Kiến nghị tăng giờ làm thêm lên tối đa 600 giờ/năm

Quy định tổng số giờ làm thêm tối đa bị hạn chế ở mức 200 giờ/năm chưa phù hợp với ngành nghề sản xuất trực tiếp, hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Góp ý tại hội thảo “Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 18/9, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động đã nêu lên 8 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, bà Lan Anh đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề thời gian làm thêm và cách tính thời gian làm thêm giờ của lao động cũng như vấn đề tiền lương của người lao động.

Làm thêm từ 500 - 600 giờ/năm vẫn đảm bảo sức khỏe

Theo bà Lan Anh, luật hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam bị hạn chế ở mức 200 giờ/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang "cạnh tranh lao động" với Việt Nam.

Bên cạnh đó, do năng suất lao động của người lao động Việt Nam còn thấp, tỷ tọng các ngành nghề thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn nên nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu thực tế, để góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

"Thời gian làm thêm trên cũng chưa phù hợp với ngành nghề sản xuất trực tiếp, do đó đã hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", bà Lan Anh đánh giá.

Do đó, Phó Tổng thư ký VCCI kiến nghị, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ nên quy định theo năm. Thậm chí, việc quy định thời gian làm thêm từ 500 - 600 giờ/năm vẫn đảm bảo sức khỏe cho người lao động, miễn là đảm bảo số giờ thêm của người lao động không quá 500 giờ/năm, trừ một số ngành nghề, công việc được làm thêm giờ không quá 600 giờ/năm.

Cụ thể, bà Lan Anh đề xuất các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm từ trên 500 giờ đến 600 giờ trong một năm: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho các sản phẩm nêu trên, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước được...

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động

Tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam đang cao hơn nhiều quốc gia

Về tiền lương làm thêm giờ, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia. Quy định mới sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao, khó quản lý, theo dõi và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phó Tổng thư ký VCCI đề xuất, lương trả cho người lao động làm thêm giờ vào ngày bình thường được tính ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết… ít nhất bằng 300%. Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Hồng, Đại học Lao động – Xã hội cho rằng, không nên đưa "phích cứng" các quy định về mức lương lũy tiến làm thêm vào luật mà chỉ nên đưa ra là khuyến nghị để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận. Cần tăng cường năng lực của người lao động để họ tự thỏa thuận về lương lũy tiến.

Hiện nay, không có quy định một người lao động phải làm việc tại một doanh nghiệp duy nhất. Nên nếu một người lao động không được làm thêm ngoài giờ tại doanh nghiệp họ đang làm chính, họ có thể sang làm thêm ở một doanh nghiệp khác nhưng chỉ được hưởng lương như giờ lao động bình thường. Như vậy, thiệt thòi sẽ thuộc về người lao động.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng lưu ý rằng, cần tính toán số giờ làm thêm giờ và mức lương lũy tiền làm thêm cho phù hợp để người lao động không vì "chạy" theo việc tăng thu nhập mà làm thêm quá sức, bỏ qua những cảnh báo về sức khỏe.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng: "Việc tăng giờ làm thêm không chỉ là vấn đề tăng thu nhập cho người lao động mà còn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp".

Theo ông Dương: "Có những đơn hàng phải hoàn thành gấp trong thời gian ngắn 10 ngày, 1 tháng nhưng nếu không cho tăng ca, tăng giờ làm thì không thể hoàn thành được. Như vậy hợp đồng bị phá vỡ, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp lẫn người lao động".

HOÀNG HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/kien-nghi-tang-gio-lam-them-len-toi-da-600-gionam-3520988.html