Kiềng ba chân

Bất chấp những xung khắc giữa các thành viên trong tam giác Mỹ-Nhật-Hàn, quan hệ giữa 3 nước này, vì các lợi ích an ninh của bản thân, sẽ tiếp tục được duy trì để tạo nên một chiếc 'kiềng ba chân' địa chính trị nhằm đối phó với những đối thủ tiềm tàng trong khu vực Đông Bắc Á.

Xung đột thương mại Nhật – Hàn chưa thể hạ nhiệt

Khủng hoảng

Bên lề các cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra cuộc gặp giữa 3 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, 3 quốc gia mà mối quan hệ đang được đánh giá là trong giai đoạn hết sức “nhạy cảm”, một cách nói khác của từ “khủng hoảng”.

Mà đúng là khủng hoảng thật sự khi quan hệ giữa Mỹ với Hàn Quốc đang có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng xung quanh một vấn đề cũ như trái đất: tiền! Còn quan hệ Nhật-Hàn thì đang tụt xuống đến mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Không rõ có phải vì thế hay không mà trong cuộc gặp 3 Bộ trưởng Quốc phòng ở Bangkok, Mỹ đã quyết liệt ép Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện quan hệ, trước hết là phải duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) giữa hai nước, hết hiệu lực ngày 23-11.

Căn nguyên sâu xa của tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nhật-Hàn hiện tại bắt nguồn từ một phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi tháng 11-2018 về vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910-1945, trong đó yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho nạn nhân.

Mâu thuẫn được đẩy lên sau đó khi Tokyo hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Seoul cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử cho điện thoại thông minh. Nhật Bản còn xóa tên Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” gồm 27 quốc gia được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại với cáo buộc Seoul có hệ thống kiểm soát xuất khẩu thiếu tin cậy. Hàn Quốc đáp trả bằng cách quyết định không gia hạn GSOMIA.

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Ảnh: LG.

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Ảnh: LG.

Mối quan hệ không dễ dàng

Có vẻ như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã được giao một “điệp vụ bất khả thi”, khi có rất ít dấu hiệu cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thay đổi quan điểm. Khi được hỏi liệu Tokyo có đưa ra lời đề nghị mới nào với GSOMIA hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói: “Không có câu trả lời thỏa đáng từ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, dù chúng tôi đã rất cố gắng”.

Quan hệ Nhật-Hàn luôn không dễ dàng vì những vấn đề lịch sử, trong đó đặc biệt nổi cộm là chuyện sử dụng lao động cưỡng bức người Hàn Quốc trong thời kỳ Thế chiến 2. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội Hàn Quốc. Seoul luôn hối thúc phía Nhật Bản phải tiếp tục khắc phục, dẫu Tokyo khẳng định vấn đề được giải quyết khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1965 và đã viện trợ cho Hàn Quốc 500 triệu USD.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc lại không thể không liên minh với nhau trong nỗ lực làm đối trọng với những mối đe dọa đang ngày càng lớn lên trong khu vực. Nếu Seoul coi Triều Tiên là một đối thủ đáng gờm (có thể) trang bị vũ khí hạt nhân thì Mỹ, Tokyo cũng xem sự trỗi dậy (không hòa bình) trong thời gian gần đây của Trung Quốc là mối đe dọa không thể xem thường.

Nếu mối quan hệ với Seoul với tư cách một đối tác an ninh khu vực bị trục trặc, Tokyo sẽ phải hứng chịu sự tổn hại về mặt an ninh của chính mình. Khi ấy, không gian hoạt động của Nhật Bản sẽ bị thu hẹp lại, dẫn tới những sức ép cực lớn đòi hỏi phải nhượng bộ trong các vấn đề an ninh khu vực. Ấy là chưa kể với tư cách một đối tác về kinh tế, Hàn Quốc cũng có khả năng liên thủ với Nhật Bản để chống lại những ảnh hưởng ngày càng mạnh của những nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Bắc Á.

Do vậy, bất kể những xung khắc giữa hai bên xung quanh các vấn đề nhạy cảm trong quá khứ hay là những đòn trả đũa kinh tế lẫn nhau liên tiếp được tung ra trong thời gian gần đây, còn quá sớm để khẳng định về sự đứt gãy của trục Seoul-Tokyo trên bản đồ địa chính trị Đông Bắc Á.

Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao vào Hàn Quốc. Ảnh: LG.

“Nếu muốn được bảo vệ, anh phải chi tiền nhiều hơn!”

Vấn đề nằm ở chỗ trục Seoul-Tokyo không phải là đường kẻ đơn tuyến mà nó chỉ là một cạnh trong cái tam giác địa chính trị Mỹ-Nhật-Hàn, trong đó không nghi ngờ gì nữa, quan hệ của hai quốc gia Đông Bắc Á với Mỹ luôn đóng một vai trò mang tính sống còn đối với cả ba bên.

Đối với Hàn Quốc, sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ tại nước này là một đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu không có số binh lính này, Seoul sẽ mất đi cái ô an ninh hạt nhân của Mỹ một khi bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân; hay trong tình huống xảy ra xung đột phi hạt nhân, Mỹ cũng buộc phải sử dụng các lực lượng thông thường.

