Kiến trúc thân thiện mang lại sự cân bằng cho con người

Ở một không gian mà kích thước của nó gần gũi với kích thước của con người luôn tạo ra sự thân thiện. Ở những đô thị lớn, nhiều công trình vĩ đại, có tính hoành tráng, nó cho ta sự ngưỡng mộ.

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương

Trước tiên là kích thước, tỷ lệ

Ở những thành phố nhỏ với những căn nhà xinh xắn nó cho ta sự gần gũi, tràn đầy cảm xúc. Những con phố cũ thực ra chả phải chỗ nào cũng có tính hoài niệm, nhưng cái cấu trúc của nó lại mang đến xúc cảm về không gian. Ta thấy ấm áp trong lòng trước một ngõ hẹp ở phố cổ Hà Nội hay Hội An, không chắc vì cái cổ kính của nó, mà vì những ngôi nhà nhỏ bé, xiêu vẹo kia vừa làm mủi lòng ta trong cái giới hạn khiêm tốn của chúng, lại vừa khơi gợi trong ta một trí tưởng tượng có vẻ hội họa như khi ta đang nhìn ngắm một bức tranh.

Một tỷ lệ phù hợp giữa kích thước công trình và cảnh quan không chỉ là chuyện mắt nhìn. Nó còn mang tính ứng xử, là tử tế hay thô bạo, nó tác động đến tâm lý đời sống và tình cảm con người. Một sự hài hòa sẽ khiến người ta yên ổn, ngược lại, sẽ như một cú đập mạnh vào thị giác, đè nặng lên tâm lý, gây cảm giác bất an.

Trước khối nhà lừng lững con người luôn cảm thấy nhỏ nhoi. Nếu đem ken chặt ở một nơi như hồ Gươm toàn những khối cao ốc, dù cho có bị che khuất bởi hàng cây lùm xùm mặt nước, thì nó vẫn phá tan trước hết và vẻ yên lặng cố hữu của khu vực. Sau là phá vỡ sự cân bằng cấu trúc và cảnh quan đô thị.

Thật là rùng rợn khi đi vào những khu đô thị chỉ toàn thấy giao thông và những tòa nhà. Tất nhiên, ở những trung tâm tài chính như Hồng Kông (Trung Quốc) hay New York (Mỹ) thì cũng chả sao. Bởi vì người ta cũng cần những cái đầu lạnh để đối mặt với đồng tiền. Nhưng việc tập trung một dãy nhà công quyền và một trục hành chính ở một số tỉnh lỵ hay huyện lỵ ở nước ta thì thật là tai họa. Không thể hy vọng gì những viên thư lại ngồi làm việc trong những không gian như thế lại có đôi chút cảm xúc để giải quyết công việc. Phải chăng đó cũng là chút căn nguyên của việc đẻ ra cái nền hành chính mà thi thoảng gặp phải những chuyện rất “vô cảm”?

Khu vườn như một công viên nhỏ của gia đình, trẻ em có thể chạy tung tăng trên thảm cỏ xanh và không khí mát mẻ

Khu dân cư có cấu trúc vừa và nhỏ

Ở những đô thị nhỏ, thị trấn xa xôi con người quan hệ với nhau thấy khác. Họ gần nhau hơn, dễ biết nhau hơn. Những tình cảm gần gũi phong tục tập quán cũng dễ được bảo tồn.

Ở những khu dân cư có cấu trúc vừa và nhỏ, tạo những cụm nhà có tính quần cư, dễ duy trì được quan hệ lối xóm. Những quán bia, bar rượu, cà phê vỉa hè, mảnh sân chơi cho trẻ con, hay công viên nho nhỏ chính là nơi quây tụ của khu vực. Từ quy mô, cấu trúc quy hoạch như thế, quy mô và tỷ lệ của mỗi ngôi nhà cũng sẽ hài hòa, con người sống lành lặn, dễ gần. Ta hay bắt gặp người châu Âu, những quán rượu trong làng hay những khu dân cư nhỏ, vào buổi chiều, các gã đàn ông ngồi khề khà. Đàn bà thì trò chuyện qua cái dây phơi áo.

