Kiến nghị kiểm soát chặt nguồn hàng xuất khẩu

Trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế cao lên hàng xuất khẩu Trung Quốc, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã có thông báo đến các thành viên của hội, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp thành viên không vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất lợi thế xuất khẩu của ngành hàng mình trong tương lai. Mặt khác, thực hiện cơ chế kiểm soát chéo để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng có hướng xử lý kịp thời.

Doanh nghiệp Việt sản xuất giày da xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Theo báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, hiện đang có tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc chủ động điều chỉnh tăng đơn giá gia công hàng hóa đối với những đơn đặt hàng tại Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ. Điều này, trong ngắn hạn sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ tạo ra sự gia tăng đột biến về kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, gây nên nguy cơ bị Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra và bị áp mức thuế cao nếu phát hiện doanh nghiệp nội gia công hàng cho các đối tác Trung Quốc (vốn đang xuất khẩu hàng qua thị trường Mỹ).

Trên thực tế, nếu xác định nghi ngờ có căn cứ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành truy lại lịch sử sản xuất của doanh nghiệp, kiểm tra nguồn đối tác sản xuất và xuất khẩu. Đến lúc đó, không chỉ doanh nghiệp nội sản xuất gia công cho đối tác Trung Quốc bị áp mức thuế xuất khẩu cao mà tất cả doanh nghiệp sản xuất trong ngành hàng đó cũng khó tránh khỏi liên lụy.

Hiện tại, những ngành hàng được xác định là sẽ tiếp nhận lượng lớn đơn hàng gia công với mức chi phí cao từ các doanh nghiệp Trung Quốc là dệt may, da giày. Bởi theo Bộ Công thương, 2 ngành hàng này của Trung Quốc có sản phẩm khá tương đồng với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Tại thị trường Mỹ, hàng xuất khẩu da giày, dệt may của Việt Nam đứng thứ 2 về thị phần sau Trung Quốc. Mặt khác, trong lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày, các doanh nghiệp Trung Quốc rất dễ di dời công đoạn gia công giản đơn để tận dụng xuất xứ từ Việt Nam.

Các hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng xuất khẩu 2 ngành hàng trên nói riêng và danh mục ngành hàng xuất khẩu của Trung Quốc vốn đang bị Chính phủ Mỹ đánh thuế cao nói chung. Đây sẽ là cơ sở để phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, giảm nguy cơ bị Bộ Thương mại Mỹ chính thức mở cuộc điều tra trên diện rộng.

Một vấn đề khác, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, Việt Nam cũng không nên lạc quan quá vào việc hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế. Bởi khi đường vào Mỹ khó hơn, sản phẩm Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn sang khu vực lân cận, nhất là khi thị trường Asean với quy mô dân số 600 triệu dân được đánh giá là thị trường rất tiềm năng. Và với lợi thế quy mô sản xuất lớn, giá thành thấp, các doanh nghiệp nội sẽ khó giữ được thị phần của mình trên sân nhà. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp nội cần tính đến việc đa dạng thị trường và chủ động trong phân khúc tiêu thụ để tránh bị động khi thị trường nội bị hàng Trung Quốc lấn sân.

MINH XUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kien-nghi-kiem-soat-chat-nguon-hang-xuat-khau-533192.html