Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày 31/10, tiếp tục phiên làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và thảo luận tại Hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri tỉnh Bạc Liêu đã có những chia sẻ và đánh giá tích cực; đồng thời gửi nhiều ý kiến tâm huyết đến Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Bình Tân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải giám sát có “trọng tâm, đến nơi đến chốn”. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Theo ông Nguyễn Bình Tân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải giám sát có “trọng tâm, đến nơi đến chốn”. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Cử tri Nguyễn Bình Tân (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu) cho rằng, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng, dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn là vấn đề phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, y tế, quản lý và sử dụng tài chính ngân sách, vốn và tài sản tại một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước…

Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa chưa thường xuyên, rộng rãi; vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện tốt và quán triệt sâu sắc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa bám sát thực tế công tác quản lý, điều hành. Thực hiện công khai tài chính ở một số đơn vị chưa đi vào nền nếp nên đã hạn chế hiệu quả của công tác giám sát của tổ chức, đoàn thể quần chúng…

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo ông Nguyễn Bình Tân, cần được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như: Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động…

Cụ thể là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bán quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm túc các biện pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục quản lý tốt công tác thu, chi ngân sách, tiền tài sản của Nhà nước, sử dụng xe ô tô, xe máy, trang thiết bị văn phòng, phương tiện làm việc theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước, tiết kiệm trong mua sắm tài sản, tiết kiệm tối đa chi phí tiếp khách, hạn chế việc tổ chức Hội nghị, hội thảo, lễ hội, sơ kết, tổng kết...

Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây lãng phí, phát hiện ngăn ngừa và xử lý vi phạm tiêu cực tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc tại cơ quan, công sở, quản lý chặt chẽ thời gian lao động.

Đồng thời cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách Nhà nước nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy manh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý. Gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xem đây là “hai mũi giáp công” hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

Cử tri Nguyễn Bình Tân cũng cho rằng cần chú trọng công tác tổng kết, sơ kết quá trình thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các ngành, địa phương. Qua đó nắm bắt được tình hình, tiếp tục phát huy các mặt làm được, chủ động tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế, tồn tại.

Nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo cử tri Phạm Tuấn Tài (Bí thư Tỉnh Đoàn Bạc Liêu), việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, coi đây là quốc sách nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên.

Cử tri Phạm Tuấn Tài, Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: TTXVN phát

Cử tri Phạm Tuấn Tài cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa phù hợp, do một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo , chưa thống nhất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện tại các cơ quan, đơn vị. Công tác xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các địa phương còn chung chung, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm, chưa bám sát vào đặc điểm, đặc thù của ngành để đặt ra chương trình hành động thiết thực. Nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được xây dựng quy mô, tốn kém ngân sách Nhà nước nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, có những công trình đã hoàn thiện nhưng không đưa vào hoạt động gây lãng phí và bức xúc trong người dân.

Cử tri Phạm Tuấn Tài có những kiến nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới như: thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; đào tạo, tập huấn thường xuyên, có trọng tâm đối với đội ngũ cán bộ, công chức triển khai thực hiện; đảm bảo về nguồn lực tài chính; công tác xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước nhằm tạo cơ sở thực hiện đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực chất, chính xác.

Hằng năm các cấp, các ngành, lãnh đạo từng địa phương, đơn vị cần làm rõ trách nhiệm, phạm vi trách nhiệm tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực trọng điểm như: quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản… Đặc biệt, là cần bổ sung thêm những quy định xử phạt cụ thể về hành vi gây lãng phí, có cơ chế, biện pháp hiệu quả trong việc xử lý triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường triển khai Luật vào việc thi hành pháp luật, nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Chanh Đa - Tuấn Kiệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/kien-nghi-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-20221031171238822.htm