Kiến trúc độc đáo của căn biệt thự từng là tiệm vàng giàu có ở phố cổ Hà Nội

Nằm khuất sau phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) ồn ào, nhộn nhịp là một không gian yên bình, tĩnh lặng của biệt thự hơn 70 năm tuổi phủ đầy cây xanh. Ngôi nhà vườn này từng là hiệu vàng nức tiếng giàu có, vang bóng một thời ở phố cổ Hà Nội.

Nằm khuất sau phố Hàng Bạc ồn ào, nhộn nhịp là một không gian yên bình, tĩnh lặng của biệt thự hơn 70 năm tuổi, từng là hiệu nức tiếng giàu có, vang bóng một thời ở phố cổ Hà Nội.

Nằm khuất sau phố Hàng Bạc ồn ào, nhộn nhịp là một không gian yên bình, tĩnh lặng của biệt thự hơn 70 năm tuổi, từng là hiệu nức tiếng giàu có, vang bóng một thời ở phố cổ Hà Nội.

Chủ nhân đời thứ 3 hiện nay của căn biệt thự cổ này là ông Phạm Ngọc Giao (80 tuổi). Nơi đây từng thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Tốn - một thương gia trên phố Hàng Bồ. Về sau, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao) và cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 mua lại.

Chân dung cụ Tề từng nổi tiếng xinh đẹp, tài giỏi một thời.

Không gian của căn biệt thự ấn tượng với hệ thống sân vườn, nhà rộng rãi khoảng 600 mét vuông và kiến trúc độc đáo, nội thất vẫn được lưu giữ qua nhiều năm.

Theo đó, căn biệt thự được xây dựng năm 1945 bởi một kiến trúc sư thuộc thế hệ đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương thiết kế. Đến năm 1947 được xây dựng hoàn thiện.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà này là mang phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt với những mái ngói cong vút, tạo ra sự hài hòa, vừa truyền thống vừa hiện đại cho toàn bộ ngôi nhà.

Chính sự kết hợp Đông – Tây đã tạo ra điểm khác biệt mà ít căn biệt thự nào cùng thời có được. Kết cầu bên ngoài nhìn vào là nhà ống nhưng bên trong lại là nhà vườn với hệ thống sân vườn rộng 180m2, gồm các loại cây cối, hoa lá như: Tre, lộc vừng, cau, bơ, hồng xiêm… sau đó mới tới hệ thống nhà ở.

Điểm đặc biệt tiếp theo phải kể đến là những bể cảnh, giếng cổ được coi như đôi mắt ngọc trong tổng thể kiến trúc. Ngoài ra, chiếc giếng cổ đến nay vẫn được gia đình ông Giao lưu giữ, coi đây như chiếc tủ lạnh thiên nhiên.

Ông Giao cho biết, gia đình ông vốn quê từ làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) lên Hà Nội sinh cư lập nghiệp và mang theo nghề lọc vàng lá. Để sở hữu được căn biệt thự này, cha mẹ ông đã phải bán 3 căn biệt thự trên phố Hàng Vôi, Hàng Bạc, Hàng Bè.

Cầu thang lên các phòng của ngôi nhà được chế tác bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng các biệt thự cổ, có chiều rộng 1m, các bậc cách nhau 20 phân.

Các cánh cửa nhà chạm trổ đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Điều ngạc nhiên là ở bất kỳ chỗ nào dù là cầu thang, cửa sổ hay trên cánh cửa luôn xuất hiện đan xen hình ảnh "Con dơi" và chữ "Thọ". "Thọ" biểu tượng cho sức khỏe, "Dơi" có cách đọc đồng âm với chữ "Phúc".

Khu vực bên trong ngôi nhà cũng không kém phần xa hoa, với nhiều đồ nội thất, trang trí đắt giá.

Trong phòng đọc sách, ông Giao giới thiệu về bộ bàn ghế cổ có họa tiết mang phong cách của Louis XIV, bộ bàn ghế có từ những năm 1935 do nghệ nhân Pháp làm ra.

Trải qua nhiều năm, các căn phòng và mọi đồ đạc vẫn được giữ nguyên vẹn. Hai câu đối gia đình ông Giao được một nhà nho tặng vào năm 1926 và được lưu giữ cho đến nay.

Những ký ức về chủ nhân của căn nhà được lưu giữ qua các bức ảnh chứa đựng nhiều kỷ niệm mà còn là niềm tự hào của cả gia đình.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kie-n-tru-c-do-c-da-o-cu-a-can-biet-thu-tu-ng-la-tiem-vang-giau-co-o-pho-co-ha-noi-115037.html