ xử lý ngay rồi gửi luôn. Còn mục nào khó hơn, tôi đặt deadline cố định, tập trung 1-2 ngày hoàn thành nốt".

Theo cô, gánh nhiều công việc cùng lúc mà không có điểm giao gần nhau về lĩnh vực, không trùng kỹ năng sẽ khiến bản thân dễ bị đuối. Từ đó, dẫn đến kết quả "xôi hỏng bỏng không" trong mọi thứ mình làm.

Sau nhiều lần thử sức ở nhiều mảng, Vĩnh Anh rút ra kết luận nên chọn nghề tay trái gần gũi với công việc full-time và phục vụ cho việc mình làm hàng ngày.

"Tôi nghĩ khi chúng ta phải làm thêm đến 2 công việc phụ bên cạnh việc chính, môi trường full-time có lẽ không cung cấp đủ điều kiện về lương bổng. Đó là dấu hiệu chúng ta cần cân nhắc nên chuyển việc nếu năng lực đủ ổn và đã học hết mọi thứ ở chỗ cũ", cô nói thêm.

Ngày nay, nhiều người trẻ sẵn sàng làm nhiều công việc, chịu vất vả để kiếm thêm thu nhập.

Chia sẻ với Zing, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, cho rằng khi còn trẻ, còn trí óc và sức lao động, người trẻ càng nên cân nhắc đến công việc phụ, đặt mục tiêu kiếm tiền nhiều nhất có thể.

"Theo tôi, người lao động trẻ không nên hài lòng với thu nhập hiện tại. Các bạn cần cố gắng kiếm thêm công việc thứ hai, việc làm ngoài giờ, bán thời gian… để kiếm thêm tiền. Thu nhập cao hơn tiêu dùng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quản lý tài chính cá nhân, gia đình", ông nói.

Trong khi đó, dưới góc độ tâm lý học, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết sẽ là một điều tốt nếu như người trẻ có khát khao khẳng định bản thân, muốn đạt được thành tựu từ sớm.

Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu thành công lớn, người trẻ cũng sẽ dễ say sưa với nó mà gây ảnh hưởng không tốt đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Đúng là những thành tựu, sự cống hiến của các bạn ngày hôm nay đều là những giá trị tốt đẹp. Nhưng nếu muốn đạt được thành tựu cao và bền vững hơn thì bên cạnh công việc, các bạn cũng cần nhìn nhận những cơ hội khác của bản thân như sự trưởng thành, học vấn cũng như sự cân bằng để có được năng lượng dẻo dai, bền bỉ", chị nói.

Phương Thảo - Thục Hạnh

Ảnh minh họa: Phương Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kiet-suc-vi-lam-nhieu-cong-viec-cung-luc-post1329719.html