Kiến tạo tương lai sản xuất linh hoạt và máy móc thông minh

Nhà máy thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới với một loạt công nghệ sản xuất kết hợp giữa các yếu tố vật lý và kỹ thuật số, với những đột phá về trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, IoT...

Ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Rô-bốt và Tự động hóa nhà máy ABB Việt Nam khẳng định, ABB đã và đang nỗ lực hết mình đồng hành cùng Việt Nam để kiến tạo tương lai các ngành công nghệ.

Ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Rô-bốt và Tự động hóa nhà máy ABB Việt Nam.

Ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Rô-bốt và Tự động hóa nhà máy ABB Việt Nam.

Ông có thể cho biết đối tượng khách hàng, những sản phẩm chính và phân khúc thị phần của Công ty TNHH ABB Việt Nam?

Nếu như trước đây, khách hàng của ABB là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đã biết được lợi ích của việc sử dụng rô-bốt ABB, thì hiện nay, lượng khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đáng kể khi thấy được yêu cầu cần thiết của việc đảm bảo chất lượng đồng đều, năng suất cao và ổn định cùng với giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Rô-bốt ABB được áp dụng trong hầu hết ngành sản xuất công nghiệp với các phần mềm và giải pháp được tối ưu từ kinh nghiệm hơn 40 năm qua. Đây cũng là điểm đặc biệt của ABB khi có sự nghiên cứu sâu vào từng ngành để tối ưu hóa quy trình và ứng dụng. Một số ứng dụng có thể kể đến như: gắp thả, đóng gói, xếp pallet trong các ngành sản xuất tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống; hàn, cắt, gia công kim loại trong các ngành ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ, sản xuất sản phẩm kim loại nói chung và lắp ráp, kiểm tra trong ngành điện tử.

Ông đánh giá thế nào về ngành công nghiệp sản xuất và các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam?

Ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ tại Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết khi hội tụ cùng lúc nhiều điều kiện. Đó là sự xuất hiện các nhà sản xuất quy mô lớn trên thế giới như Samsung, LG, Unilever tại Việt Nam, một số cơ sở sản xuất này là trọng tâm trong cả hệ thống cung ứng sản xuất trên toàn thế giới. Cùng với đó, các nhà sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng đã phát triển đến quy mô lớn và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn sản xuất của thế giới.

Hai điều kiện trên đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các doanh nghiệp cung ứng, phụ trợ. Bên cạnh đó, các yêu cầu về sản phẩm và năng suất cũng tăng lên. Đây chính là những yếu tố đã thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển cả về lượng và chất trong thời gian gần đây.

Theo ông, xu hướng sử dụng rô-bốt công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu tự động hóa trong ngành sản xuất hiện nay tại Việt Nam như thế nào?

Gần đây, ABB đã hoàn thành cài đặt và đưa vào hoạt động hàng ngàn rô-bốt, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm cho khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực tự động hóa, điện tử, chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và đồ uống, hóa chất, kim loại và sản xuất gạch. ABB sẽ khai trương trung tâm rô-bốt thứ hai vào cuối năm nay tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của thị trường về công nghệ sản xuất tiên tiến.

Khi cần thiết phải đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất về cả năng suất và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh, việc nâng cấp hệ thống sản xuất lên tự động hóa, rô-bốt hóa là cấp thiết. Khi đó, hệ thống ít phụ thuộc hơn vào con người, giảm thiểu thời gian ngừng máy đột xuất, chất lượng sản phẩm cũng đồng đều và năng suất được nâng cao cùng với tính ổn định của hệ thống.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của ABB Việt Nam trong 3 năm tới?

ABB coi trọng việc thúc đẩy giáo dục nói chung và đào tạo các thế hệ kỹ sư nói riêng. Để đạt được mục tiêu này, ABB Việt Nam đã trao tặng nhiều công nghệ mới nhất cho các trường đại học kỹ thuật hàng đầu trong nước. Các công nghệ ABB đầu tư tại đây đã mang đến những trải nghiệm về quy trình làm việc thực tế vào môi trường học.

Bên cạnh đó, ABB Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, giúp nuôi dưỡng tài năng sinh viên. Với chương trình học bổng Jürgen Dormann, ABB đã trao học bổng hỗ trợ sinh viên theo học ngành kỹ thuật học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi tốt nghiệp và trao tặng máy tính giúp các em theo đuổi niềm đam mê về công nghệ. Thông qua chương trình Kỹ sư tài năng ABB, chúng tôi lựa chọn các thế hệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tạo điều kiện cho các em được làm việc tại ABB Việt Nam và ABB tại các nước khác trong khu vực. Các chương trình thực tập sinh của ABB được thực hiện liên tục mỗi năm mang tới cho nhiều thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp kinh nghiệm làm việc tại một tập đoàn toàn cầu, nơi những tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và liêm chính luôn được yêu cầu ở mức cao nhất.

Riêng về ABB Robotics, trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống hỗ trợ khách hàng để đảm bảo mức độ trải nghiệm cao nhất về chất lượng khi làm việc với ABB bằng việc vận hành 2 trung tâm kỹ thuật dịch vụ ở 2 đầu đất nước. Trải nghiệm khách hàng về chất lượng cũng là một trong những nền tảng của chiến lược chung của ABB Robotics toàn cầu. Hai trung tâm này cũng thực hiện chức năng về đào tạo kỹ thuật để người dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng rô-bốt hơn. Chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu phát triển và chuẩn hóa các giải pháp ứng dụng dựa trên rô-bốt ABB với giá thành chế tạo trong nước để giúp các nhà sản xuất trong nước dễ dàng tiếp cận hơn với việc ứng dụng rô-bốt vào quy trình sản xuất.

Ý tưởng, kế hoạch và sản phẩm chủ lực mà ABB Việt Nam sẽ mang đến tham gia trình diễn tại Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2019?

Tại VME 2019, ABB mang đến mô hình sản xuất tự động hóa hoàn toàn, các rô-bốt được điều khiển đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ với tính năng kết nối từ xa ABB AbilityTM.

Khách hàng sẽ trải nghiệm được phần nào về khái niệm nhà máy tương lai, nhà máy thông minh, mà ở đó, việc sản xuất đảm bảo cả về chất lượng, năng suất, giá thành, ổn định và an toàn.

ABB mang đến rất nhiều rô-bốt, trong đó mô phỏng một quy trình sản xuất gia công kim loại từ gắp gá phôi, hàn, nâng mang sản phẩm và mài hoàn thiện. Một ứng dụng khác trong sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đó là rô-bốt ABB gắp các sản phẩm chạy ra từ băng tải và sắp xếp lại cho khâu đóng gói.

Bên cạnh đó, ABB cũng trình diễn công nghệ tính năng kết nối từ xa ABB AbilityTM. Giải pháp này thu thập dữ liệu hỗ trợ cho việc đưa quyết định ở mọi nơi, mọi lúc trong thời gian thực để giúp khách hàng đảm bảo thời gian hoạt động và tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống rô-bốt, làm giảm 1/4 tỷ lệ sự cố, đồng thời đạt được thời gian phản hồi và khắc phục vấn đề nhanh hơn 60%.

Phương Thu

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-tao-tuong-lai-san-xuat-linh-hoat-va-may-moc-thong-minh-d102316.html