Kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Đối với các cơ sở có nhiều vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thời gian dài đã được nhắc nhở mà không khắc phục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động.

Nhà xưởng chỉ còn lại là đống đổ nát sau vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nhà xưởng chỉ còn lại là đống đổ nát sau vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Phòng chống cháy nổ đang trở nên cấp bách trước hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra trên cả nước trong thời gian qua gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an về việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

- Hàng loạt vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua trên cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều này cho thấy, tình hình cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp. Ông đánh giá thế nào về việc này và nguyên nhân của tình hình đó là do đâu?

Đại tá Nguyễn Minh Khương: Trong 9 tháng qua, cả nước xảy ra 3.059 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 99 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng gần 1.200 tỷ đồng.

Kèm theo đó là xảy ra 16 vụ nổ, làm chết 6 người, bị thương 15 người, thiệt hại về tài sản xấp xỉ 400 triệu đồng.

Những con số này cho thấy, các vụ cháy diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nổi lên là cháy rừng rất khốc liệt và trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung trong tháng Sáu, tháng Bảy năm nay.

Cạnh đó là các vụ cháy lớn tại các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cháy trong khu dân cư và các vụ cháy xảy ra ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy diễn biến phức tạp nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân cơ bản sau. Đối với cháy rừng, thời điểm tháng Năm, tháng Sáu, tháng Bảy là nắng nóng, khô hạn kéo dài, tác động biến đổi khí hậu.

Cộng thêm đó là ý thức của một bộ phận người dân trong việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa chưa tốt và chủ quan, dẫn đến không quản lý được nguồn nhiệt, nguồn lửa đó, gây ra cháy và cháy lớn, làm thiệt hại rất lớn về tài nguyên rừng.

Cháy tại các khu dân cư và các cơ sở sản xuất tại khu dân cư gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình là vụ cháy tại khu nhà xưởng ở phố Đại Linh, phường Trung Văn, Hà Nội ngày 12/4 vừa qua làm 8 người chết.

Và gần đây, vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, ước tính thiệt hại trên 150 tỷ đồng…

Đặc biệt nguy hiểm là chất độc phát tán ra từ đám cháy đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước xung quanh, từ đó tác động đến tâm lý, gây hoang mang, lo ngại cho bộ phận dân cư sống chung quanh công ty này. Đây cũng là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới đối với các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư.

Nguyên nhân tiếp theo là một bộ phận cán bộ, chiến sỹ và những người trực tiếp quản lý địa bàn, cơ sở chưa làm hết trách nhiệm, còn nể nang, e dè dẫn đến chưa kiên quyết trong việc xử phạt các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, việc tổ chức chữa cháy trên thực tế còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Những vấn đề này liên quan đến việc một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đầu tư và thực hiện tốt việc quy hoạch mạng lưới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo, toàn bộ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Công an các đơn vị địa phương phải đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy tại các cấp cơ sở; đảm bảo công tác phòng ngừa và kịp thời xử lý, phát hiện các vi phạm. Vậy sau hơn một năm sáp nhập, việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an được lực lượng thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Minh Khương: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy từ Trung ương xuống địa phương đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Qua hơn một năm thực hiện đến nay cho thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất quan tâm, ngày càng tích cực tham gia quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, đã thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tổ chức chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều địa phương, lãnh đạo Ủy Ban Nhân dân đã tổ chức đi kiểm tra, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về công tác này; quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng và nhân rộng những mô hình tốt về phòng cháy, chữa cháy…

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về phân cấp quản lý, Công an các địa phương đã chủ động thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các quận huyện.

Công an các địa phương chủ động phối hợp với chính quyền Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương tới địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông cũng như cảnh báo nguy cơ cháy nổ, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho các khu dân cư, các cơ sở của địa phương.

Lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống cháy nổ đối với các tổ chức, các nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan đơn vị trên địa bàn để mỗi người dân có ý thức, kinh nghiệm trong các vụ cháy, nổ, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức phòng cháy, chữa cháy, chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy, góp phần hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra và biết cách xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ.

- Thưa ông, hiện nay lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy tại cấp phường, xã, cơ sở. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đại tá Nguyễn Minh Khương: Cảnh sát khu vực, Công an xã là lực lượng không được đào tạo từ đầu về chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nên nghiệp vụ còn hạn chế.

Các đội tham gia phần thi chữa cháy tại Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2019 của quận Hai Bà Trưng . (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tuy nhiên, lường trước vấn đề này, chúng tôi đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, công tác quản lý Nhà nước cho lực lượng này để họ nắm được những kiến thức cơ bản, tiếp cận, nắm vững được giai đoạn ban đầu.

Qua các năm tiếp theo, chúng tôi bồi dưỡng các chương trình ngắn hạn, dài hạn cho lực lượng này, đảm bảo họ sẽ giúp cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác này.

Thực tế vừa qua, Công an thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng Cảnh sát khu vực và Cảnh sát phụ trách xã.

Để được như vậy, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; nhất là việc bố trí nguồn nhân lực và đầu tư trang bị các trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Việc trang bị các thiết bị bảo hộ cá nhân đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang có những khó khăn gì, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Minh Khương: Hiện nay, trang phục chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và thiết bị phòng độc của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đang sử dụng còn thiếu nhiều và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác chiến đấu, đảm bảo an toàn cá nhân.

Cụ thể, quần áo của cảnh sát tham gia chữa cháy là loại vải mỏng thông thường, hai lớp, loại vải này tiếp xúc với ngọn lửa gần như không có tác dụng, khả năng bảo vệ chiến sỹ chữa cháy trước tác động của nhiệt độ, các vật sắc nhọn rất kém và hoàn toàn không có khả năng bảo vệ trước tác động của hóa chất.

Phương tiện phục vụ, bảo vệ cho cơ quan hô hấp khi tiếp xúc với khói, khí độc trong quá trình tham gia cứu người, cứu tài sản rất thiếu. Do đó, cán bộ, chiến sỹ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các sự cố, tai nạn và cháy nổ; kích thước, trọng lượng của mũ, giày; chất liệu của ủng chữa cháy cũng không phù hợp với hình thể, sức khỏe của người Việt Nam… gây ra nhiều khó khăn và hạn chế trong việc di chuyển và thực thi nhiệm vụ, thậm chí rất dễ bị bỏng, bị thương…

- Công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp cơ sở có nhiều vi phạm hoặc để vi phạm kéo dài sẽ như thế nào, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Minh Khương: Đối với các cơ sở có nhiều vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian dài đã được Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy yêu cầu khắc phục mà không khắc phục, không có hướng khắc phục hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy mà vẫn tiếp tục vi phạm, Cảnh sát phòng cháy chưa cháy tiến hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị, cơ sở đó.

Quá trình đã tạm đình chỉ, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Công an các cấp của địa phương để cùng tham gia giám sát việc thực hiện quyết định tạm đình chỉ.

Nếu cơ sở không khắc phục, không có hướng khắc phục hoặc không khắc phục đầy đủ và nguy cơ cháy nổ còn thường trực, thậm chí có thể còn cao hơn, chúng tôi sẽ kiên quyết đình chỉ mọi hoạt động của cơ sở đó theo đúng quy định.

Trân trọng cảm ơn Ông!

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kien-quyet-dinh-chi-hoat-dong-cac-co-so-vi-pham-phong-chay-chua-chay/598646.vnp