Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở Trung ương và địa phương

Ngày 16-10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì.

Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: N.D

Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: N.D

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các lãnh đạo các sở, ban, ngành, phòng Tư pháp các quận, huyện.

Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, qua hơn 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) với nhiều quy định mới mang tính đột phá, có thể khẳng định công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Các bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung hơn nguồn lực và thời gian chuẩn bị, nhờ đó chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật năm 2015 cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên và tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành VBQPPL, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 là cần thiết.

Ông Tuyến cũng giới thiệu những quy định mới cơ bản của sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL như: Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; Bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; Bổ sung một số hình thức VBQPPL; Sửa đổi thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; Quy định hợp lý hơn các loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng, soạn thảo VBQPPL; Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết…

Các đại biểu cũng đã nghe đại diện Bộ Tư pháp quán triệt một số nội dung của Quyết định số 1323/QĐ-TTg, ngày 31-8-2020, của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL; Kế hoạch số 1995/QĐ-BTP, ngày 25-9-2020, của Bộ Tư pháp về ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh Tuyên Quang, Cà Mau, An Giang khẳng định việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, theo đại diện của tỉnh Tuyên Quang, Luật lần này cũng cần có những quy định cụ thể thẩm quyền của người ký đính chính.

Còn theo đại diện tỉnh Cà Mau, tuy trong Luật có xác định thế nào là VBQPPL, nhưng khi áp vào thực tế lại gặp khá nhiều lung túng. Vị này ví dụ, trong thực tiễn, Nghị quyết thu hồi đất có tỉnh coi đó là VBQPPL, nhưng có tỉnh lại chỉ coi là văn bản pháp lý cá biệt… Cũng vậy, việc tổ chức đánh giá tác động chính sách Bộ cần có những hướng dẫn cụ thể hoặc tổ chức những lớp tập huấn để cán bộ ở các tỉnh có thể lĩnh hội và rõ hơn về đường hướng…

Ghi nhận những ý kiến của đại diện các tỉnh, kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu rõ, để thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung: Tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tập huấn về những quy định mới của Luật cho đội ngũ tham gia trực tiếp tới công tác xây dựng pháp luật; chỉ đạo việc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy chế nội bộ về quy trình xây dựng văn bản pháp luật ở địa phương.

Đồng thời tiến hành rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở trung ương và địa phương, tổ chức tập huấn chuyên sâu và bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành VBQPPL để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, ban hành VBQPPL theo quy định mới của Luật…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kien-toan-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-lam-cong-tac-xay-dung-phap-luat-o-trung-uong-va-dia-phuong-213836.html