'Kiềng ba chân' của Triều Tiên

Triều Tiên sẽ không từ bỏ phát triển hạt nhân, trái lại hạt nhân - kinh tế - ngoại giao sẽ là kiềng ba chân trong định hướng phát triển của Bình Nhưỡng trong tương lai - TS Nguyễn Việt Phương.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), khi bàn về kết quả chương trình thượng đỉnh Hàn-Triều kéo dài ba ngày kể từ 18-9 tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Thượng đỉnh chỉ mang tính biểu tượng

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thượng đỉnh Hàn-Triều lần thứ ba đã đạt được?

TS Nguyễn Việt Phương

+ TS Nguyễn Việt Phương (ảnh): Cho tới thời điểm hiện tại, hội nghị Hàn-Triều lần thứ ba trong năm nay có thể coi là thành công nhưng chỉ ở mức độ tương đối.

Tất cả thỏa thuận đã đạt được đến thời điểm này như ngừng các hoạt động khiêu khích trong khu vực phi quân sự (DMZ), xem xét đẩy mạnh hợp tác kinh tế, văn hóa, nhân đạo... đều nằm trong dự đoán và đều là các nội dung “mềm” dễ dàng thực hiện.

Các mục tiêu khó hơn, như phá bỏ bãi thử Tongchang-ri, cho phép thanh tra quốc tế vào giám sát việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, tái khởi động khu công nghiệp ở biên giới, đều kèm theo các điều kiện.

Ví dụ, “Mỹ thực hiện các điểm đã hứa ở thượng đỉnh Singapore”, “khi điều kiện cho phép”, “khi đạt được các thỏa thuận về mặt pháp lý”. Thế nên sẽ phải đợi thêm một thời gian để thấy hiệu quả thực sự của các cam kết khó khăn này.

Nội dung mang tính biểu tượng nhất có lẽ là việc ông Kim Jong-un sẽ thăm Seoul, trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đến Hàn Quốc kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Chúng ta cũng phải chờ đến khi kết quả của chuyến thăm đó được công bố thì mới biết hiệu quả thực chất của tiến trình.

Chính vì vậy, theo tôi thì thượng đỉnh Hàn-Triều lần này nhìn chung chưa giải quyết được vấn đề nào trong các vấn đề liên quan tới thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore hồi tháng 6. Kết quả lần này chủ yếu mang tính biểu tượng, tạo cú hích tiếp theo để Mỹ và Triều Tiên tiếp tục xem xét thực hiện các điều khoản của thượng đỉnh Singapore chứ chưa giải quyết gì nhiều đối với mục tiêu “phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” trên bán đảo Triều Tiên.

. Những thành công, dù vẫn hạn chế và mang tính biểu tượng, của thượng đỉnh lần này đến từ đâu?

+ Thành công rõ ràng đến từ cố gắng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc hàn gắn quan hệ Mỹ-Triều và Hàn-Triều. Việc tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, SK tích cực ủng hộ ông Moon Jae-in trong các điều khoản về kinh tế cũng có ý nghĩa quan trọng. Tất nhiên không thể bỏ qua việc bản thân ông Kim Jong-un cũng đã cố gắng chứng tỏ thiện ý, như ra tận sân bay, tổ chức đón trịnh trọng, tỏ ý thân mật với ông Moon và gián tiếp là với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Moon (trái) và Chủ tịch Kim tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS

Triều Tiên liệu có từ bỏ hạt nhân?

. Với những thể hiện tại thượng đỉnh lần thứ ba với Hàn Quốc, có thể đánh giá thế nào về mong muốn trở thành “quốc gia bình thường” và cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng?

+ Bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng mong muốn hội nhập, phát triển và được nhìn nhận là quốc gia bình thường. Vấn đề đối với Triều Tiên là họ thường đặt nặng các vấn đề an ninh, tồn vong của chính quyền Kim Jong-un lên trên hết. Mục tiêu này vẫn sẽ là mục tiêu cao nhất của ông Kim trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu này, ông Kim sẽ tiếp tục hoàn thiện năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đồng thời do đã có rất nhiều thành công trong việc thử hạt nhân và thử tên lửa tầm trung và tầm xa, ông Kim sẽ dần chuyển hướng sang đẩy mạnh phát triển kinh tế và thoát khỏi tình trạng cô lập về ngoại giao. Hạt nhân - kinh tế - ngoại giao sẽ là kiềng ba chân của Triều Tiên trong tương lai. Vì vậy, tôi không tin là ông Kim sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân trong tương lai gần.

. Vậy các tuyên bố ngừng hoặc tháo dỡ các bãi thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên với Hàn và Mỹ thật ra chỉ là lời hứa suông?

