Kiện toàn bộ máy điều phối nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do vậy, cần thiết kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM các cấp (gọi tắt là Văn phòng Điều phối NTM) nhằm đảm bảo xây dựng NTM đạt 'hiệu quả, toàn diện và bền vững'.

Xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc

Còn khó khăn, tồn tại

Đến cuối năm 2019, có 61/119 xã trên địa bàn An Giang được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”, hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn 1 năm so kế hoạch. Đây là kết quả rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang. Dù vậy, trong 10 năm xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020), cũng có những lúc quá trình này bị chậm, khó khăn, vướng mắc mà một trong những nguyên nhân chính là chưa phát huy tốt hiệu quả của cơ quan tham mưu, giúp việc.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, Văn phòng Điều phối NTM các cấp đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng Điều phối NTM hiện tại đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Đối với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, khối lượng, quy mô và phạm vi công việc rất lớn, đòi hỏi người thực hiện chương trình phải có nhiều kinh nghiệm làm việc, có hiểu biết rộng và quan hệ công tác tốt với các sở, ngành, địa phương, các tỉnh bạn và cả Trung ương.

Tuy nhiên, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh hiện chỉ có 7 công chức, viên chức làm việc chuyên trách (gồm 1 công chức biệt phái, 1 viên chức, 3 hợp đồng lao động và 2 viên chức biệt phái). Phần lớn viên chức chưa qua bồi dưỡng về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, kinh nghiệm làm việc còn ít và chưa an tâm công tác, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh.

Đối với công chức Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện và công chức phụ trách NTM ở xã phần lớn là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, vai trò còn mờ nhạt, chưa làm tốt công tác tham mưu, chưa phối hợp thực hiện tốt với các phòng, ban của huyện. Do đó, việc quản lý, theo dõi, tổng hợp báo cáo và tham mưu đôi lúc chưa kịp thời, làm chậm tiến độ thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn.

Củng cố, nâng chất lượng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chương trình MTQG xây dựng NTM là chương trình có nhiệm vụ bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh tại khu vực nông thôn. Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc theo dõi thực hiện duy trì, nâng chất 61 xã đã đạt chuẩn NTM, cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng các ấp đạt chuẩn NTM gắn giảm nghèo bền vững tại các xã biên giới, xã khó khăn. 5 năm tới, tỉnh phấn đấu đạt thêm ít nhất 28 xã NTM, 2 huyện NTM và 1 huyện NTM nâng cao, đồng thời theo dõi, tăng cường hỗ trợ các xã còn lại trong toàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện chương trình đạt được hiệu quả cao, việc kiện toàn lại tổ chức và hoạt động Văn phòng Điều phối NTM các cấp là hết sức cần thiết. Qua đó, xây dựng bộ máy giúp việc chuyên trách, ổn định, bền vững và lâu dài, trình độ chuyên môn phải đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc toàn diện cho Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp trên địa bàn tỉnh.

Ngày 12-11-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã ký Quyết định số 2622/QĐ-UBND về ban hành Đề án kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM các cấp tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025. Mục đích của Đề án kiện toàn nhằm xây dựng NTM đảm bảo “hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 trở thành 1 chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững ở tất cả các cấp.

Theo Đề án, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM; trực tiếp giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý và tổ chức thực hiện chương trình. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh được kiện toàn gồm 3 lãnh đạo, số lượng người làm việc chuyên trách và số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Về lãnh đạo, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm nhiệm; 1 Phó Chánh Văn phòng Điều phối do Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm nhiệm; 1 Phó Chánh Văn phòng chuyên trách (được hưởng phụ cấp chức vụ 0,7, tương đương Chi cục trưởng).

Các chức danh lãnh đạo đều do Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm. Biên chế công chức và số lượng người làm việc của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh được điều chuyển, biệt phái trong tổng biên chế công chức, viên chức của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó, chức danh lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh là công chức, số còn lại là viên chức chuyên trách, được giao phụ trách từng mảng công việc với nhiệm vụ rất cụ thể. Điều này giúp người lao động yên tâm công tác và nâng cao hiệu quả công việc…

Đối với Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện, được kiện toàn gồm 2 lãnh đạo, bố trí công chức chuyên trách từng mảng công việc và các thành viên kiêm nhiệm. Đối với cấp xã, Chủ tịch UBND xã xem xét, lựa chọn, ra quyết định phân công người phụ trách Chương trình MTQG xây dựng NTM theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 10-7-2020 của HĐND tỉnh.

-NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kien-toan-bo-may-dieu-phoi-nong-thon-moi-a289544.html