Kiến nghị thay đổi điều khoản để xóa 'độc quyền' chiếu xạ trái cây vào Mỹ

Để chống 'độc quyền' trong thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ mà TBKTSG Online đã phản ánh, Cục Bảo vệ thực vật có kiến nghị với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) sửa đổi và ký lại bản kế hoạch thực hiện chiếu xạ.

 Kiến nghị thay đổi điều khoản để xóa tình trạng độc quyền chiếu xạ trái cây vào Mỹ. Trong ảnh là nhân công của một doanh nghiệp bao gói trái cây xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Kiến nghị thay đổi điều khoản để xóa tình trạng độc quyền chiếu xạ trái cây vào Mỹ. Trong ảnh là nhân công của một doanh nghiệp bao gói trái cây xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung nêu trên được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại văn bản số 1512/BVTV-KD ngày 14-6 về việc tham gia chương trình chiếu xạ quả tươi xuất khẩu vào Mỹ.

Theo ông Trung, các quốc gia muốn xuất khẩu quả tươi sang Mỹ phải thực hiện chương trình chiếu xạ theo quy định của quốc gia này. Để tham gia chương trình đó, trước hết phải ký với APHIS bản kế hoạch thực hiện chiếu xạ, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Bảo vệ thực vật quốc gia của nước xuất khẩu, các cơ sở đóng gói, cơ sở chiếu xạ và đặc biệt là của Cooperator, tức là người đại diện của các doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà đóng gói, các cơ sở chiếu xạ để ký với APHIS thỏa thuận hợp tác và kế hoạch tài chính thực hiện chương trình chiếu xạ cũng như chịu trách nhiệm chi trả cho các hoạt động của APHIS liên quan đến chương trình này.

Ông Trung cho biết, năm 2008, Cục Bảo vệ thực vật đã ký với APHIS kế hoạch thực hiện chiếu xạ (và ký lại vào 2013). “Tại thời điểm đó, do không có các doanh nghiệp tham gia nên Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Sơn Sơn một mình chịu tất cả chi phí cho Việt Nam tham gia chương trình và đóng vai trò là Cooperator”, ông giải thích.

Tại mục 6.3 trong kế hoạch thực hiện quy định chiếu xạ để được APHIS chứng nhận cơ sở chiếu xạ, thì trước hết lãnh đạo cơ sở chiếu xạ phải nộp hồ sơ cho Trung tâm khoa học và công nghệ kiểm dịch thực vật thuộc APHIS bao gồm văn bản của Cooperator ghi rõ là “cơ sở chiếu xạ đề nghị tham gia chương trình đáp ứng tất cả các yêu cầu về tài chính theo quy định kèm theo đơn xin tham gia chương trình chiếu xạ”.

Tuy nhiên, Cooperator hiện nay là Công ty cổ phần thủy hải sản Sơn Sơn lại cố tình ngăn không cho cơ sở chiếu xạ mới tham gia thị trường chiếu xạ khi không xác nhận thỏa thuận cam kết tài chính cho đơn vị mới, mà cụ thể ở đây là Công ty TNHH Toàn Phát (Long An).

Để thúc đẩy vấn đề nêu trên, ông Trung cho biết, Cục bảo vệ thực vật đã nhiều lần tổ chức họp với Sơn Sơn và Toàn Phát, yêu cầu Sơn Sơn đồng ý cho Toàn Phát tham gia chương trình (tức xác nhận cam kết nghĩa vụ tài chính của Toàn Phát- PV). “Tuy nhiên, cho đến nay hai doanh nghiệp vẫn chưa đạt được thỏa thuận, trong đó, Sơn Sơn vẫn khẳng định Công ty Toàn Phát chỉ được tham gia sau khi hoàn tất kế hoạch tài chính mà Sơn Sơn đã ký với APHIS (có hiệu lực đến 2023)”, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Phát cho biết, lập luận Sơn Sơn đã ký hợp đồng dịch vụ 5 năm với APHIS, tức đến năm 2023 mới kết thúc là không chính xác. Bởi, quy định của APHIS về tài khóa là một năm tài khóa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc trước 31-5 năm sau. Trong đó, việc thực hiện cam kết tài chính được chia ra làm bốn đợt gồm: đợt một, bắt đầu từ tháng 9 hàng năm; đợt hai, kết thúc trước 30-11; đợt 3 kết thúc trước 1-3 và đợt cuối cùng phải kết thúc trước 31-5 hàng năm.

Chính vì vậy, để xử lý vấn đề nêu trên, tránh nguy cơ độc quyền hoặc nguy cơ doanh nghiệp là Cooperator ngăn các cơ sở chiếu xạ mới tham gia chương trình, Cục bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi APHIS yêu cầu sửa đổi và ký lại kế hoạch thực hiện chiếu xạ, trong đó, tại mục 6.3 sẽ chuyển trách nhiệm Cooperator cho Cơ quan bảo vệ quốc gia của nước xuất khẩu (Cục Bảo vệ thực vật).

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290152/kien-nghi-thay-doi-dieu-khoan-de-xoa-doc-quyen-chieu-xa-trai-cay-vao-my.html