Kiên quyết để bảo đảm an toàn

Trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy vậy, cần phải thấy rằng công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay, đặc biệt là lễ hội truyền thống, vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn do số lượng người tham gia rất lớn, việc bảo đảm chất lượng lễ hội không chỉ là giữ gìn bản sắc, nghi thức cổ truyền mà còn từ những việc rất đỗi bình thường, gắn với đời sống thường ngày như an toàn thực phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà trước mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Sự quan tâm chỉ đạo nói trên là cần thiết bởi thực tế cho thấy ngộ độc thực phẩm tại các lễ hội hiện vẫn là nguy cơ lớn. Tại Hà Nội, kể từ đầu năm Kỷ Hợi đến nay chưa có số liệu ghi nhận người tham dự lễ hội bị ngộ độc thực phẩm, nhưng báo cáo của các đoàn thanh tra cho thấy rất rõ nguy cơ. Thực phẩm sống và chín được bày “lộ thiên” trong quán xá, không dễ trích xuất nguồn gốc. Quy trình chế biến thực phẩm không tuân thủ quy định. Điều kiện về nguồn nước, dụng cụ chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng quy chuẩn… Những hạn chế này có thể nhận thấy ở nhiều lễ hội, không chỉ xuất hiện ở mùa lễ hội năm nay. Năm 2019, thiệt hại đáng kể chưa xuất hiện nhưng không có nghĩa điều đó không xảy ra.

Chúng ta nhận thức rõ về mối lo tiềm ẩn nhưng chưa thực hiện tốt các giải pháp đã được đề ra nhằm giải quyết tận gốc hạn chế nói trên. Nguyên nhân khách quan là cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại các lễ hội mang tính mùa vụ, có tính động, không dễ kiểm soát; lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, thiết bị hỗ trợ hạn chế trong khi số lượng lễ hội khá lớn…

Nhưng cũng có nguyên nhân mang tính chủ quan, thể hiện qua việc một số chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong công tác quản lý, đặc biệt ở khâu xử lý vi phạm. Không kiểm soát, quản lý tốt, nguy cơ xảy ra hậu quả, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng rất cao, bởi như đã nói, số lượng người tham gia lễ hội lớn, nếu sử dụng thực phẩm không an toàn, có thể gây ra ngộ tập thể và không phải lễ hội nào cũng có điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý kịp thời, hiệu quả khi phát sinh sự cố.

Ngẫm kỹ thì với lễ hội, công tác quản lý và tổ chức như đánh trận vậy, nghĩa là nhiều khi phải tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu. Một trong những điểm hạn chế cơ bản thể hiện ở hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nếu đã coi là hướng chủ yếu thì phải tập trung vào đó. Điều động nhân lực thanh tra, kiểm tra; bổ sung phương tiện để thực hiện test nhanh, từ đó có hình thức xử lý vi phạm phù hợp, kịp thời, rõ tính răn đe. Chính quyền địa phương, các ban tổ chức lễ hội đề cao trách nhiệm bằng cách không bao che cho cơ sở kinh doanh, dịch vụ có hành vi sai trái, kiên quyết công khai danh tính cơ sở không tuân thủ quy định và không đưa những cơ sở này vào quy hoạch tổ chức cơ sở dịch vụ trong những mùa lễ hội sau.

Tất nhiên, những giải pháp quản lý cần đi đôi với tuyên truyền, để người dân và du khách ý thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình. Mỗi du khách, người tham gia lễ hội cần chủ động, kiên quyết “nói không” với thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc hoặc được bảo quản thiếu an toàn, đe dọa tới sức khỏe bản thân, cộng đồng, thay vì tặc lưỡi cho qua, vô tình "tiếp tay" cho vi phạm. Chỉ khi tất cả cùng kiên quyết mới có thể bảo đảm an toàn.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/927086/-kien-quyet-de-bao-dam-an-toan