Kiến nghị tiêm phòng sởi cho trẻ sớm hơn quy định

'Theo quy định trẻ 9 tháng tuổi sẽ tiêm phòng sởi. Tuy nhiên, hiện nay do miễn dịch cộng đồng giảm xuống, chúng tôi cũng đang có khuyến cáo và đề nghị với Bộ Y tế, quyết định tiêm chủng phòng sởi cho các cháu sớm hơn và có thể là tiêm khi 6 tháng tuổi', PGS. TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Gia tăng số ca bệnh sởi

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, những năm trước, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca sởi/năm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2018, số ca mắc sởi được điều trị tại Bệnh viện tăng lên đến hơn 250 ca. Vào thời điểm hiện tại, có khoảng 20 trường hợp mắc sởi đang nằm điều trị tại Bệnh viện (so với những tuần trước chỉ khoảng 8 - 10 ca).Trong đó, có bệnh nhân mắc bệnh từ cộng đồng, nhưng cũng có những bệnh nhân mắc do lây nhiễm chéo trong bệnh viện, từ các tuyến chuyển đến, biểu hiện chính vẫn là nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp với nhiễm sởi.

Đơn cử như trường hợp cháu T.B.K (6 tháng tuổi, Thanh Hóa), bị lây bệnh sởi chéo trong quá trình điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ cháu K. cho biết, gia đình đưa con tới Bệnh viện điều trị hen phế quản, nhưng sắp đến ngày được xuất viện, cháu bỗng nhiên bị sốt, người nổi ban đỏ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định cháu bị mắc sởi nên phải xuống điều trị tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện.

Tương tự, cũng có con (8 tháng tuổi) bị mắc sởi khi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, chị Nguyễn Thị Vê (xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh) cho biết, ban đầu thấy bé sốt, cứ nghĩ là con sốt mọc răng. Sau đó con bị sốt cao nên chị đã đưa vào bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây không tìm ra nguyên nhân. Tiếp đó ít ngày, bé lại càng sốt cao không giảm và có một số triệu chứng cứng cổ, nôn ói nên gia đình đưa bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi cấp cứu và hiện cháu đã phải chuyển vào phòng cách ly.

Lượng bệnh nhi nhập viện điều trị sởi ngày càng gia tăng.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, suy dinh dưỡng nặng… Khi đó, trẻ nên được cách ly ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa.

Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhi, các bậc phụ huynh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.

Đáng lo ngại, cách đây hơn 1 tháng, Bệnh viện còn tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp nhiễm sởi sơ sinh (14 ngày tuổi).Theo các bác sĩ, hầu hết các trường hợp mắc bệnh trên là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vắc xin đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch. Các trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ đều có khả năng bị bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài ra, nhiều bác sĩ lo ngại, gần đây số ca mắc sởi thường nặng hơn vì nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp…

Tiêm vắc xin phòng bệnh hiệu quả

Lý giải cho câu hỏi, vì sao hiện nay số ca mắc bệnh sởi ngày một tăng, đặc biệt là trẻ em, PGS Trần Minh Điển cho biết: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém.

Thông thường, sởi là căn bệnh thường gặp ở trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc hơn. Bởi một bà mẹ đang ở tuổi sinh đẻ có miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch thụ động do tiêm vắc xin phòng ngừa vi rút sởi thì em bé trong bụng cũng được mẹ truyền miễn dịch qua nhau thai. Đến khi ra đời được khoảng 9 tháng tuổi, nồng độ kháng thể đó sẽ giảm bớt thì lúc đó là thời điểm đi tiêm vắc xin cho trẻ.

Nhưng hiện nay, nhiều trẻ mắc sởi ngay cả trước khi tiêm phòng sởi và thậm chí sau khi sinh.“Điều này hoàn toàn bình thường và có thể lý giải do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh”, PGS Trần Minh Điển phân tích.

Bởi vậy, cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh.Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%.Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hiện nay, do miễn dịch cộng đồng đang giảm xuống nên các chuyên gia y tế cũng đang có đề nghị với Bộ Y tế để tiến hành tiêm chủng phòng sởi cho các cháu sớm hơn, có thể là tiêm khi 6 tháng tuổi. Đặc biệt, đối với các bà mẹ đang trong lứa tuổi sinh đẻ, trước khi có thai nên đi tiêm phòng sởi và rubella.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kien-nghi-tiem-phong-soi-cho-tre-som-hon-quy-dinh-80964.html