Người nông dân xưa quen ở theo chòm xóm, tình cảm gần gũi. Người nông dân hay có một số “phú ông hóa” xây nhà thành thị, sống lạnh nhạt. Số đông còn lại vẫn nghèo, hoặc vừa đủ. Vậy làm nhà cho họ thế nào cho vừa tiền sống và sinh hoạt và cũng nên giữ gìn cho họ cái con người, đừng để đến lúc giàu lại trở thành phú ông.

Những không gian giao tiếp

Không gian giao tiếp mang tới cho kiến trúc không khí thân thiện của những mối quan hệ. Việc thiếu rất nhiều không gian giao tiếp cũng làm cho đời sống chúng ta ngày một khô cằn. Ở thời buổi Internet đưa cả thế giới đến tận giường ngủ, mỗi người trong gia đình có một thế giới riêng trong phòng, những cơ hội chia sẻ ít hẳn thì phòng sinh hoạt chung trong mỗi căn hộ là một chỗ cứu vãn. Ở chỗ công cộng, không gian giao tiếp càng hiếm, đường không có để đi, lấy đâu cơ hội cho những cuộc gặp gỡ có tính cộng đồng. Không có chỗ ngồi cho những con người ra ngoài chẳng phải chỉ vì công việc, những người thích ngồi trên cỏ, băng ghế, hay uống cà phê ở hành lang đi bộ, ngắm phố phường.

Chất liệu và màu sắc

Có thể bị coi như là lớp vỏ ngoài của công trình, nhưng chúng tạo ra bộ mặt và phong cách. Bộ mặt ấy có tác dụng gây cảm giác, gần gũi hay xa cách, lạnh lùng hay thân thiện. Kính và kim loại cho vẻ hiện đại, những mặt đá granite mang đến sự sang trọng hoành tráng, nhưng gây cảm xúc nhiều hơn lại thường là gỗ, gạch, gốm hay đá với màu sắc tự nhiên. Mặc dù vậy, xu thế hiện nay, kính và kim loại đang lấn cả vào nhiều khu nhà ở.

Những bức tường trang trí cùng cây xanh và những ô cửa nhằm giảm tiếng ồn và ô nhiễm

Kiến trúc biết nương nhẹ và nhờ cậy vào thiên nhiên

Kiến trúc không lăn xả vào rồi bạt “vạt đi” dù chỉ là một góc của thiên nhiên, đấy chính là một kiểu kiến trúc thân thiện. Resort, sân golf với những thảm cỏ xanh mươn mướt mang khuôn mặt từ bi của những nhà yêu quý thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhưng nhìn kỹ, những bờ biển bị che khuất và chiếm hữu như ở Mũi Né - Phan Thiết, hàng rào sân golf ở Đồi Cù Đà Lạt, nhưng khu rừng tự nhiên, những quả đồi ở nhiều nơi bị vạt đi nham nhở, và những loại chất hóa học dùng để duy trì vẻ đẹp cho bãi cỏ ở sân golf, chúng còn có một khuôn mặt khác nữa.

Những chi tiết vặt vãnh

Tưởng như thật vớ vẩn, chùm hoa giấy, bụi cây xanh, giàn dây leo, bức tường rêu bám… mà ta thấy vô tình đâu đó ở một căn nhà cũ vẫn gây một hiệu ứng cảm xúc đặc biệt.

Không gian sống gần gũi và hài hòa với tự nhiên

Cảnh quan và trang thiết bị đô thị

Môi trường sống, ngoài yếu tố tự nhiên ra, còn là một môi trường do con người tạo lập. Ngoài con phố, những tòa nhà, trang thiết bị như bảng hiệu, đèn đường, quảng cáo… là những thành phần cùng kiến trúc tạo thành cảnh quan đô thị. Sự hài hòa hay chát chúa của những thiết bị đô thị và kiến trúc cũng là những tác động khác nhau cho môi trường sống.

Kiến trúc thân thiện tạo ra sự cân bằng về nhiều mặt, về sinh học, tâm lý, tình cảm và sinh thái. Nó chính là cái nền cho phát triển bền vững. Và tất nhiên, nó có giá của nó!

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/kien-truc-than-thien-mang-lai-su-can-bang-cho-con-nguoi/784684.antd