Kiến trúc chùa miền Nam và miền Bắc khác nhau như thế nào

Tuy cùng là công trình kiến trúc Phật giáo, có thể cùng cả hệ phái Bắc Tông nhưng chùa miền Nam và chùa miền Bắc lại có không ít những điểm khác biệt từ cấu trúc, kiến trúc đến cách bài trí tượng thờ.

Cấu trúc

Cấu trúc chùa là một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của ngôi chùa cũng là một thành tố của kiến trúc tôn giáo. Nói về sự khác biệt giữa chùa miền Bắc và chùa miền Nam thì trước hết phải nói đến cấu trúc chùa.

Cấu trúc chùa Bắc Bộ tương đối đa dạng, được chia thành bốn kiểu cấu trúc chính: chùa chữ Đinh (Chùa Hà), chùa chữ Công (Chùa Keo), chùa chữ Tam (chùa Tây Phương) và chùa kiểu Nội Công Ngoại Quốc (chùa Dâu, chùa Trấn Quốc). Tuy nhiên cũng có chùa có kiến trúc đặc biệt, hiếm có như chùa Một Cột (một bông hoa sen) hoặc những ngôi chùa mới xây dựng được xem như một quần thể chùa (chùa Bái Đính).

Chính điện chùa Vĩnh Phước, Hóc Môn, TP.HCM

Chính điện chùa Vĩnh Phước, Hóc Môn, TP.HCM

Trong khi chùa miền Bắc có cấu trúc được xây dựng theo mỗi hình Hán tự hoặc chữ Nho thì chùa miền Nam có cấu trúc đơn giản hơn. Chùa ở Sài Gòn, hệ phái Bắc Tông thường có cấu trúc đơn giản hơn mang nhiều yếu tố hiện đại hơn. Tuy nhiên cũng có khá nhiều các ngôi chùa theo cấu trúc hình chữ công như chùa Hoằng Pháp. Nhiều chùa mới được xây dựng có xu thế cấu trúc theo chùa Bắc Bộ.

Kiến trúc

Mỗi địa phương, mỗi tông phái Phật giáo lại có những kiến trúc chùa riêng. Các bộ phận hợp thành kiến trúc chùa Bắc Bộ là Tam quan, Sân chùa, Bái đường, Chính điện, Hành lang và Hậu đường. Trong đó nhà Chính điện là nơi đặt tượng Phật, Bồ Tát, còn Hậu đường có thể là nhà tổ hoặc gian thờ Mẫu, thờ Thánh.

Tam quan chùa Diên Phúc xã Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh

Chùa ở Nam Bộ về cơ bản có kiến trúc giống chùa Bắc Bộ cũng có Tam quan, Sân chùa, Chính điện, Hành lang. Tuy nhiên do điều kiện về diện tích nên nhiều chùa ở thành phố Hồ Chí Minh không có Tam quan, Sân chùa và Hành lang. Chùa miền Nam thường không có Hậu đường, tức không có gian thờ Mẫu và thờ Thánh, đây cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản của kiến trúc chùa hai miền.

Bài trí tượng thờ

Phần lớn chùa ở Việt Nam hiện nay theo hệ phái Bắc tông nên điểm tương đồng của tất cả các ngôi chùa Việt Nam là thường có tượng Bồ tát có thể Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đức Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát,…

Lầu Phật ở chùa Vĩnh Phước, TP.HCM

Chùa Miền Bắc thường có nhiều tượng hơn ở miền Nam với cách bài trí mang nhiều đặc trưng của truyền thống Phật giáo Bắc Bộ. Hàng cao nhất thường là tôn tượng Tam Thế Phật (Phật A Mi Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Di Lặc), hàng thứ hai từ trên xuống thường là tôn tượng Di Đà Tam tôn (Quan Âm Bồ Tát, Phật A Mi Đà và Đại Thế Chí Bồ Tát), hay còn gọi là Tây phương Tam Thánh, hàng thứ ba từ trên xuống thường là tôn tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh (có thể là tượng Tôn giả Ca Diếp, Phật Thích Ca Mâu Ni và Tôn giả An Nan Đà hoặc Bồ Tát Văn Thù, Phật Thích Ca và Bồ Tát Phổ Hiền), hàng thứ tư thường là tôn tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, hàng thứ năm là tôn tượng Cửu Long ở giữa có tượng Phật Thích Ca lúc ngài mới đản sinh.

Chùa Miền Nam bày trí tượng Phật đơn giản hơn, chính điện các chùa ở miền Nam thường chỉ có một tượng Phật lớn hơn cả ở giữa chính điện, thường thì là tượng Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra có thể có tượng Di Đà Tam tôn và tượng Cửu Long với kích cỡ nhỏ hơn ở hàng phía trước. Hàng lang chùa ở miền Nam thường không có tượng trong khi nhiều hành lang ở miền Bắc có thể đặt các vị La hán,…

Hành lang La Hán chùa Bái Đính, Ninh Bình

Sự khác biệt trong cách bày trí tượng Phật giữa chùa miền Nam và chùa miền Bắc xuất phát trước hết từ nguyên nhân chùa miền Bắc thường có giá trị lâu đời hơn với nhiều ngôi chùa cổ trong khi nhiều ngôi chùa ở miền Nam mới được xây dựng từ thế kỷ XX và XXI. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ truyền thừa và sự khác biệt văn hóa tâm linh hai miền.

Bài và ảnh: Lê Quang Đức/ Theo Songtre.TV

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/ly-dich-c-136/kien-truc-chua-mien-nam-va-mien-bac-khac-nhau-nhu-the-nao-55922.html