Kiến trúc lai tạp của chùa Nga Hoàng sau 10 năm sư Toàn trụ trì

Trong 10 năm trụ trì, sư Toàn mở rộng chùa với nhiều hạng mục mới. Nhưng ông chỉ xây cho chùa các công trình tạm bợ, lai căng, còn biệt phủ của mình thì thiết kế nguy nga, kiên cố.

Sau khi đại đức Thích Thanh Toàn rời khỏi chùa Nga Hoàng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vì bê bối gạ tình, ngôi chùa này chỉ còn một vài phật tử đến tụng kinh niệm Phật và chăm sóc cảnh quan.

Sau khi đại đức Thích Thanh Toàn rời khỏi chùa Nga Hoàng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vì bê bối gạ tình, ngôi chùa này chỉ còn một vài phật tử đến tụng kinh niệm Phật và chăm sóc cảnh quan.

Theo phật tử địa phương, chùa Nga Hoàng cũ (khoanh đỏ) vốn là một ngôi chùa làng với một gian thờ Phật nhỏ. Từ năm 2008, sư Toàn về trụ trì ngôi chùa và bắt đầu tiến hành đầu tư xây dựng nhiều hạng mục mới.

Phía mặt tiền ngôi chùa, sư Toàn cho xây dựng một con đường nhựa đủ để ôtô di chuyển.

Phần chùa cũ vẫn còn một dãy nhà 5 gian với kiến trúc mái ngói truyền thống.

Chiếm diện tích lớn nhất trong số các công trình được xây mới là Đại điện Quan âm. Tuy nhiên, ngôi điện cũng chỉ được xây tạm bợ bằng mái tôn, bên trong trang trí bằng vải bạt và các chất liệu giả vân gỗ.

Nhìn tổng thể, chùa Nga Hoàng tập hợp nhiều công trình nhưng không có tính thống nhất. Mỗi hạng mục lại xây theo một lối kiến trúc khác nhau, có loại mái tôn, mái ngói chữ nhật, mái ngói mũi hài. Nhiều tiểu cảnh, vật dụng không liên quan đến Phật giáo.

Án ngữ ngay lối vào chùa là một đôi sư tử đá vờn quả cầu. Trước đó, các chuyên gia Phật học đã giải thích trong văn hóa tâm linh của người Việt chỉ có 4 vật linh gồm Long, Ly, Quy, Phượng để ở đền chùa. Sư tử đá mang phong cách Trung Quốc hoặc Tây Âu đều là những hình tượng ngoại lai.

Quả cầu thủy tinh được đặt giữa sân chùa.

Một công trình khác với các bài vị được làm bằng vải bạt bao quanh biểu tượng âm dương ít gặp ở các ngôi chùa miền Bắc.

Để tôn tạo cảnh chùa, sư Toàn tận dụng tối đa chất liệu rẻ tiền như mái tôn, bạt ni lông. Sau một thời gian sử dụng, các tấm vải bạt bắt đầu sờn rách, bay màu.

Con đường nội bộ đã xuất hiện cỏ mọc. Các Phật tử tại đây cho biết cả chùa chỉ có trụ trì Thích Thanh Toàn là người xuất gia duy nhất, còn lại là các phật tử quy y hàng ngày đến làm công quả.

Trái ngược với vẻ lộn xộn, tạm bợ của chùa Nga Hoàng, tư dinh của sư Toàn nằm gần đó được xây dựng rất chỉn chu. Cổng nhà có camera giám sát. Tất cả công trình bên trong đều được lợp ngói kiên cố.

Một chức sắc Phật giáo ở Tam Đảo cho biết sư Toàn xây công trình này để phục vụ sinh hoạt cá nhân và nhiều lần muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hợp thức hóa công trình nhưng chưa được chính quyền chấp thuận.

Theo quan điểm của giáo hội, tất cả tài sản sư Toàn được sở hữu trong quá trình xuất gia sẽ phải trả lại sau khi ông này hoàn tục. Tuy nhiên sư Toàn vẫn cố gắng xin giữ lại tư dinh cùng khối tài sản mà theo ông lên tới 200-300 tỷ đồng.

Người dân xã Hợp Châu nói gì về sư Thích Thanh Toàn Người dân xã Hợp Châu cho biết sư Toàn đã mua diện tích đất lớn quanh chùa Nga Hoàng. Tuy nhiên, họ rất khó xác định vị trí chính xác do 2 bên chưa thực hiện sang tên đổi chủ.

Ngọc Tân - Hồng Quang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/kien-truc-lai-tap-cua-chua-nga-hoang-sau-10-nam-su-toan-tru-tri-post1001764.html