'Kiến trúc sư' của các biện pháp nghiệp vụ Biên phòng

Đồng chí Nguyễn Quang Việt (tên khai sinh là Nguyễn Ngọ, bí danh là Hùng, Phong, Ba Nam), nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), sinh năm 1917, tại thôn Thượng Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh truy lùng gián điệp biệt kích xâm nhập vùng biển (năm 1961). Ảnh: Tư liệu

Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh truy lùng gián điệp biệt kích xâm nhập vùng biển (năm 1961). Ảnh: Tư liệu

Đồng chí là cán bộ hoạt động cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Là phóng viên Báo Công an vũ trang (nay là Báo Biên phòng), tôi đã nhiều lần được gặp Chính ủy Nguyễn Quang Việt và được nghe ông kể nhiều về những ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang và công tác tổ chức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Vào đầu năm 1959, khu vực vùng biển Đông Bắc Hải Ninh có nhiều làng nổi của người Hán sinh sống, làm ăn. Nghề chài lưới trên biển nay đây, mai đó rất cơ cực. Lúc trúng vụ thừa thãi, nhiều khi biển động mất mùa không kiếm nổi thức ăn. Đời sống của bà con người Hán phó mặc cho sông nước. Nhiều vụ gián điệp, biệt kích của Mỹ - ngụy xâm nhập vùng biển Hải Ninh thường lui đến những làng “chài nổi” này để ẩn náu, sinh sống chờ thời cơ hoạt động.

Sau nhiều đêm trăn trở, Chính ủy Nguyễn Quang Việt trực tiếp xuống Hải Ninh bàn bạc với Thường trực Tỉnh ủy (Hải Ninh sau này sáp nhập với Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh) vận động người Hán lên bờ, xây dựng thành làng "đánh cá". Được Tỉnh ủy Hải Ninh đồng tình ủng hộ, ông chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh cùng với Đồn Biên phòng đảo Cô Tô tổ chức nhiều đội công tác đến các làng "chài nổi" vận động người Hán lên bờ, dựng làng "đánh cá". Nhưng ban đầu, họ không chịu. Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ thị cho các đội công tác vận động quần chúng phải bám sát các thuyền của người Hán, hằng ngày cùng họ ra biển đánh cá để tuyên truyền chủ trương, chính sách định canh, định cư của Đảng.

Năm 1961, sau một trận bão lớn, hàng chục chiếc thuyền ở làng "chài nổi" bị đắm, nhiều người bị cuốn ra biển chết và mất tích. Lúc này, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh, trực tiếp là Đồn Công an nhân dân vũ trang Cô Tô đưa cán bộ Đội Vận động quần chúng đến từng thuyền phân tích cho từng người hiểu điều hơn lẽ thiệt, vận động bà con lên đảo định cư. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Cô Tô còn giúp hàng trăm ngày công để dựng nhà ở và xây trường học cho con em họ. Đời sống của bà con người Hán ngày càng ổn định, khấm khá, sản xuất liên tục phát triển, từ đó, phong trào bảo vệ trị an biển, đảo cũng đi vào chiều sâu.

Ngày 9-5-1961, một vinh dự lớn đến với bà con, chiến sĩ và nhân dân trên đảo là Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô. Bác đến từng gia đình, từng cơ sở sản xuất và đồn Biên phòng... Ở đâu, Bác cũng vui mừng vì Cô Tô đã thay da đổi thịt, bà con nơi đây đã yên tâm định cư sản xuất và đã vào Hợp tác xã đánh cá mang tên Hải Tiến. Từ tổ chức làng "chài nổi" lên bờ định cư trên đảo Cô Tô, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo tỉnh Hồng Quảng, Hải Ninh tiếp tục tổ chức nhiều cụm dân cư đánh cá tương tự ở Bãi Cháy, Hòn Gai, Cẩm Phả... để quản lý người, phương tiện, gìn giữ trật tự trên mặt biển và kịp thời phát hiện những vụ vi phạm quy chế biên phòng khu vực bờ biển và hải phận. Mô hình này thực sự có hiệu quả trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích của Mỹ - ngụy.

Những ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Đại tá Chử Lương Thi làm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Lai Châu, ông kể về Chính ủy Nguyễn Quang Việt: Đầu năm 1959, ở địa bàn ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc do Đồn Công an nhân dân vũ trang Leng Su Sìn phụ trách rất phức tạp. Lợi dụng núi cao, rừng rậm, địa hình phức tạp, bọn phỉ Vàng Chung từ Si-ca-h'ô (Lào) thường xuyên qua biên giới phá hoại, cướp thóc lúa của nhân dân, bắt thanh niên ra rừng theo phỉ. Trước tình hình đó, Chính ủy Nguyễn Quang Việt trực tiếp lên Lai Châu bàn bạc với Tỉnh ủy Lai Châu và chỉ đạo vận động đồng bào các dân tộc xuống núi lập bản mới, làm ruộng nước, ổn định đời sống, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới.

Để có cơ sở vận động thuyết phục bà con Hà Nhì xuống núi lập bản, làm ruộng nước, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo vận động số thanh niên tích cực ở các bản, cùng với đoàn viên, thanh niên Đồn Công an nhân dân vũ trang Leng Su Sìn tổ chức thành đội sản xuất làm thí điểm 2ha ruộng lúa nước. Quá trình làm, đồn vận động nhân dân các dân tộc đến tham quan, chỉ cách làm, từ thực tế đó, các đội công tác đến từng gia đình sống rải rác ở các triền núi, vận động bà con xuống thấp lập thành bản mới, lập ruộng nước. Bản mới được ông đặt tên là bản "Đoàn Kết".

