Kiến nghị làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam tiết kiệm 32 tỷ USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gửi tới Thủ tướng, với tổng mức đầu tư khoảng 26 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản báo cáo phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gửi tới Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra.

Theo đó, dựa trên các phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan, Bộ KH&ĐT đưa ra phương án xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với 3 kịch bản mà Bộ GTVT đưa ra gồm: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác 80-90km/h đối với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng; Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200km/h và Nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa chỉ khai thác cho tàu khách có tốc độ 320km/h, tốc độ thiết kế 350km/h.

Tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/2/2019, Bộ GTVT đã kiến nghị phương án lựa chọn thực hiện đầu tư dự án theo kịch bản 3 với các nội dung chính, bao gồm: Dự án có mục tiêu để cụ thể hóa chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; quy mô dự án có tổng chiều dài khoảng 1.559km, khổ đường 1.435mm gồm 24 ga, 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 đề - pô, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng; tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác 320km/h; tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng (tương đương 58,7 tỷ USD), vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân chiếm 20% và thời gian thực hiện 2 giai đoạn: từ năm 2020-2032 thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh và Nhà Trang – TP.HCM, từ 2032-2050 thực hiện đầu tư đoạn Vinh – Nha Trang.

Báo cáo nghiên cứu về dự án này, Bộ KH&ĐT đưa ra phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan rằng, việc đề xuất của Bộ GTVT đầu tư tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển.

Bộ KH&ĐT cho rằng, theo số liệu đánh giá của Hà Lan và Đức thì tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam 200km/h là hiệu quả. Nếu tính đến các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm. Với tốc độ khai thác 200km/h, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM khoảng 8 giờ là khá hợp lý.

Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Kiểm toán Nhà nước: Sử dụng vốn ODA chưa hiệu quả, nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ

Thúc tiến độ cải tạo đường sắt Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 10 lần lỡ hẹn: Bộ trưởng GTVT thừa nhận tổng thầu Trung Quốc “thiếu kinh nghiệm”

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/kien-nghi-lam-duong-sat-cao-toc-bac-nam-tiet-kiem-32-ty-usd-3513115.html