Kiến nghị tư nhân đầu tư cảng Liển Chiểu: Khó hiểu...

Nhà nước chọn phần khó, phần ngon nhường tư nhân nhưng trách nhiệm đóng góp không rõ ràng thì nguy cơ thất thu rất lớn.

Đà Nẵng vừa có văn bản xin đầu đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu theo hình thức huy động, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các khu bến cảng, bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng. Chủ trương trên của Đà Nẵng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.

Đà Nẵng nên đầu tư cảng mới hay cải tạo, phát triển cảng đã có? Ảnh: Baodautu

Đà Nẵng nên đầu tư cảng mới hay cải tạo, phát triển cảng đã có? Ảnh: Baodautu

Nhận định chung, GS Đặng Đình Đào (ĐH KTQD) khẳng định, Đà Nẵng là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển. Đầu tư cảng Liên Chiểu cũng là một trong nhiều giải pháp nhằm giúp Đà Nẵng khang trang, phát triển, trở thành khu kinh tế trọng điểm của miền Trung.

Tuy nhiên, đó là kỳ vọng, còn thực tế vị GS cho biết, Đà Nẵng đã có một cảng Tiên Sa với vị trí, điều kiện hạ tầng sẵn có lại mới được mở rộng đầu tư, rất thuận lợi để phát triển làm cảng nước sâu, nhưng lại không được chú ý quy hoạch bài bản từ đầu, thay vào đó để các nhà đầu tư bất động sản nhảy vào sân sau của cảng Tiên Sa biến thành khu du lịch, nắm giữ hàng loạt diện tích lớn để rồi lại tính phương án xây dựng thêm cảng Liên Chiểu với mức đầu tư rất tốn kém cho nạo vét, xây cầu, kè… gần 35 nghìn tỷ đồng, nhưng diện tích eo hẹp chỉ 20 ha đã là rất không ổn.

Hơn nữa, lại kêu gọi tư nhân đầu tư với mục đích phát triển, hình thành khu đô thị cảng khiến vị GS e ngại số phận cảng Tiên Sa có thể lặp lại với chính Liên Chiểu.

Phân tích cụ thể hơn, GS Đặng Đình Đào chỉ rõ mấy vấn đề:

Thứ nhất, diện tích quy hoạch dành cho cảng Liên Chiểu rất hạn chế, chưa tương xứng với một trung tâm logistics hạng 1.

Nếu giải phóng mặt bằng tối đa cũng chỉ thu được khoảng 50 - 70 ha, rất khó bởi quy hoạch tầm nhìn cho một trung tâm logistics hạng 1 tầm cỡ khu vực và thế giới phải lên tới hàng trăm, hàng nghìn hec-ta.

Diện tích quy hoạch hạn chế như vậy nhưng Đà Nẵng lại tính hình thành khu đô thị cảng ở đây là điều rất khó hiểu.

"Đi cùng với khu đô thị cảng sẽ là những khu hạ tầng phục vụ phát triển logistics nhưng cũng sẽ bao gồm cả những hoạt động kinh doanh BĐS, các hoạt động thương mại... Đà Nẵng lấy đâu ra đất để làm?", vị GS đặt câu hỏi.

Thứ hai, vấn đề của Tiên Sa là tình trạng cảng biển kết nối rất kém với hệ thống giao thông quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường sắt.

Chính vì thế áp lực vận tải không được giảm tải, tai nạn, ùn tắc liên tiếp xảy ra trong khi hệ thống đường sắt bị bỏ lãng phí, đường thủy không khai thác được, hàng loạt các phương tiện vận tải ra vào cảng bị ùn tắc nghiêm trọng và về đêm nằm la liệt trên các tuyến phố vào cảng gây nhếch nhác, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Nếu khôi phục lại đường sắt, kết nối với cảng Tiên Sa để tận dụng cơ sở hạ tầng sẽ giúp cảng Tiên Sa giải quyết được vấn đề đang tồn tại.

Như vậy, để phát triển và phát huy được lợi thế của cảng biển Đà Nẵng cần phải tư duy so sánh phương án cải tạo cảng Tiên Sa hay đầu tư cảng Liên Chiểu bên cạnh cảng Chân Mây có sẵn vừa tốn kém, lại không chắc chắn về hiệu quả?

"Triển vọng nguồn hàng trung chuyển và qua cảng Đà Nẵng từ hành lang kinh tế Đông –Tây hay từ các tỉnh vùng kinh tế miền Trung là không thực tế. Lưu lượng hàng hóa vào cảng Đà Nẵng hiện tại chỉ bằng 1/10 của cảng Hải Phòng, vậy tiếp tục làm cảng Liên Chiểu liệu có thật sự vì mục đích phát triển logistics, phát triển cảng biển hay vì mục tiêu hình thành khu đô thị cảng, vì phát triển BĐS, các dự án nghỉ dưỡng?", vị GS hỏi tiếp.

Đặt câu hỏi như vậy, GS Đặng Đình Đào lo ngại nếu không tính toán thận trọng cảng Liên Chiểu sau khi hình thành sẽ lại rơi vào thế mắc kẹt như cảng Tiên Sa.

Logistics và giấc mơ cạnh tranh với Trung Quốc

Thứ ba, theo đề án, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng vốn đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm 87,4% tổng mức đầu tư, tức là ngân sách gần như đã đầu tư hết phần cơ bản, phần khó, phần ngon nhường lại cho tư nhân.

"Các hạng mục cảng Liên Chiểu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là các khu bến cảng, bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng... đây là những phần tiềm năng, có khả năng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư lại để tư nhân làm.

Nếu không tách bạch, rõ ràng vấn đề này, đầu tư cảng biển sẽ giống đầu tư sân bay, hàng không, phần khó nhà nước làm, phần lợi nhường tư nhân nhưng trách nhiệm đóng góp lại nhỏ giọt, nhập nhèm ngân sách chịu thiệt, lợi ích chảy vào túi tư nhân", vị GS cảnh báo.

Kết luận lại với dự án cảng Liên Chiểu, GS Đặng Đình Đào vẫn cho rằng nên cân nhắc lại chủ trương đầu tư. Vị GS cho rằng, để phát triển và phát huy được lợi thế của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, tiềm năng biển thì phải có tầm nhìn dài hạn, không thể tư duy manh mún, kiểu mỗi địa phương một cảng biển được, hay mỗi nhà đầu tư lớn vào địa phương đều có cảng biển của riêng mình.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/kien-nghi-tu-nhan-dau-tu-cang-lien-chieu-kho-hieu-3400391/