Kiên quyết không để tội phạm lộng hành

Sáng 14-11, Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng chủ trì giao ban với các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ, Công an đơn vị địa phương trong công tác phòng chống tội phạm tháng 10 và đề ra phương hướng đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian cuối năm 2018.

Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng phát biểu chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Từ 16-10 đến 12-11, tình hình phạm pháp hình sự (PPHS) vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Toàn địa bàn Đà Nẵng xảy ra 58 vụ PPHS, trong đó “nóng” nhất vẫn là trộm cắp và cố ý gây thương tích. Ngoài ra, thực trạng phạm tội giết người, cướp giật, cho vay nặng lãi... có tính chất, mức độ liều lĩnh, manh động, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Trước thực trạng này, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác trấn áp tội phạm, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề phòng chống tội phạm... đạt được nhiều kết quả khích lệ. Cụ thể, cơ quan Công an đã điều tra khám phá 35/58 vụ PPHS, bắt 47 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá trên 250 triệu đồng hoàn trả cho bị hại. Ngoài ra, trong tháng 10-2018, lực lượng phòng chống ma túy đã phát hiện 18 vụ (30 đối tượng) liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 387,97 gam ma túy tổng hợp; phát hiện 7 vụ (7 đối tượng) vi phạm hành chính trên lĩnh vực kinh tế, 24 vụ (25 đối tượng) vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường, ra quyết định xử phạt hành chính trên 251 triệu đồng. Trên lĩnh vực phòng ngừa tội phạm, lực lượng tuần tra đã phát hiện bắt giữ 5 vụ (6 đối tượng) trộm cắp tài sản, 6 vụ (40 đối tượng) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, giải tán 258 trường hợp thanh thiếu niên tụ tập khuya nơi công cộng, nhắc nhở 681 trường hợp người dân mất cảnh giác trong việc quản lý tài sản.

Trên cơ sở thảo luận giữa Công an các đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, Đại tá Trần Mưu chỉ đạo, thời điểm cuối năm, tội phạm sẽ gia tăng hoạt động, nhất là tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản… Do đó, các đơn vị cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ, thực hiện các kế hoạch chuyên đề giám đốc nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm gia tăng, kiên quyết không để các băng nhóm tội phạm hoạt động lộng hành, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt người dân. Cụ thể, quản lý chặt chẽ các băng nhóm đối tượng, không để gây án, chú ý các nhóm đối tượng ngoại tỉnh và các đối tượng cho vay lãi nặng, phát huy vai trò của tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư nhằm nắm tình hình vay nợ trong dân, đề phòng và ngăn chặn kịp thời các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản... liên quan đến đòi nợ. Các đơn vị cần chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trộm đột nhập, chú ý công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết đối với những vụ việc có hành vi tương tự để xâu chuỗi, phục vụ công tác điều tra khám phá. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phòng chống cướp giật, nhất là vào các dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, chú ý các khu vực tập trung nhà hàng, khách sạn đề phòng tội phạm xảy ra đối với khách du lịch và người nước ngoài. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn của Giám đốc về việc tăng cường phòng, chống các hành vi bảo kê, tranh giành, chèo kéo khách du lịch. Tăng cường phòng ngừa đấu tranh tội phạm cướp tiệm vàng. Đảm bảo ANTT tại các điểm vui chơi, giải trí như: quán bar, vũ trường, karaoke...

Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy cần phải đấu tranh có hiệu quả đối với các đầu mối ma túy nổi, quản lý và giải quyết tốt số đối tượng nghiện, sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần, không để gây ra trọng án. Cảnh sát Kinh tế phối hợp các đơn vị liên quan kiểm soát thị trường, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tăng cường đấu tranh các hành vi trốn thuế, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham nhũng. Cảnh sát Môi trường kịp thời đấu tranh, phát hiện xử lý hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm do hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, Công an các đơn vị chú ý đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý án, xử lý tin tố giác tội phạm, không để tồn đọng kéo dài.

NGUYÊN THẢO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_198228_kien-quyet-khong-de-toi-pham-long-hanh.aspx