Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý thú y các cấp

Hệ thống cơ sở pháp lý cơ bản đầy đủ; các biện pháp phòng chống dịch, bệnh kịp thời, đồng bộ và nhất quán; hoạt động giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh… là những kết quả quan trọng của công tác kiện toàn hệ thống thú y các cấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, bất cập. TCDN -

Cơ sở pháp lý cơ bản đầy đủ

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai hiệu quả Luật Thú y năm 2015, hệ thống cơ sở pháp lý về công tác thú y đã cơ bản đầy đủ. Trong đó, Bộ đã xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật gồm: 04 Nghị định của Chính phủ; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 17 Thông tư.

Riêng công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm nhất ở lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn đã kịp thời báo cáo, trình cấp có thẩm quyền của Trung ương ban hành trên 80 văn bản. Trong đó có các văn bản quan trọng, bao gồm: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 100/2019/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Chính phủ ban hành 02 NGhị quyết số 16/NQ-CP và Nghị quyết số 42/NQ-CP…

Về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết, hoạt động thú y được thực hiện theo phương châm lấy phòng bệnh là chính, chữa bệnh lịp thời, chống dịch khẩn trương để phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả.

Việc triển khai Luật thú y đã nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh động vật, góp phần phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững, phát huy quyền chủ động phòng, chống dịch bệnh cho chủ vật nuôi.

Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ trong hoạt động thú ý; phát triển mạnh mẽ các loại hình hành nghề thúy y tư nhân trong chuẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh động vật.

Mặt khác, do có hệ thống thú y xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bệnh kịp thời, đồng bộ và nhất quán; có đủ nguồn lực thú y để tham mưu, tổ chức phòng, chống dịch…

Công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh được cải thiện; người chăn nuôi chủ động báo cáo dịch bệnh cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y các cấp để chỉ đọa chống dịch, rút ngắn thời gian xảy ra dịch.

Đặc biệt, công tác phối hợp giữa ngành thú y với ngành y tế trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại tuyến cơ sở được triển khai thuận lợi; do có sự đồng bộ về nguồn nhân lực y tế và thý y ở cấp tương ứng để triển khai các hoạt động phối hợp theo cách tiếp cận Một sức khỏe.

Đối với công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện theo quy định của Luật Thú y. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công, do số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn đến 27.000 cơ sở. Trong đó, 75% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép và tỷ lệ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được kiểm soát còn hạn chế, đạt khoảng 16%.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có 434 cơ sở giết mổ tập trung được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định. Trong đó, 236 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 26 cơ sở giết mổ có dây truyền công nghiệp gồm: 11 cơ sở giết mổ lợn, 12 cơ sở giết mổ gia cầm và 03 cơ sở giết mổ hỗn hợp, các cơ sở có dây truyền giết mổ công nghiệp này được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, chuẩn hóa tài liệu và tổ chức hàng chục lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y tại địa phương trong cả nước. Đồng thời, Cục đã thực hiện thanh kiểm tra thường xuyê, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương; giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện công tác thú y và quản lý an toàn thực phẩm.

Hệ thống thú y địa phương thay đổi lớn

Tuy nhiên, thời gian qua hệ thống thú y địa phương có nhiều thay đổi lớn gây ra một số khó khăn. Cụ thể là, công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ; nhiều nơi không có lực lượng thú y cơ sở để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, người chăn nuôi không báo cáo dịch bệnh cho địa phương và cơ quan thú y các cấp để phối hợp chỉ đọa chống dịch, kéo dài thời gian xảy ra dịch.

Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời, thiếu đồng bộ và không nhất quán; thiếu nhân lực thú ý để tham mưu, tổ chức phòng chống dịch bệnh; gặp nhiều khó khăn trong việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện để hỗ trỡ công tác phòng chống, dịch trong địa bàn cấp tỉnh.

Một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật có chiều hướng gia tăng mạnh. Nhất là sự xuất hiện và lây lan của bệnh Dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại trực tiếp khoảng 20.000 tỷ đồng của ngành chăn nuôi lợn, ngân sách nhà nước, tác động đến chỉ số CPI.

Thêm nữa, nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm soát giết mổ còn hạn chế dẫn đến chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong tổng số 27.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ; nhiều địa phương không có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chưa có chức năng quản lý nhà nước trong khi các hoạt động như kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y… thuộc chức năng quản lý nhà nước về thú ý.

Để kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, phps luật về thú y tại một số địa phương như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định…

Cùng với việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, các cơ quan của Trung ương và các tỉnh, thành phố về việc thực thi chính sách pháp luật về thú y, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực hiện phân tích, đánh giá tác động của việc thay đổi, sáp nhập hệ thống thú y các cấp.

Đồng thời, Ủy ban cần sớm có báo cáo kết quả giám sát để gửi các cơ quan có thẩm quyền, cũng như đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y. Nhất là tại các cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật.

Thảo Vân

Tạp chí in số tháng 10/2020

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/kien-toan-he-thong-co-quan-quan-ly-thu-y-cac-cap-d16243.html