+ Tuyên bố của Triều Tiên là một dấu hiệu tích cực nhưng không mới và mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tiễn. Bởi vì từ tháng 7, Triều Tiên đã có dấu hiệu chuẩn bị tháo dỡ địa điểm Tongchang-ri, còn có tên khác là bãi phóng vệ tinh Sohae, nhằm cụ thể hóa các điều khoản của thượng đỉnh Singapore. Bên cạnh đó, đây không phải là một hoạt động “không thể đảo ngược”, có nghĩa là Triều Tiên hoàn toàn có thể tháo dỡ ở thời điểm hiện tại và tái khởi động bãi thử khi Mỹ và Hàn Quốc tỏ ra không hợp tác trong tương lai. Cũng cần nói thêm là Triều Tiên còn các địa điểm thử tên lửa khác và hiện tại công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã ở tầm cao mà ít chuyên gia hay quan chức nào có thể ngờ tới so với thời điểm cách đây hai năm.

Ít nhất, để chứng tỏ thiện chí phi hạt nhân hóa, Triều Tiên phải cung cấp cho phía Mỹ hoặc cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) danh sách cụ thể các cơ sở hạt nhân, công nghệ hạt nhân-tên lửa và khối lượng vật liệu hạt nhân nước này đang sở hữu. Đây là điều chính quyền Mỹ đề nghị rất nhiều lần kể từ sau thượng đỉnh Singapore nhưng chưa có hồi đáp từ phía ông Kim.

“Kiềng ba chân” hay “bộ ba bất khả thi”?

. Cách tiếp cận của Mỹ với Triều Tiên nhất quán: Từ bỏ hạt nhân hoặc bị cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao. Như vậy, hạt nhân - kinh tế - ngoại giao trông giống “bộ ba bất khả thi” hơn là “kiềng ba chân” như ông nhận định?

+ Việc Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân gần như đã đạt được đồng thuận trong giới nghiên cứu và đa phần giới làm chính sách. Kể cả việc ông Kim tuyên bố gần đây là sẽ hoàn thành phi hạt nhân hóa trước khi Trump rời nhiệm sở cũng gây nhiều hoài nghi và gần như không đạt được phản ứng tích cực nào từ các bên.

Nếu xem xét phong cách đối ngoại của ông Trump thì kịch bản khả dĩ nhất ở thời điểm hiện tại là Mỹ-Triều tiến hành nhượng bộ từng bước. Triều Tiên dần phá hủy các cơ sở có nhiều tính biểu tượng nhưng không có quá nhiều giá trị thực tế cho chương trình vũ khí hạt nhân, như các bãi thử. Đồng thời cung cấp một số thông tin về chương trình hạt nhân. Đổi lại, Mỹ đẩy nhanh việc tuyên bố kết thúc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên và gián tiếp tạo điều kiện cho Seoul hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng. Ví dụ, việc mở lại khu công nghiệp Kaesong đòi hỏi phải có sự đồng ý từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do có liên quan tới các điều khoản cấm vận. Sự ủng hộ từ Mỹ là rất quan trọng để các điều khoản này được nới lỏng để Kaesong có thể mở lại. Việc Triều Tiên thực hiện các hành động có tính biểu tượng như vậy có thể là đủ để ông Trump ghi điểm với nội bộ nước Mỹ và giành thêm phiếu bầu cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Một điểm có lợi cho ông Kim trong việc giữ “kiềng ba chân” là việc ông Trump khá mềm dẻo trong chính sách ngoại giao, chú trọng lợi ích cụ thể, trước mắt, không quan tâm nhiều đến việc giữ lời hứa với đồng minh hay lợi ích lâu dài. Vì vậy, nếu Triều Tiên đủ linh hoạt thì hoàn toàn có thể đẩy đối thoại Mỹ-Triều tiến tới. Hoặc ít nhất Bình Nhưỡng có thể kéo dài thời gian để tiếp tục ổn định kinh tế trong bối cảnh cải cách kinh tế của ông Kim tỏ ra có hiệu quả và Trung Quốc dường như không còn mặn mà với việc thắt chặt cấm vận với Triều Tiên sau khi quan hệ hai nước trở nên nồng ấm trở lại và Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

. Xin cám ơn ông.

Vai trò của Tổng thống Moon rất quan trọng

Ông Moon có vai trò rất quan trọng, nếu không nói là quyết định trong việc thúc đẩy đối thoại Hàn-Triều, đối thoại Mỹ-Triều. Nếu ông Moon không nhanh chóng bắt tín hiệu từ Triều Tiên giai đoạn Olympic mùa đông thì đã không có đối thoại Hàn-Triều, nếu ông Moon không mềm dẻo trở thành “con thoi” giữa ông Kim và ông Trump thì đã không có đối thoại Mỹ-Triều. Ông Moon cũng là người tìm ra điểm chung giữa các bên để chương trình đối thoại có thể tiến tới, chuyển hướng từ phi hạt nhân hóa (yêu cầu của Mỹ) sang phi hạt nhân hóa và kết thúc chiến tranh (yêu cầu của Mỹ và Triều Tiên), chuyển từ bỏ cấm vận (yêu cầu của Triều Tiên) sang nối lại hợp tác kinh tế và từng bước phi hạt nhân (yêu cầu của Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên).

ĐỖ THIỆN thực hiện

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/kieng-ba-chan-cua-trieu-tien-793212.html