Kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Mới đây, tại Hải Dương, Ðoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu 2018.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát của Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã trao đổi, làm rõ gần 20 nội dung, như: công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường; việc cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường; thực trạng, việc giải quyết những “điểm nóng” về khai thác cát trái phép; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn tỉnh; việc xử lý chất thải trong chăn nuôi; kết quả phối hợp và hỗ trợ của ngành tài nguyên - môi trường với việc xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì… Cùng thời điểm, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại sáu tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 742/QÐ-TTCP ngày 20-8-2018 về việc tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các tỉnh nêu trên trong thời gian 70 ngày làm việc.

Trong thực tế, việc khai thác khoáng sản tại nhiều tỉnh, thành phố mặc dù đem lại những lợi ích về kinh tế nhưng đồng thời cũng đưa đến những tác động tiêu cực không nhỏ đối với môi trường sống của nhân dân và nguồn tài nguyên của đất nước. Nhà nước đã ban hành rất nhiều quy định pháp luật khác nhau nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản, hạn chế tối đa những tác hại đối với môi trường và cuộc sống người dân. Tuy nhiên, còn không ít doanh nghiệp, đơn vị, tập thể hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật hay tìm mọi cách “lách” luật để tiến hành khai thác tài nguyên, với mục tiêu đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Chính vì vậy, việc tiến hành thanh tra, giám sát thực hiện quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản là hoạt động quan trọng và cần được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ tại tất cả địa phương trong cả nước. Ðây là một lĩnh vực phức tạp, liên quan nhiều cơ quan chuyên môn vì vậy, thành viên của những đoàn thanh tra, giám sát phải là những người am hiểu lĩnh vực, có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng “nói không” với tiêu cực. Việc thanh tra, giám sát cần được triển khai cụ thể tới tận địa bàn, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cần tránh kiểu kiểm tra tại hội nghị, nghe báo cáo tại phòng làm việc và giám sát kết quả thông qua những báo cáo bằng giấy tờ. Ðây là phương thức làm việc thụ động, chiếu lệ, hình thức và trực tiếp làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cũng như uy tín của các đoàn thanh tra, giám sát.

Kết quả của thanh tra hay giám sát cần được công khai, cụ thể từng vấn đề để người dân và dư luận xã hội được biết; nhất là đối với các sai phạm, những việc chưa làm được trong bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, nội dung cần được quan tâm, chú trọng là hậu thanh tra và giám sát. Theo đó, những vấn đề, vi phạm, sai sót sau khi được đoàn thanh tra kết luận thì cần được cơ quan chức năng địa phương, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, không để những kết luận của cơ quan thanh tra bị rơi vào quên lãng, các sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Kết quả, kiến nghị của đoàn giám sát cần cụ thể vào những vấn đề “nóng”, tránh chung chung và phải được cơ quan giám sát phối hợp địa phương “đeo bám”, kiểm tra quá trình cũng như kết quả thực hiện.

Để các hoạt động khai thác khoáng sản thật sự đi vào nền nếp, tuân thủ pháp luật, công tác bảo vệ môi trường nghiêm minh là những công việc không dễ dàng. Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức công vụ liêm chính của các cán bộ, cơ quan chức năng. Nếu không, nguồn tài nguyên của đất nước tiếp tục bị khai thác trái phép và cuộc sống, môi trường sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Khánh Ðan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37611902-kien-quyet-xu-ly-cac-vi-pham-phap-luat-bao-ve-moi-truong.html