Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm tại Vị Xuyên

Dòng suối Sảo bắt nguồn từ xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) trước đây vốn trong xanh, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng nghìn hộ dân các xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc (Vị Xuyên) và Kim Ngọc (Bắc Quang). Nhưng từ khi các điểm mỏ tại xã Ngọc Minh đi vào khai thác, dòng suối đã bị ô nhiễm, ngầu đục khi hứng chịu lượng lớn bùn thải từ các điểm mỏ.

Trong mấy tháng qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xuất hiện nhiều trận mưa lớn kéo dài. Dòng suối Sảo vốn đã bị ô nhiễm lại hứng thêm một lượng lớn nước và bùn thải từ các điểm mỏ khai thác Man-gan ở đầu nguồn thuộc xã Ngọc Minh đổ xuống.

Đến một số điểm mỏ trên địa bàn để ghi nhận sự việc cho thấy, hầu hết các điểm mỏ ở Ngọc Minh đều xảy ra tình trạng nước thải “bẩn” chảy trực tiếp ra môi trường. Tại điểm mỏ thôn Bản Sám, xã Ngọc Minh của Công ty TNHH Tường Phong, điểm mỏ này hiện đang thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, thời điểm phóng viên có mặt (sáng 14-8), nhiều máy móc vẫn đang hoạt động. Ông Hoàng Văn Vương, quản lý điểm mỏ cho biết: “Hiện Công ty chỉ đang tận thu và cho chạy bảo dưỡng máy. Do quá trình đào đắp trước đây nên hiện tại khối lượng bùn thải vẫn còn nhiều. Mặc dù công ty đã thiết kế hệ thống xử lý qua ba ao nước để lắng, lọc nhưng do mưa lớn nên vẫn xảy ra tình trạng đất, đá tràn ra môi trường. Phía Công ty cũng đã chủ động khắc phục bằng việc ngăn dòng nước thải, nạo vét bùn đất ở các điểm tràn”.
Theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của người dân, quá trình tận thu và bảo dưỡng máy của điểm mỏ này diễn ra liên tục nên tình trạng xả thải ra môi trường vẫn chưa dừng lại.

Tại điểm mỏ Man-gan của Công ty cổ phần Thiên Hàm, thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh. Điểm mỏ này cũng đang dừng hoạt động, chờ bàn giao cho công ty khác quản lý. Tuy nhiên, các ao lắng, lọc chứa bùn thải gần như đã đầy. Một khối lượng lớn bùn được đổ tràn ra mép dòng suối Sảo. Theo khẳng định của phía công ty, số bùn này nhằm mục đích tránh sạt lở cho đoạn đường dẫn vào điểm mỏ và tránh vỡ ao lắng, lọc. Thế nhưng, điều đáng nói, chỉ sau cơn mưa lớn, lượng bùn thải này lại chảy trực tiếp xuống suối Sảo.

Tại xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, nơi được xem là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xả thải của các điểm mỏ, ông Vương Quốc Toại, trưởng thôn Diếc, xã Bạch Ngọc cho biết: “Suối Sảo là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất cho gần 130 hộ dân trong thôn và hàng trăm hộ dân ở các thôn lân cận. Nay do bị ô nhiễm, nước suối Sảo không sử dụng được nữa. Hơn 60 ha ruộng lúa trên địa bàn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi trong nước quá nhiều bùn, đất, khi chảy vào ruộng tạo bề mặt khô cứng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa. Nhiều lần, người dân kiến nghị các công ty khai thác quặng ngừng xả thải trực tiếp ra môi trường nhưng không có kết quả.

Dòng suối Sảo nước ngầu đục do ô nhiễm.

Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Minh có bảy điểm mỏ, trên thực tế có ba điểm mỏ đang hoạt động và một điểm mỏ đang thực hiện đóng cửa. Khi tiến hành khai thác, các điểm mỏ đều cam kết thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường như hiện nay và thậm chí những điểm mỏ dừng hoạt động khai thác nhưng không cải tạo, phục hồi môi trường thì người gánh hậu quả cuối cùng vẫn là người dân sống dọc theo dòng suối Sảo.

Tỉnh Hà Giang đã nhiều lần thành lập đoàn thanh tra đi kiểm tra tại các điểm mỏ. Qua đó phát hiện các điểm mỏ đều có các lỗi vi phạm về thực hiện các công trình bảo vệ môi trường; các công trình giảm thiểu tác động môi trường.

Cụ thể, ngày 4-4-2017, đoàn thanh tra đã kiểm tra thực địa mỏ Man-gan của Công ty CP Việt Bắc ở đội 2, thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh cho thấy: “Mỏ đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2014, nhưng các tầng khai thác không rõ ràng, có hiện tượng sạt lở bờ tầng khai thác; khu vực khai trường không có hệ thống thoát nước mặt; các công trình cải tạo, phục hồi môi trường chưa thực hiện. Cũng giống tình trạng này, một số điểm mỏ trên địa bàn xã Ngọc Minh đã mắc nhiều lỗi vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác và không thực hiện theo cam kết.

Sau khi chỉ ra các lỗi vi phạm, phía đoàn thanh tra của tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các công ty khẩn trương xử lý, bảo đảm các quy định. Tuy nhiên, việc khắc phục của các điểm mỏ lại quá chậm, thậm chí không thực hiện.

Qua tìm hiểu nguyên nhân ở một số điểm mỏ có tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, ngoài một số đường dẫn thải bị hư hại thì chủ yếu do các ao lắng, lọc đã đầy. Việc xử lý của các công ty không kịp thời dẫn đến nước thải chảy tràn rồi xả trực tiếp ra suối Sảo.

Trước thực trạng các điểm mỏ gây ô nhiễm môi trường tại Vị Xuyên, ngày 21-8, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và huyện Vị Xuyên kiểm tra thực tế và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/33876502-kien-quyet-xu-ly-cac-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-gay-o-nhiem-tai-vi-xuyen.html