Kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường

Sáng ngày 9/12, Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề liên quan tới chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường và công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố đã được các đại biểu đặt ra đối với các 'tư lệnh' ngành.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Kỳ họp. (ảnh: Việt Dũng)

Kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường
Chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, đại biểu Minh Trí, cho rằng, thời gian gần đây Thành phố đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Đại biểu Minh Trí đề nghị Sở cần có đánh giá tổng thể về chất lượng không khí, nước, tiếng ồn… để từ đó có những giải pháp hiệu quả, phù hợp.

Đề cập đến việc xử lý thải, đại biểu Vũ Thanh Lưu cho rằng, hiện thành phố có 9.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày nhưng nhà máy xử lý đốt rác phát điện hiện nay còn hạn chế, vậy theo dự kiến tới năm 2020 liệu có đủ khả năng xử lý 50% rác thải để biến thành điện năng hay không? Và khi biến rác thành điện năng, tạo ra khí thải sẽ xử lý thế nào để tránh chuyển từ ô nhiễm rác sang ô nhiễm khói thải?

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, vấn đề môi trường cần được nhận diện và đánh giá chính xác. Thành phố hiện có 327 điểm đặt trạm quan trắc bằng phương thức thủ công. Việc xây dựng các trạm quan trắc tự động đang được thành phố ghi vốn đầu tư. Đến cuối năm 2019, thành phố đã vận hành thử 6 trạm tự động, trong tổng số 58 trạm dự kiến sẽ được đầu tư. Các trạm quan trắc tự động sẽ thực hiện quan trắc tất cả các lĩnh vực như nước, không khí, sụt lún… để đưa ra các thông số về môi trường. “Hiện trạm quan trắc tự động còn ít nên thông số công bố có lệch so với thực tế. Sắp tới, các trạm tự động còn lại khi đưa vào vận hành sẽ chính xác, cập nhật hơn”, ông Thắng cho biết.

Vừa qua ở thành phố, có hiện tượng mù quang hóa, gọi là hiện tượng ô nhiễm từ hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. Do vậy, một trong những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường là cần hạn chế xả thải liên quan đến việc kiểm soát các phương tiện giao thông.

Đối với vấn đề rác thải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện phương pháp đốt rác không phát điện chiếm 21%, còn đốt rác phát điện chỉ chiếm 16%. Thành phố đã khởi công xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát. Dự kiến, đến cuối năm 2019, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy nữa. Như vậy, lộ trình triển khai xây dựng nhà máy đốt rác của thành phố chỉ lệch 1-2 tháng so với kế hoạch.

Trước băn khoăn của đại biểu về việc đốt rác tạo ra khí thải sẽ xử lý thế nào để tránh ô nhiễm, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ giám sát máy móc và có đề án đánh giá tác động môi trường hàng quý, hàng năm. Đồng thời, việc đốt rác diễn ra trong môi trường kín, với nhiệt độ trên 800 độ C nên không còn khí gây ô nhiễm.

Đối với vấn đề di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ông Thắng cho hay, đến nay vẫn còn 5 cơ sở ở Quận 12 chưa xử lý dứt điểm. Trong thời gian tới, đối với các trường hợp này, thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế. “Quan điểm của thành phố là kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh trong phần trả lời chất vấn ngày 9/12. (ảnh: TTXVN)

Kiến nghị không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê
Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung ở các nội dung được dư luận hiện đang quan tâm như: tín dụng đen, xâm hại trẻ em, tội phạm ma túy…

Đại biểu Châu Phương Hoàng Thảo đặt câu hỏi về giải pháp khi tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, có cả những đối tượng là người có trình độ?

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an Thành phố cho biết, phân tích từ các vụ án cho thấy, công tác phòng ngừa, quản lý, chăm sóc trẻ còn những sơ hở, dẫn đến những hành vi xâm hại trẻ. Trong khi đó, Luật Trẻ em có quy định nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em (cha mẹ hoặc người chăm sóc có hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ). Vì thế, việc quy định một cách cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc là giải pháp căn cơ để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại. Thực tế, nhiều nước trên thế giới có quy định cụ thể trẻ em ở độ tuổi nào trở xuống phải có người lớn đi kèm. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng tự vệ cho trẻ cũng rất cần thiết.

Cũng theo Giám đốc Công an Thành phố, năm 2019 số vụ xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với cùng kỳ, cơ quan chức năng đã khởi tố 52 vụ với 44 bị can. Hiện, Công an Thành phố đang tập trung thực hiện chuyên đề công tác đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em, vị thành niên; đã quán triệt tới các đơn vị phải nắm tình hình, xử lý, phòng ngừa, khi tiếp nhận tin báo tố giác phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ…

Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm ma túy, đại diện Công an thành phố cho biết, Sở vừa tham mưu cho lãnh đạo thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về ma túy, góp phần đề ra các giải pháp, từ hoàn thiện quy phạm pháp luật, đến phòng ngừa đấu tranh với các đường dây tổ chức buôn bán ma túy. Không thể nhận thức người nghiện ma túy là người bị tác động, bị động bởi người bán ma túy, mà đây là quan hệ tương tác 2 chiều. Giám đốc Công an thành phố Lê Đông Phong đồng tình với nhận định của các đại biểu cho rằng việc thống kê số người nghiện ma túy trên địa bàn là chưa đầy đủ. “Để có cái nhìn đầy đủ và khách quan cũng như đưa ra giải pháp quản lý người nghiện tại cộng đồng hiệu quả, HĐND thành phố nên có chuyên đề giám sát về về vấn đề này” – Giám đốc Công an thành phố Lê Đông Phong đề xuất.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp (ảnh: TTXVN)

Đối với tình trạng “tín dụng đen” đang có những vụ việc phức tạp, theo Trung tướng Lê Đông Phong, trong năm 2019, trên địa bàn thành phố còn 51 nhóm, với 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật; số vụ đã giảm nhiều so với năm 2018 (94 nhóm, 383 đối tượng). Đáng chú ý, nếu như năm 2018 chưa xử lý hình sự được vụ nào, năm 2019 đã khởi tố 9 vụ, 31 đối tượng; xử lý chung 38 nhóm, 168 đối tượng. Trên thực tế, quy định xử lý cho vay nặng lãi mặc dù đã cụ thể hơn nhưng còn khó khăn trong chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý hình sự. Công an thành phố yêu cầu công an các địa phương phải theo sát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi này từ đầu.

“Về giải pháp căn cơ, Công an thành phố đã kiến nghị UBND đề xuất lên Chính phủ không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Theo quy định, đây là dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch bình thường, nhưng các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này "thông qua" một số đối tượng xấu, với cách thức thường khủng bố tinh thần người nợ. Loại hình dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự công cộng” – Trung tướng Lê Đông Phong cho biết.

Trao đổi về một số nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm tại phiên chất vấn và thảo luận tổ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, TP Hồ Chí Minh là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, số thu ngân sách thực tế Thành phố được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách. Năm 2003 tỷ lệ điều tiết là 33% và đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 tỷ lệ điều tiết của Thành phố chỉ còn được hưởng 18%.

UBND Thành phố đề nghị Trung ương cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, Thành phố khác; trong đó tăng tỷ lệ điều tiết đối với TP Hồ Chí Minh từng bước trong 10 năm giai đoạn 2020 – 2030 từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo Thành phố có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.

V.L

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/kien-quyet-xu-ly-cac-truong-hop-gay-o-nhiem-moi-truong-544511.html