Kiến nghị sửa Thông tư về thuốc bảo vệ thực vật để gỡ khó cho DN

Hiện Thông tư số 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong thực phẩm chưa bắt kịp với quy định lưu hành thuốc BVTV theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đó là phản ánh của Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Hokkaido Lotus (Lâm Đồng) về những vướng mắc khi sử dụng thuốc BVTV trong quy trình canh tác dâu tây của Nhật Bản.

Theo dẫn chứng của Công ty, có những hoạt chất cùng nồng độ đăng ký, nhưng tùy thuộc nhà sản xuất/tổ chức đăng ký mà trên bao bì hướng dẫn sử dụng sản phẩm ghi có thể trị được ba loại đối tượng gây hại hoặc ghi trị được một loại đối tượng gây hại. Tuy không đồng nhất nhưng về bản chất thì cùng là một hoạt chất, có thể đặc hiệu trên phổ rộng/hẹp về đối tượng gây hại.

Ví dụ: Cùng một hoạt chất Abamectin có hai loại sản phẩm cùng nồng độ và loại quy cách “1.8EC” nhưng đối tượng phòng trừ lại không đồng nhất. Abafax 1.8EC ghi trị sâu đục thân, sâu cuốn lá/lúa; bọ cánh tơ/chè. Còn Abasuper 1.8EC ghi trị sâu đục thân, rầy nâu, bọ xít, bọ trĩ, sâu cuốn lá, nhện gié/lúa; sâu tơ/bắp cải; dòi đục lá/cà chua; rệp muội/đậu tương; rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, nhện đỏ/cam; rầy bông, sâu ăn bông/xoài.

Đối với hai hoạt chất Etoxazole và Pymetrozine: Hoạt chất Etoxazole (có trong sản phẩm Borneo 11SC được Sumitomo Chemical Việt Nam sản xuất và phân phối trên thị trường), theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT thì hoạt chất này chỉ được dùng/đăng ký trị nhện đỏ trên cây cam. Nhưng theo tài liệu canh tác dâu tây của Nhật Bản, hoạt chất này vẫn có thể sử dụng trị nhện đỏ/nhện hai chấm trên dâu tây.

Hoạt chất Pymetrozine (có trong sản phẩm Chess 50WG được Sygenta Việt Nam sản xuất và phân phối trên thị trường), theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT thì hoạt chất này chỉ được dùng/đăng ký trị rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ phấn trên lúa và bọ trĩ, rầy bông trên xoài. Nhưng theo tài liệu canh tác dâu tây của Nhật Bản, hoạt chất này còn có thể sử dụng trên dâu tây trong điều trị rệp/rầy mềm.

Hiện Thông tư số 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm chưa bắt kịp với quy định lưu hành thuốc BVTV theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT.

Chẳng hạn, hai hoạt chất Etoxazole và Pymetrozine, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT đều có các loại thuốc BVTV được phép lưu hành trên thị trường, nhưng nếu khi sử dụng trên cây trồng, để kiểm tra tồn dư, đặc biệt giới hạn tồn dư cho phép theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT lại không có quy định về các hoạt chất nêu trên. Điều này gây khó khăn cho tổ chức/cá nhân tham gia canh tác nông nghiệp khi quản lý kiểm nghiệm hiệu quả đối với đơn vị mình.

Từ những vướng mắc nêu trên, Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Hokkaido Lotus đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có điều chỉnh để sát với thực tiễn sản xuất và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Điều 48 và Điều 55 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, thuốc BVTV là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, phải được quản lý theo danh mục và việc khảo nghiệm thuốc BVTV phải thực hiện đối với tất cả thuốc trước khi đăng ký vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trên cơ sở của các quy định hiện hành về quản lý thuốc BVTV, cơ chế và phương thức tác động của từng loại thuốc, chiến lược kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại thuốc mà nhà sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn đăng ký phòng trừ các sinh vật gây hại khác nhau vào Danh mục.

Bên cạnh đó, để đăng ký phòng trừ đối tượng sinh vật gây hại/cây trồng vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, loại thuốc BVTV đó phải thực hiện khảo nghiệm tại các tổ chức đủ kiện thực hiện khảo nghiệm và kết quả phải đáp ứng các quy định hiện hành về quản lý thuốc BVTV.

Trình tự, thủ tục tiến hành được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc BVTV.

Mặt khác, theo quy định về quản lý thuốc BVTV việc hướng dẫn sử dụng thuốc trên nhãn, bao bì sản phẩm phải đúng với các quy định hiện hành, đúng với Giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV do Cục Bảo vệ thực vật cấp và đúng theo Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Vì các lý do nêu trên, có những thuốc có cùng hoạt chất, cùng dạng thuốc và hàm lượng nhưng trên nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc lại có thể phòng trừ các sinh vật gây hại như Công ty đã nêu.

Đối với giá trị liên quan đến MRLs (giới hạn dư lượng tối đa), hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang kiến nghị rà soát, bổ sung, sửa đổi Thông tư số 50/2016/TT-BYT theo hướng cập nhật các giá trị MRLs của CODEX, ASEAN và một số các quốc gia khác để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/kien-nghi-sua-thong-tu-ve-thuoc-bao-ve-thuc-vat-de-go-kho-cho-dn/426598.vgp