Kiện toàn bộ máy lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, sáng 11-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch QH, Ðỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, sáng 11-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch QH, Ðỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Góp ý về dự thảo luật, đa số ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể về mối quan hệ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với các chủ thể khác, làm rõ vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, cơ chế sử dụng, huy động, phân công nhiệm vụ đối với lực lượng này vì đây là một chính sách lớn của dự án luật. Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể hơn về phạm vi, phương thức thực hiện nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, tránh xảy ra "lạm quyền". Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về mặt nhân sự, khi triển khai dự án luật này sẽ tăng thêm khoảng 650 nghìn người. Hiện nay, quân số ở các đội dân phòng, tổ bảo vệ dân phố cũng như lực lượng công an xã bán chuyên trách lên đến khoảng 1,5 triệu. Những điều kiện bảo đảm chế độ bồi dưỡng và những quy định khác, như: chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định trong dự thảo luật sẽ làm tăng nguồn chi ngân sách so với hiện nay, nhất là với địa bàn nông thôn. Do vậy, cần rà soát các quy định về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng tinh gọn tổ chức, giảm số lượng người tham gia hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách nhà nước nhưng không làm giảm chế độ, chính sách đối với họ trên cơ sở huy động nguồn lực của xã hội kết hợp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tiếp đó, Ủy ban TVQH xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phát biểu ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng Luật này rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Nhìn chung, hiện nay Việt Nam đang phát triển kinh tế tốt, xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, chỉ cần một làng, xã, phường có một người nghiện ma túy sẽ khiến không chỉ gia đình lo lắng, mà còn kéo theo sự bất an, mất an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư. Quá trình cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy rất phức tạp. Bên cạnh đó là việc đặt người nghiện vào vị trí người bệnh hay tội phạm cần được nghiên cứu kỹ hơn. Thí dụ, người lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy có thể phạt hành chính. Xử phạt nhiều lần vẫn tái phạm cần kiên quyết, mạnh tay xử lý, có thể phạt tù...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng khẳng định, tinh thần xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Ðồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Cần có các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người đã hoàn thành chương trình cai nghiện, tại cộng đồng trong thời gian nhất định, kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình. Ðây được coi là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn một người tiếp tục sử dụng ma túy dẫn đến bị lệ thuộc và trở thành người nghiện ma túy. Ða dạng hóa hình thức cai nghiện, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/kien-toan-bo-may-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-616453/