Kiến nghị hủy bản án ly hôn Trung Nguyên: Định giá tài sản sai thì dễ phải xét xử lại

Luật sư cho rằng, có rất nhiều phương pháp để định giá tài sản doanh nghiệp, mỗi phương pháp lại cho ra một kết quả khác nhau. Việc định giá mà VKSND Tối cao nêu rõ ràng có bất cập, thiếu sót nên rất dễ phải xét xử lại vụ án...

VKSND Tối cao kiến nghị xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên.

VKSND Tối cao kiến nghị xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 12/1, VKSND Tối cao ban hành Quyết định đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao xem xét hủy các bản án, quyết định vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.

VKSND Tối cao cho rằng, các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai. Các công ty có tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm 2 người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo.

Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm chia sẻ: “VKS kiến nghị xem xét lại là vấn đề định giá khi xét xử phân chia tài sản ly hôn. Định giá vốn là một nội dung rất khó trong hoạt động tư pháp, kể cả trong vụ án hình sự lẫn vụ án kinh tế, kinh doanh, thương mại, ly hôn…

Hệ thống pháp luật của chúng ta về định giá tài sản hiện nay còn nhiều vướng mắc. Có rất nhiều phương pháp để đánh giá, định giá tài sản doanh nghiệp nên mỗi phương pháp nó lại cho ra một kết quả khác nhau. Việc định giá các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn có liên quan trong vụ án mà VKSND Tối cao nêu ra rõ ràng có bất cập, thiếu sót nên rất dễ phải xét xử lại vụ án!

Bên cạnh đó, việc phân chia tỷ lệ tài sản giữa chồng và vợ khi được hưởng phải công bằng, pháp luật đánh giá cũng phải có lý. Đành rằng pháp luật đánh giá người có công lớn; tuy nhiên, ưu ái và công bằng trong phân chia tài sản giữa vợ và chồng thì luật lại không quy định.

Luật không quy định thì rất khó cho Tòa khi phải ra một phán quyết chính xác mang tính chất tuyệt đối. Cho nên việc VKSND Tối cao đề nghị xem xét việc định giá tài sản là hoàn toàn hợp lý”.

"Tới đây, có thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét lại vụ án. Còn việc TAND Tối cao có đồng thuận với kiến nghị của VKSND Tối cao hay không thì lại là chuyện khác", luật sư Trương Anh Tú nói thêm.

Sông Yên

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/vksnd-toi-cao-kien-nghi-huy-ban-an-ly-hon-vo-chong-trung-nguyen-2-ho-khong-nen-chung-mot-chuong-chia-tai-san-phai-cong-bang-402917.html