Chỉ có điều hai bên đang ở vào thời điểm dễ tổn thương khi chuyện tiền bạc xen vào tình cảm giữa những người bạn. Kể từ khi vào Nhà Trắng, với câu thần chú “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump đã không ngại ngần gì mà không nói trắng phớ ra một điều đơn giản: “Mỹ sẽ không tiếp tục chi tiền vô hạn độ như thời gian trước nữa. Nếu muốn được bảo vệ, anh cần phải chi tiền nhiều hơn!”.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết trong chuyến thăm Seoul mới nhất, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh James DeHart đã äyêu cầu Hàn Quốc chi 4,7 tỷ USD mỗi năm để duy trì binh sĩ và vũ khí Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, tăng gần 5 lần so với con số 1 tỷ USD những năm trước. Yêu cầu này được cho là vấp phải sự phản đối từ phía Hàn Quốc. Theo quan điểm của nhiều chính trị gia Hàn Quốc, bản chất của mối liên minh Mỹ-Hàn là “chúng ta đi cùng nhau”, chứ không phải là “chúng ta đi cùng nhau nếu các anh thanh toán (tiền) đầy đủ!”.

3 cạnh của một tam giác

Trong khi ấy, liên minh vững chắc như một “hòn đá tảng” giữa Mỹ với Nhật Bản đã bất ngờ trở nên lỏng lẻo rõ rệt kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng. Giống Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vấp phải vấn đề về chi phí đóng góp để duy trì sự hiện diện của quân Mỹ.

Theo thỏa thuận có thời hạn đến tháng 3-2021, Nhật Bản hằng năm phải trả khoản phí 2 tỷ USD cho sự hiện diện của 54.000 lính Mỹ trên lãnh thổ nước này. Chắc chắn ông Trump không hài lòng với tỷ lệ đóng góp được cho là “khiêm tốn” đối với một quốc gia giàu có như Nhật Bản và đòi hỏi con số cao hơn nhiều lần.

Ấy là chưa kể ông Trump còn yêu cầu khởi động lại đàm phán thương mại với Tokyo với lý do cân bằng thương mại Mỹ-Nhật. Cho dù Nhật Bản là đồng minh thân thiết, thế nhưng điều ông Trump cần là một hình ảnh cương quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trước các cử tri Mỹ!

Bất chấp những xung khắc giữa các thành viên trong tam giác Mỹ-Nhật-Hàn, quan hệ giữa 3 nước này, vì các lợi ích an ninh của bản thân, sẽ tiếp tục được duy trì để tạo nên một chiếc “kiềng ba chân” địa chính trị nhằm đối phó với những đối thủ tiềm tàng trong khu vực Đông Bắc Á. Chỉ một trong 3 mối quan hệ tương hỗ bị đứt gãy thì lập tức các thành viên trong tam giác sẽ phải đối mặt với những thách thức nan giải về mặt chiến lược.

Do vậy, tiếp tục duy trì mối quan hệ tay ba này là yếu tố mang tính sống còn để đảm bảo lợi ích an ninh của mỗi thành viên. Chẳng có chiếc kiềng nào có thể đứng vững nếu thiếu đi một chân! Washington đã gây áp lực buộc Seoul và Tokyo duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kyeong-doo.

"Mỹ đã thúc ép hai bên rất quyết liệt, cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, bởi việc duy trì cơ chế hợp tác an ninh 3 bên là rất quan trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết hôm 17-11, sau các cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ ở Bangkok.

Ông Joeng cho hay Mỹ đang tiếp tục phát thông điệp tới Nhật và Hàn, thúc giục hai bên thu hẹp khác biệt để tiến tới việc gia hạn GSOMIA sắp hết hiệu lực. Tuy nhiên, ông thừa nhận có rất ít dấu hiệu cho thấy hai nước sẽ thay đổi quan điểm. "Không có câu trả lời thỏa đáng từ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, dù chúng tôi đã rất cố gắng", Jeong nói khi được hỏi liệu Tokyo có đưa ra lời đề nghị mới nào với GSOMIA hay không.

Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra sau khi kết thúc cuộc gặp riêng với người đồng cấp Nhật Bản Kono và cuộc đàm phán 3 bên có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Bangkok. Các cuộc đàm phán này được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tìm ra giải pháp đột phá, khi GSOMIA sẽ hết hiệu lực trong 6 ngày nữa.

Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung trước đó cũng gọi quyết định chấm dứt GSOMIA là điều "không thể tránh khỏi". "Nếu chúng tôi đơn phương hủy quyết định này trong khi Nhật Bản không thay đổi các hạn chế xuất khẩu hay quan hệ hai nước không được cải thiện, điều đó sẽ chỉ chứng minh quyết định ban đầu của chúng tôi không đủ thận trọng", ông Ko cho biết.

Quan hệ Nhật-Hàn đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, sau khi Tokyo áp đặt các hạn chế thương mại với Seoul. Hàn Quốc ngay lập tức đáp trả bằng tuyên bố chấm dứt GSOMIA, khiến Washington lo ngại về khả năng lung lay mối quan hệ với hai đồng minh châu Á.

Yên Ba

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/kieng-ba-chan-571481/