Kiện toàn, thu gọn đầu mối cơ quan Quản lý thị trường

Sau khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), 305 Đội và 25 Cục QLTT cấp tỉnh sẽ được thu gọn, sắp xếp lại. Riêng năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan QLTT cấp tỉnh thành 19 cơ quan liên tỉnh, thành phố. Tổ chức QLTT ở trung ương gồm Văn phòng Tổng cục và 4 Vụ (Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách - Pháp chế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra) và Cục Nghiệp vụ QLTT.

Tổ chức lực lượng Quản lý thị trường theo hướng tinh gọn, chính quy. (Trong ảnh: Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra phương tiện chở hàng lậu từ khu vực biên giới phía Bắc về nội địa tiêu thụ đầu năm 2018). Ảnh: Q.H

Hướng tới tinh gọn, chính quy

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2018 (thay thế Quyết định số 19/2009/QĐ-TTg ngày 6/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương).

Theo đó, đề án sau khi lập Tổng cục cũng được theo hướng chính quy, hiện đại, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu quả. Cụ thể, 305 Đội và 25 Cục QLTT cấp tỉnh sẽ được thu gọn, sắp xếp lại. Riêng năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan QLTT cấp tỉnh thành 19 cơ quan liên tỉnh, thành phố. Tổ chức QLTT ở trung ương gồm Văn phòng Tổng cục và 4 Vụ (Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách - Pháp chế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra) và Cục Nghiệp vụ QLTT.

Điểm mới nhất ở sự thay đổi, cơ cấu lần này là QLTT sẽ được tổ chức theo ngành dọc. Cụ thể, khác với trước do địa phương quản lý, tới đây các Cục QLTT tỉnh, thành phố sẽ chịu quản lý trực tiếp của Tổng cục. Đội QLTT cấp huyện, quận... trực thuộc Cục cấp tỉnh, thành phố quản lý. Cục QLTT cấp tỉnh và Đội QLTT cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về chức năng, Tổng cục sẽ tham mưu, giúp Bộ trưởng Công Thương quản lý và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Số vụ vi phạm tăng hơn 2 lần

Nhìn vào kết quả nửa đầu năm 2018, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 79.284 vụ; phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng, gấp 3,1 lần về số vụ và số thu nộp ngân sách so với quý I/2018. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm do lực lượng này phát hiện tăng 13% (46.135 vụ); tăng 12 % về số thu ngân sách (251 tỷ đồng). Những địa phương có tỷ lệ phát hiện vi phạm cao vẫn là các trung tâm đô thị lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).

Có thể thấy rằng, số vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém không hề giảm mà có chiều hướng tăng cao trong ngắn hạn và dài hạn. Nhiều nhóm, lĩnh vực ngành hàng đã và đang bị“xâm lấn” bởi hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đa dạng chủng loại, mẫu mã hàng hóa. Trong đó, các đối tượng thường nhắm vào nhóm mặt hàng: Tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện... Mặc dù, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng do hàng hóa có chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên tình trạng này vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.

Trong một báo cáo mới nhất của lực lượng QLTT nêu rõ, khó khăn ở chỗ, một số loại hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao để sản xuất, khó gia công thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Ngược lại, một số mặt hàng mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với một bộ phận dân số thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, thâm chí ngay tại các khu công nghiệp, làng nghề được trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Tinh vi hơn, một số hàng hóa có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…

Đáng chú ý, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp, tình hình kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng vẫn tồn tại và rất khó truy xuất nguồn gốc. Không những vậy, việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Một trong những tồn tại mà lực lượng QLTT chỉ ra trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường là trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ở nhiều địa phương có địa bàn kênh rạch nhiều, hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra trên sông nước nhưng lực lượng QLTT không có xuồng máy, ca nô để kiểm tra, kiểm soát; thiếu phương tiện để đảm bảo cơ động kịp thời, đặc biệt ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; biên chế mỏng, nhiều Đội QLTT chỉ có từ 3-4 biên chế trên địa bàn một huyện hoặc thậm chí 2-3 huyện, không đảm bảo lực lượng ứng trực khi phát sinh những vấn đề phức tạp về hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn;

Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của lực lượng QLTT còn thiếu thốn, nhất là kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản. Nhiều Chi cục, Đội Quản lý thị trường không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức QLTT chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý.

Hiện hệ thống tổ chức của lực lượng QLTT gồm: Cục QLTT (Bộ Công Thương) và 63 chi cục QLTT thuộc sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với đội ngũ hơn 6.700 công chức và người lao động công tác tại 680 Đội QLTT tại các quận, huyện, thị xã hoặc liên huyện trên địa bàn cả nước.

Lực lượng QLTT có trang thiết bị, phương tiện phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, trang phục ngành, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và cờ hiệu khi thực thi công vụ…

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kien-toan-thu-gon-dau-moi-co-quan-quan-ly-thi-truong.aspx