Kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: Thực trạng chậm triển khai tại một số dự án cần phải được kiên quyết xử lý.

Phiên giải trình được tiến hành sau đợt giám sát chuyên đề của HĐND TP vừa qua về các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP đối với 8 Sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân chính đối với các dự án được giao đất chậm triển khai chậm xử lý theo quy định, giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả; nhiều dự án chậm hơn 10 năm, trong khi Luật Đất đai quy định gia hạn 24 tháng, vậy Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) có biện pháp gì để tham mưu UBND TP?

Trả lời các câu hỏi này, GĐ Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết: Với các dự án chậm trễ 5-10 năm, có thể nói các dự án trên địa bàn TP được giao đất, cho thuê đất cơ bản được triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Song, bên cạnh đó có những dự án chậm tiến độ thậm chí vi phạm Luật Đất đai.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: TP sẽ thanh kiểm tra và thu hồi các dự án không đủ điều kiện. Ảnh:T.T

Qua quá trình thanh tra, rà soát và giám sát của HĐND TP, các chủ đầu tư cũng có ý thức đưa đất vào sử dụng. Các nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm triển khai gồm: Thực hiện các dự án giai đoạn 2012-2017, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1-7-2014, quá trình chuyển tiếp có nhiều chính sách thay đổi trong đó có chính sách GPMB, nên các dự án chậm có nguyên nhân do chậm GPMB do thay đổi chính sách. Chủ đầu tư chậm không quyết liệt chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các Sở, ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB, tập trung nguồn lực thời gian GPMB các dự án.

Do giai đoạn 2012-20215, thị trường bất động sản trầm lắng, là nguyên ngân để các chủ đầu tư tập trung vốn, thị trường trầm lắng nên khó kêu gọi đầu tư cũng như giải ngân để ngân hàng cho vay.

Về quy hoạch, sau khi sáp nhập Thủ đô, Chính phủ chỉ đạo TP lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Chính phủ phê duyệt, sau đó triển khai quy hoạch này thì TP tổ chức lập quy hoạch phân khu. Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; liên quan đến Luật Đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây.

Nguyên nhân chủ quan, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số nơi chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý.

Đối với các dự án đã chậm 5-10 năm, về quan điểm của Sở không gia hạn. Điều này đúng theo các quy định tại Luật Đất đai, trừ đơn vị có lý do bất khả kháng mới xem xét gia hạn, còn lại là không gia hạn.

Về việc gia hạn 24 tháng đối với các dự án chậm triển khai, Sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi vì nếu không bồi thường tiền GPMB, giải quyết công ăn việc làm của người lao động sẽ gặp chống đối quyết liệt nên Sở phải giải quyết rất thận trọng.

Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng dành nhiều câu hỏi tới GĐ Sở Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch UBND các quận, huyện Thanh Xuân, Thanh Trì, Nam Từ Liêm…

Phát biểu tiếp thu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND TP, đồng thời khẳng định TP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý đất, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư, vừa không để lãng phí, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu HĐND TP, Chủ tịch UBND TP đánh giá thực trạng chậm triển khai tại một số dự án cần phải được kiên quyết xử lý. Để làm được việc đó, cần có các nhóm các giải pháp cơ bản. Trước tiên, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra TP để kiểm tra, thanh tra, thu hồi những dự án không đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó cố gắng, phối hợp cùng các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho DN, chủ đầu tư; đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, hiện TP đang khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý các dự án để quản lý chặt chẽ hơn, nắm được diễn biến phát triển của dự án cũng như hoạt động của nhà đầu tư sau khi được cấp phép. UBND TP cũng sẽ chỉ đạo các Sở TN&MT, Sở QHKT, Sở KH&ĐT hoàn thiện quy chế liên quan đến thẩm định, quản lý hồ sơ của các nhà đầu tư, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm có thông tin triển khai dự án, không để dây dưa, kéo dài. Quan điểm của TP là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kien-quyet-xu-ly-cac-du-an-cham-trien-khai-120560.html