Kiến tạo môi trường thông minh cho Smart city

Sức mạnh của công nghệ 5G đã đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu giao tiếp giữa người với người nhưng công nghệ sẽ không dừng ở đó. Kết nối thiết bị - thiết bị sẽ là mục tiêu của các công nghệ kết nối trong tương lai.

Tại buổi tọa đàm có chủ đề Môi trường thông minh do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức ngày 28.11, TS Lê Ngọc Thọ, giáo sư Đại học McGill (Canada) đã đưa ra nhận định trên. TS Lê Ngọc Thọ cũng là Chủ tịch Hội truyền thông băng thông rộng Canada; Thành viên cao cấp của Hội kỹ sư Quebec, Thành viên Viện kỹ sư điện và điện tử (IEEE), Học viện Kỹ thuật Canada (CAE) và Hiệp hội Hoàng gia Canada.

Với kiến thức nhiều năm trong nghiên cứu viễn thông, TS Thọ cho rằng: đô thị thông minh là xu thế tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Môi trường thông minh: Câu chuyện của dữ liệu

Trong đô thị thông minh, vai trò của môi trường thông minh hết sức quan trọng, đòi hỏi sự kết nối của nhiều nền tảng cấu trúc, các cảm biến, hiển thị... Môi trường thông minh cũng còn là câu chuyện của dữ liệu lớn, của công nghệ tính toán và khả năng phân tích, dự báo của các giải pháp thành phần.

Những điều trên được thể hiện rất rõ qua các giải pháp về giao thông thông minh. Trong đô thị thông minh, các cảm biến, camera giao thông có nhiệm vụ theo dõi lưu lượng giao thông, phát hiện kẹt xe và chuyển những dữ liệu đó về trung tâm tính toán theo thời gian thực.

TS Thọ cho rằng môi trường thông minh là sự kết hợp của công nghệ tính toán và công nghệ kết nối để tạo ra những dịch vụ thông minh

Từ những dữ liệu đó, các hệ thống tính toán sẽ đưa ra các kết quả như các đèn giao thông phải hoạt động ra sao để tối ưu cho lưu lượng giao thông hiện tại hay tìm đường trong giờ cao điểm.

Theo TS Lê Ngọc Thọ, nếu tính toán trên bản đồ cố định thì chúng ta chỉ có thể tính ra được con đường ngắn nhất. Nhưng con đường ngắn nhất đó chưa hẳn đã là nhanh và tối ưu nhất nếu không dự báo được lưu lượng giao thông, ùn tắc, kẹt xe.

Do đó, TS Thọ cho rằng, có thể hiểu môi trường thông minh là sự kết hợp của công nghệ tính toán và công nghệ kết nối để tạo ra những dịch vụ thông minh, từ đó đem lại cuộc sống tiện lợi, dễ chịu hơn cho người dân. Môi trường thông minh là nền tảng cho hàng loạt các giải pháp như thành phố thông minh, y tế thông mình, quản lý năng lượng…

Để đáp ứng được nhu cầu đó, môi trường thông minh cần phải đảm bảo được các yêu cầu tính tự động, khả năng phản ứng phù hợp với môi trường và quan trọng là khả năng giao tiếp một cách đơn giản với người dùng.

Con người vẫn là nền tảng của thành phố thông minh

Trong những ứng dụng của môi trường thông minh, thành phố thông minh được nhận định là ứng dụng quan trọng nhất. TS Thọ cho rằng về mặt kỹ thuật, tất cả các vấn đề mà TP.HCM đang phải đối diện như quản lý điện, nước, chống ngập lụt… đều có thể giải quyết được.

Mỗi thành phố chọn cho mình một ưu tiên khác nhau trong mô hình phát triển thành thành phố thông minh tuy nhiên, giữa các mô hình đó đều có những điểm chung nhất định. “Thu thập được dữ liệu theo thời gian thực, xử lý hiệu quả các dữ liệu đó theo thời gian thực để cho ra những thông tin hữu ích cùng với khả năng dễ dàng tiếp cận dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin là những yêu cầu phải có của thành phố thông minh”, TS Thọ nhận xét.

Tuy nhiên, để đảm bảo được các yêu cầu nói trên, lượng dữ liệu lưu chuyển giữa các thiết bị sẽ là một khối lượng khổng lồ và cần có những công nghệ mới. Sức mạnh của công nghệ 5G đã đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu giao tiếp giữa người với người và các công nghệ kết nối trong tương lai sẽ hướng đến kết nối thiêt bị - thiết bị.

Đối với Việt Nam, TS Lê Ngọc Thọ cho rằng các thành phố cần mạnh dạn tự phát triển giải pháp đô thị thông minh bằng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật trong nước. Việc tự phát triển giải pháp đô thị thông minh sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong nước.

Ngoài ra, việc có được đội ngũ chuyên gia tự phát triển giải pháp đô thị thông minh sẽ giúp nhà quản lý biết rõ mình đang làm gì, khả năng tùy biến từng khâu trong giải pháp đô thị thông minh ra sao, từ đó ra những quyết định phù hợp theo hiện trạng.

Đồng thời, việc tự phát triển giải pháp đô thị thông minh sẽ tăng cường độ tin cậy cả về nhân sự lẫn thiết bị, tránh được nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm liên quan đến an ninh mạng, kỹ thuật hệ thống.

Con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong thành phố thông minh.

Các công nghệ mới như công nghệ tính toán, phân tích dữ liệu lớn, mạng lưới kết nối băng thông rộng… đang được coi là nền tảng cho sự hình thành các thành phố thông minh. Tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Những năm gần đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, xóa dần ranh giới giữa thế giới thực và ảo. Cùng với đó, nhân sinh quan của con người trong thời đại hiện nay cũng có những thay đổi rất lớn. Điều này, theo TS Lê Ngọc Thọ, là vấn đề nhân văn cần hết sức được quan tâm.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kien-tao-moi-truong-thong-minh-cho-smart-city-c7a593748.html