Kiên quyết chống gian lận thi cử

Trước những quan tâm của xã hội về tính khách quan trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT vừa cho hay sẽ kiên quyết đấu tranh chống gian lận thi cử; rà soát lại toàn bộ quy trình thi và chấm thi, cũng như rút kinh nghiệm qua thực tiễn.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Yêu cầu đại học siết chặt đầu ra

Mùa tuyển sinh 2018, câu chuyện gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã gây bất bình, thậm chí là hoang mang trong dư luận xã hội. Đã có những đề xuất: phải rà soát lại điểm thi đầu vào ĐH của các thí sinh tại những địa phương có gian lận trong vòng vài năm trở lại đây. Nhưng đó cũng mới là đề xuất, còn phía các trường ĐH cho biết, họ sẽ thanh lọc sinh viên sau mỗi năm học, hoặc mỗi giai đoạn - nếu như năng lực của người học thực sự không đáp ứng được yêu cầu.

Nhưng làm thế nào để chống gian lận thi cử một cách triệt để? Theo quan điểm của các chuyên gia giáo dục, việc siết chặt đầu ra của các trường ĐH sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khắc phục thực trạng này.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, các trường ĐH, trong đó có khối trường công an, quân đội, ngoài kiểm soát đầu vào cần siết chặt đầu ra. Chỉ có như vậy mới đánh giá được chính xác năng lực của học sinh. Nếu sinh viên cứ vào được là ra trường như hiện nay, được phân công việc ổn định, gian lận thi cử dễ xảy ra.

Đồng quan điểm trên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GDĐT cho hay giải pháp căn cơ để hạn chế gian lận thi cử là trường ĐH siết chặt đào tạo. Ngoài việc nâng cao chất lượng, cần có sự đánh giá sao cho khách quan, chuẩn xác.

Nói về quá trình thanh lọc sinh viên, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ đặc thù ngành y phức tạp, nhiều em thi đỗ nhưng không có năng lực, không theo học được. Nhà trường có hệ thống đảm bảo chất lượng và đánh giá năng lực sinh viên rất nghiêm túc và khách quan. Vì vậy, các thí sinh phải cân nhắc trước khi nộp hồ sơ vào trường.

Còn tại trường ĐH Bách Khoa - Hà Nội, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng, cho hay: mỗi năm, trường cho thôi học khoảng 700-800 em. Số sinh viên này phần lớn do mải chơi chứ không phải do chương trình quá khó.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường ĐH- CĐ đang chạy theo việc mở rộng quy mô mà không chú trọng chất lượng đào tạo, khiến tỷ lệ cử nhân sau ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 lao động trình độ ĐH trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Trường ĐH không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như thị trường lao động.

Giám sát quá trình tuyển sinh

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành nhiều thời gian giải trình về một trong những vấn đề được nhiều đại biểu, nhân dân và cử tri quan tâm là đổi mới thi cử. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua thi cử và xét công nhận phổ thông đã được đổi mới theo hướng giảm áp lực và ít tốn kém cho xã hội. Lộ trình đặt ra, giai đoạn 2015-2020 kỳ thi quốc gia phải đánh giá được năng lực của học sinh THPT, làm cơ sở cho xét tuyển ĐH- CĐ.

Năm 2018, sau khi xảy ra sự việc gian lận thi cử tại một số địa phương, gây chấn động dư luận xã hội, Bộ GDĐT cùng các ngành chức năng đã vào cuộc với tinh thần, xử lý kiên quyết, sai đến đâu, xử đến đấy. Đến nay đã xử lý được 11 người vi phạm pháp luật và 151 em học sinh vi phạm quy chế thi THPT quốc gia. Từ những sai phạm nói trên, các cơ quan chức năng đã rà soát lại toàn bộ quy trình chấm thi và thấy rằng, một số khâu cần phải khắc phục tốt hơn. Riêng khâu công nghệ dẫn đến sơ hở thì ngành giáo dục chưa lường được hết.

Trong năm tới, Bộ GDĐTsẽ tiếp tục ổn định kỳ thi. Đề thi bám sát kiến thức phổ thông, trong đó phân hóa mức độ cần thiết để làm cơ sở tuyển sinh ĐH-CĐ. Theo Bộ trưởng, những năm trước có trường hợp 8 điểm cũng vào được CĐ sư phạm. Nhưng năm 2018, điểm chuẩn đầu vào đã tăng lên 17-18 điểm cũng nhờ việc xét tuyển qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Còn nếu để các trường yếu mà tự tuyển sinh thì chất lượng đầu vào ồ ạt, còn đầu ra thì rất kém. Do đó, giám sát quá trình tuyển sinh sẽ được coi trọng.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/kien-quyet-chong-gian-lan-thi-cu-tintuc421151