Từ kết quả của cuộc định canh, định cư ở bản Đoàn Kết, ông chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Lai Châu vận động định canh, định cư phải kết hợp với việc xây dựng hợp tác hóa và lấy bản Phú Bì làm trước. Việc này giao cho Đồn Công an nhân dân vũ trang Leng Su Sìn làm nòng cốt. Theo sự chỉ đạo của ông, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu tăng cường thêm lực lượng vận động quần chúng cho Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, lấy kết quả định canh, định cư ở bản Đoàn Kết bàn bạc với địa phương, cùng nhau vạch kế hoạch tiến hành từng bước ở bản Phú Bì.
Sau một thời gian lăn lộn vất vả, kiên trì vận động từng gia đình, từng người, các đội công tác cơ sở của tỉnh, của đồn cùng với địa phương đã

đưa 100% số hộ của bản Phú Bì sống trên lưng chừng núi xuống thung lũng định cư, làm ruộng nước và xây dựng hợp tác xã. Từ đó, đời sống của đồng bào bản Phú Bì khấm khá hẳn lên, bà con tin tưởng vào đường lối, chính sách hợp tác hóa của Đảng, phong trào bảo vệ an ninh biên giới ngày càng phát triển. Năm đó, bản Phú Bì được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 1959, biết ở miền Tây Quảng Bình còn một nhóm người Rục cư trú trong hang động, sinh sống bằng nghề hái lượm, săn bắt, lấy vỏ cây sui, cây móc làm quần áo, sống như người nguyên thủy, ông vào tận Đồn Công an nhân dân vũ trang Ốc Sách để vạch kế hoạch đưa người Rục về với cộng đồng. Đồng thời, ông chỉ đạo ngành hậu cần Công an nhân dân vũ trang hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, vải vóc, chăn màn cho đồng bào. Cán bộ, chiến sĩ đồn nhanh chóng giúp đồng bào làm nhà mới để chấm dứt cảnh "ăn lông ở lỗ" trong rừng. Cuộc sống mới ấm áp bắt đầu tỏa ra từ mỗi căn nhà của người Rục. Đầu năm 1961, người Rục ở Cù Nhai đã vào hợp tác xã. Cũng năm này, lần đầu tiên trong đời, họ được cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội. Cũng bắt đầu từ đây, ở miền Tây Quảng Bình đã chấm dứt huyền thoại "người nguyên thủy" trên núi rừng Trường Sơn.

Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, trong quá trình tìm tài liệu để nghiên cứu biên soạn lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong BĐBP, chúng tôi tìm thấy một tập hồ sơ của đề tài tổng kết công tác đấu tranh bảo vệ biên giới, giới tuyến và nội địa của Công an nhân dân vũ trang từ năm 1959-1963 do ông Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó làm Chủ nhiệm đề tài. Trong đề tài nêu rõ 58 vụ gián điệp, biệt kích và 35 vụ "xưng vua", "đón vua", gây phỉ, gây bạo loạn, đặc biệt là vụ "Châu Phà" Kỳ Sơn kéo dài từ năm 1959-1963 mà Công an nhân dân vũ trang đấu tranh thắng lợi. Qua thực tiễn bảo vệ, chiến đấu ở biên giới, đề tài của Chính ủy Nguyễn Quang Việt cũng rút ra 7 kinh nghiệm đấu tranh với bọn phỉ và "xưng vua", "đón vua" ở miền núi. Đồng thời, qua thực tiễn chiến đấu của Công an nhân dân vũ trang, đề tài của ông cũng nghiên cứu rút ra 4 biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân vũ trang mà đến hôm nay, đã 61 năm vẫn còn nguyên giá trị, đó là: Trinh sát bí mật; vận động quần chúng; tuần tra vũ trang và kiểm soát hành chính. Trên cơ sở đó để sau này, các nhà khoa học nghiệp vụ tổng kết và đưa ra 6 biện pháp nghiệp vụ cơ bản của BĐBP.

Tôi đem chuyện này hỏi Trung tướng Trịnh Trân (nguyên Tư lệnh BĐBP), ông vui vẻ kể: Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt không chỉ thông minh, nhạy bén trong chỉ đạo đánh gián điệp, biệt kích, tiễu phỉ, mà còn là một "nhà" lý luận về công tác nghiệp vụ, luôn đưa ra những biện pháp và cách đánh sáng tạo. Ông chính là "kiến trúc sư" của 4 biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong đề tài khoa học đó (tướng Trịnh Trân khi đó cũng là một thành viên tham gia). Trong 4 biện pháp nghiệp vụ cơ bản, Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt rất tâm đắc với biện pháp vận động quần chúng, ông cho rằng, công tác vận động quần chúng không chỉ là một mặt của công tác Đảng, công tác chính trị, mà còn là biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân vũ trang, nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia. Thực tế qua các vụ gây phỉ, gây bạo loạn ở Đồng Văn (Hà Giang), "Châu Phà" Kỳ Sơn (Nghệ An) đã chứng minh điều đó.

Tháng 2-1968, vừa chỉ đạo tổ chức xong Hội nghị toàn quốc tổng kết phong trào an ninh Tổ quốc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược thì Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt nhận được quyết định của Bộ Chính trị cử đi chi viện cho chiến trường miền Nam và giữ chức Phó ban An ninh Trung ương Cục, phụ trách An ninh vũ trang cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Mạnh Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kien-truc-su-cua-cac-bien-phap-nghiep-vu-bien-phong/