Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát nạn tận diệt các loài chim di cư

18 tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã vừa có thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về các giải pháp cấp bách để kiểm soát nạn tận diệt các loài chim hoang dã, chim di cư.

Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông tin với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus chiều nay, 25/5, Cục Bảo tôn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết vấn đề bảo tồn chim hoang dã, chim di cư ngày càng được quan tâm do vấn nạn buôn bán tràn lan rất phức tạp, dẫn đến đe dọa đa dạng sinh học Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh liên quan đến động vật hoang dã.

Trước tình trạng đó, 18 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã (gọi tắt là các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã) đã đồng ký thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải có giải pháp cấp bách kiểm soát thực trạng nêu trên, qua đó góp phần bảo tồn bền vững các loài chim hoang dã, chim di cư.

Nỗi lo từ vấn nạn tận diệt chim trời

Theo nội dung thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, tại Việt Nam nạn buôn bán tràn lan các loài chim hoang dã trên quy mô cả nước mà báo chí (đặc biệt là Báo Điện tử VietnamPlus) đưa tin gần đây có thể làm bùng phát thêm các dịch bệnh khác có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nguy cơ hủy hoại những nỗ lực và thành quả phòng chống đại dịch COVID-19 cũng như gây lo lắng trong toàn dân.

Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cũng đã có các bằng chứng khoa học khẳng định khoảng hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, nhất là động vật hoang dã. Trong đó, dịch SARS-2002, cúm gia cầm,… đều có liên quan đến các chợ buôn bán động vật hoang dã, chim hoang dã.

Với lợi thế là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chi di cư Đông Á - Úc Châu, từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 34 của Chương trình Hợp tác Đối tác Đường bay Chim di cư Đông Á - Úc Châu (EAAFP). Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cùng 84 quốc gia trên thế giới cam kết chấm dứt chuỗi cung ứng và buôn bán động vật hoang dã trái phép, hợp tác với các cộng đồng quốc tế để đảm bảo các giải pháp bền vững.

Mặc dù vậy, tình trạng săn bắt, buôn bán chim hoang dã, chim di cư trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm đã và đang tồn tại công khai rất lâu tại nhiều địa phương (đặc biệt là tại một số điểm nóng quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển như Vườn quốc gia Cát Bà, Xuân Thủy, Tràm Chim và các tỉnh miền Tây như chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa ở tỉnh Long An, chợ chim Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp) đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, các chức năng của hệ sinh thái và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

Cho đến nay, rất nhiều loài chim hoang dã, chim di cư quý, hiếm của Việt Nam và thế giới đã bị bẫy bắt, giết thịt, tàng trữ, tiêu thụ tại các chuỗi nhà hàng trên toàn quốc cũng như tại các cơ sở buôn bán chim hoang dã, thách thức cơ quan thực thi pháp luật. Thực trạng này cũng đã được phản ánh trong rất nhiều phóng sự điều tra của báo chí gần đây, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Các loài chim hoang dã được bày bán công khai tại chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Các tổ chức bảo tồn đánh giá cao số lượng các văn bản pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam đã ban hành nhưng sự thiếu vắng các quy định cụ thể về bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư. Điều này đã khiến công tác thực thi pháp luật chưa đạt hiểu quả như mong đợi.

Đặc biệt, phần lớn các loài chim hoang dã và đa số các loài chim di cư hiện không nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ bởi Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP, nên lực lượng chức năng không có căn cứ pháp luật để xử lý hoặc xử lý ở mức chế tài thấp, không mang tính răn đe.

Gắn trách nhiệm, kỷ luật nghiêm minh

Để duy trì quần thể chim hoang dã, chim di cư, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ chức năng hệ sinh thái và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh, các tổ chức nói trên đề xuất Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Đầu tiên là, các bộ, ngành, địa phương cần phải chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý kỷ luật các đơn vị không thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Đặc biệt là gắn trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho Ủy ban Nhân dân các cấp.

Các giải pháp tiếp theo là sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, đặc biệt là các loài có vai trò thụ phấn; tăng cường chế tài xử lý các vi phạm có liên quan; ban hành văn bản nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến các công cụ bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, dự chế khác; ban hành văn bản nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán chim hoang dã, chim di cư.

Giải pháp cuối cùng là xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; tham gia Công ước Quốc tế về các loài di cư (CMS).

“Chúng tôi tin tưởng rằng các quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cũng như các loài hoang dã nói chung là hành động có ý nghĩa, thiết thực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết nhằm đảo ngược xu thế mất đa dạng sinh học trên toàn cầu vào năm 2030 đồng thời ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng phát các dịch bệnh do buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã gây ra,” các tổ chức chia sẻ và khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong tiến trình quan trọng này./.

18 tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã gửi thư ngỏ gồm:

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam; Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên; Trung tâm Con người và Thiên nhiên; Tổ chức Động vật Châu Á; Tổ chức FFI; Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã; Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam; Tổ chức WCS-Chương trình Việt Nam; Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển; HIS Việt Nam; Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã; Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Nước Việt; Tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy; Tổ chức Free the Bears; Trung tâm GreenViet; Tổ chức Bảo tồn Indo-Myanmar; Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kien-nghi-thu-tuong-chi-dao-kiem-soat-nan-tan-diet-cac-loai-chim-di-cu/715245.vnp