Kiến trúc sư Phương 3D với khát vọng từ kiến trúc, bảo tàng ảo đến kỹ xảo điện ảnh

Trong làng kiến trúc và công nghệ 3D ở Việt Nam, rất nhiều người biết đến KTS Đinh Việt Phương (thường gọi là Phương 3D). Ngay từ khi còn là sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, Phương 3D đã rất khát vọng thiết kế và phục dựng các công trình kiến trúc bằng công nghệ đồ họa 3D. Chính vì vậy, anh đã cùng các bạn học đã thành lập nhóm 3D Hà Nội và thiết lập một website để công bố các tác phẩm của nhóm.

KTS Đinh Việt Phương giới thiệu công nghệ bảo tàng ảo với GS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học.

KTS Đinh Việt Phương giới thiệu công nghệ bảo tàng ảo với GS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học.

Bước đầu với công nghệ 3D hướng tới 1.000 năm Thăng Long

Không chỉ với giới kiến trúc sư, rất nhiều người Việt Nam đều đặt mối quan tâm lớn tới sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010. Theo nhiều ý kiến, vì Việt Nam là một đất nước với lịch sử trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên các công trình kiến trúc cổ còn lại là không nhiều. Chính vì thế, nếu không phục dựng được các công trình cổ này thì dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.

Chính vì thế, Phương 3D cùng các cộng sự đã chủ động gặp các nhà sử học như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc… để xin ý kiến rồi vào các thư viện để tìm kiếm tài liệu trong khi chưa được ai tài trợ. Về mặt công nghệ, đây không phải là việc khó vì cả nhóm 3D Hà Nội đã rất thành thạo. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, ngay cả với việc phục dựng bối cảnh Thăng Long – Hà Nội trong vài trăm gần đây cũng là công việc không đơn giản. Cái khó ở đây chính là tư liệu còn lại rất thiếu và hiếm song không vì thế mà Phương 3D và các cộng sự chùn bước. Đáng mừng là vào năm 2005, dấu tích Hoàng thành Thăng Long đã được tìm thấy trong quá trình khảo sát, đào móng xây dựng Nhà Quốc hội mới. Và những kết quả khảo cổ học này đã giúp nhóm 3D Hà Nội cùng nhiều người quan tâm khác có được thêm đầy đủ tư liệu chính xác cho việc phục dựng các di tích của kinh thành Thăng Long.

Có được những tư liệu đó, nhóm 3D Hà Nội đã bắt tay vào phục dựng các công trình kiến trúc cổ của kinh thành Thăng Long. Không chỉ có vậy, nhiều công trình khác như của những thế kỷ gần đây như Nhà ga Đường sắt Hà Nội, cầu Long Biên… cũng được dựng lại bằng công nghệ 3D. Nhóm 3D Hà Nội đã trích xuất những hình ảnh này thành một bộ phim có độ dài dưới 10 phút để công bố rộng rãi. Với những nỗ lực đó, Phương 3D đã được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức năm 2010. Không chỉ có vậy, nhóm 3D Hà Nội cùng một đơn vị khác còn được Ban tổ chức Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội “đặt hàng” sản phẩm để trình chiếu chính thức trong Lễ kỷ niệm tổ chức tối 10/10/2010 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Dấn thân vào thương trường

Sau những thành công của sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Phương 3D chính thức thành lập doanh nghiệp là Công ty 3D Art để hoạt động về các lĩnh vực kiến trúc, công nghệ bảo tàng… Do mỗi người có một chí hướng và muốn tự khẳng định mình nên trong nhóm 10 người của 3D Hà Nội, chỉ có 3 người là tiếp tục sự nghiệp ở công ty này.

Khỏi phải nói đến thị trường kiến trúc vì vị thế của Phương 3D và 3D Art là rất cao nên cũng dễ chiếm lĩnh thị trường với rất nhiều dự án lớn, Phương 3D rất quan tâm đến hệ thống bảo tàng. Tuy nhiên, đây là thị trường mà muốn tham gia thì phải đấu thầu chứ không phải rằng cứ có quan hệ là xong. Cho tới nay, hàng chục bảo tàng trong nước đã là khách hàng của 3D Art cả về số hóa hiện vật lẫn phần mềm quản lý.

Không dừng lại ở kiến trúc, bảo tàng, kỹ xảo phim cũng là một lĩnh vực mà Phương 3D rất đam mê. Những kỹ xảo của các bộ phim như King Kong, Siêu Nhân, Người Nhện… chính là điều mà Phương 3D rất quan tâm và bản thân anh cũng luôn giành khá nhiều thời gian để đi xem các bộ phim mới ra rạp. Xem phim với Phương 3D không chỉ là thưởng thức nội dung như phần đa khán giả mà là phải phân tích về kỹ xảo trong phim.

Các kỹ xảo được sử dụng trong phim "Cuộc đời của Yến". Video do 3D Art cung cấp

Bước vào thị trường kỹ xảo phim, đến nay 3D Art đã tham gia được với 3 phim là Cuộc đời của Yến, Con mắt bão và Thương nhớ ở ai. Và cả 3 phim này đều giành được những giải thưởng lớn của ngành điện ảnh như Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng. Tuy rằng, ban tổ chức các giải thưởng không trao giải riêng cho hạn mục kỹ xảo điện ảnh nhưng Phương 3D cũng rất tự hào vì mình đã góp phần làm nên giá trị cho các bộ phim này. Qua việc hợp tác với các đạo diễn, bản thân anh cũng học hỏi được rất nhiều về công nghệ điện ảnh và chắc chắn sẽ có bước tiến mới cho các bộ phim sau này. Tuy nhiên, điều mà Phương 3D mong muốn là Việt Nam nên có những cơ sở cho thuê những máy tính chuyên dụng về kỹ xảo để các đơn vị có nhu cầu có thể đến thuê, vì nếu tự đầu tư thì dù có bỏ ra những khoản tiền lớn thì các cơ sở làm kỹ xảo như 3D Art cũng chỉ có những điểm dừng nhất định.

Tân Khoa

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/kien-truc-su-phuong-3d-voi-khat-vong-tu-kien-truc-bao-tang-ao-den-ky-xao-dien-anh-171099.html