Kiến tạo nền công lý nhân dân

Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng vừa qua khẳng định hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Việc phát huy những giá trị của công lý nhằm góp phần kiến tạo một xã hội trật tự, ổn định và thịnh vượng, xây dựng đất nước ta hùng cường, phát triển.

Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng vừa qua khẳng định hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Việc phát huy những giá trị của công lý nhằm góp phần kiến tạo một xã hội trật tự, ổn định và thịnh vượng, xây dựng đất nước ta hùng cường, phát triển.

Trong tổng số hơn 50 văn bản, tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công lý, các giá trị của nền công lý nhân dân đã xuất hiện rất sớm, ngay tại bản "Yêu sách nhân dân An Nam" năm 1919 và sau đó là "Bản án chế độ thực dân Pháp" năm 1925, qua đó khẳng định quyền được hưởng các giá trị của công lý là một quyền dân tộc cơ bản và thúc giục các dân tộc thuộc địa thức tỉnh vùng lên đấu tranh giành độc lập. Ngày 19-9-1945, chỉ hơn hai tuần sau khi thành lập Chính phủ lâm thời (28-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính quyền nhân dân tuyên thệ chính trị về nghĩa vụ bảo vệ công lý tại bài huấn thị "Chính phủ là công bộc của dân" trên báo Cứu quốc và tiếp ngay sau đó là Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử nhằm khẳng định mạnh mẽ tính chính nghĩa của cuộc cách mạng giành chính quyền và tính chính đáng, hợp pháp, bản chất thân dân, vì dân của chính quyền cách mạng non trẻ.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII đều nhất quán khẳng định công lý là một giá trị căn bản mà xã hội cần hướng tới bảo vệ. Thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Ðảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Khoản 3, Ðiều 102, Hiến pháp năm 2013 đã định danh "công lý". Tuy nhiên, cho đến nay khái niệm công lý vẫn còn được hiểu theo khía cạnh ngôn ngữ chung chung, là "chính nghĩa", "lẽ phải", "lẽ công bằng" nhưng chưa được định nghĩa về mặt chính trị, pháp lý một cách nghiêm túc, tường minh. Ðây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bất cập, thậm chí là có cả sự lợi dụng trong quá trình triển khai các giá trị của công lý thời gian qua.

Cùng với đó, việc giới hạn công lý trong hoạt động xét xử thuần túy đã hạn chế rất nhiều hiệu quả phát huy các giá trị của công lý trong tổ chức và quản lý xã hội. Trong cả lý luận và thực tiễn, công lý còn là cơ sở để đề ra các chính sách pháp luật nhằm bảo đảm tối ưu sự bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm, công bằng trong giao dịch, phân phối, góp phần hài hòa và đẩy lùi xung đột xã hội. Công lý còn là một cơ chế hữu hiệu trong đấu tranh chống tha hóa và góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước. Công lý còn là đạo đức giúp mỗi cá nhân, thành viên xã hội hình thành khả năng tự tiết chế và kiểm soát, thúc đẩy "tâm thức thận trọng", hạn chế "tâm thức liều lĩnh", không làm phương hại đến người khác. Ðây chính là những nền tảng cơ bản của một xã hội ổn định, trật tự và thịnh vượng. Công lý là phẩm hạnh xã hội mang tính thể chế và chính trị sâu sắc cho nên cần được coi là một khía cạnh trong tổng thể một đất nước, một chế độ. Vì vậy, cần tiếp tục khai mở sâu rộng hơn nữa vai trò của công lý.

Kết quả nổi bật nhất trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ công lý thời gian qua là trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Ðó là sự ghi nhận ở tầm mức pháp lý cao nhất các giá trị của công lý tại Hiến pháp năm 2013 và hàng loạt đạo luật tố tụng quan trọng của đất nước như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Ðiều 1), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Ðiều 2), Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Ðiều 1)... Ðể Nhà nước trở thành chỗ dựa tin cậy trong bảo vệ công lý, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã hạn chế việc tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp vì lý do chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, đồng thời cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để xử lý tranh chấp. Hiện tượng "công lý kẻ mạnh" dùng cường lực, vũ lực, sức mạnh để giải quyết tranh chấp đã được dứt khoát dẹp bỏ khi Quốc hội thông qua Ðiểm h, Khoản 1, Ðiều 6, Luật Ðầu tư năm 2020 coi kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng còn một số khía cạnh công lý mà công tác lập pháp còn chưa quan tâm, xem xét một cách toàn diện, thấu đáo. Ðiển hình như Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ tố tụng hằng năm của Chính phủ và các cơ quan tư pháp còn quá tập trung vào những chỉ tiêu về số lượng, tỷ lệ mà thiếu vắng những chỉ tiêu về thời gian, chi phí tiếp cận công lý. Hệ quả là một số cơ quan Chính phủ, tư pháp chỉ tập trung, ưu tiên nguồn lực hoàn thành các vụ việc có giá trị lớn để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm. Ðiều này rõ ràng sẽ dẫn đến lợi thế tiếp cận công lý cho "nhóm người giàu" có giá trị tài sản lớn, các vụ việc có giá trị nhỏ của các cá nhân đơn lẻ sẽ dễ bị gác lại và lãng quên. "Công lý chậm trễ là không có công lý", do đó, các chỉ tiêu về thời gian, chi phí tiếp cận công lý cần tiếp tục được nghiên cứu, quy định cho phù hợp hơn với yêu cầu của nền công lý nhân dân.

Có thể khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức và kết quả triển khai các giá trị của công lý trong tổ chức và quản lý xã hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, có chiều sâu, góp phần củng cố niềm tin ngày càng vững chắc của nhân dân đối với Ðảng về chế độ. Triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, những vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát huy các giá trị của nền công lý nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cần tiếp tục được nghiên cứu một cách thận trọng, nghiêm túc, thấu đáo và toàn diện để góp phần kiến tạo một xã hội trật tự, ổn định và thịnh vượng.

TS Nguyễn Xuân Tùng

Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/kien-tao-nen-cong-ly-nhan-dan-640596/