Kiến nghị giải pháp cải thiện ùn tắc giao thông khu vực đón trả khách tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất

Trong bối cảnh hành khách và phương tiện đến cảng hàng không ngày càng tăng, tình trạng giao thông lộn xộn ở khu vực đón trả khách tại sân bay cũng vì đó mà tăng lên.

Trong bối cảnh hành khách và phương tiện đến cảng hàng không ngày càng tăng, tình trạng giao thông lộn xộn ở khu vực đón trả khách tại sân bay cũng vì đó mà tăng lên. Bài viết thực hiện ghi nhận và đánh giá thực trạng khai thác khu vực đón trả khách tại CHKQT Tân Sơn Nhất. Sau quá trình quan sát, ghi nhận dữ liệu cụ thể ở những thời gian thấp điểm cũng như cao điểm, và khảo sát nhanh một số hành khách, đề tài đã phân tích thực trạng và nguyên nhân của tình trạng giao thông hỗn độn tại khu vực đón trả khách nhà ga quốc nội CHKQT Tân Sơn Nhất. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp để cải thiện tình trạng giao thông tắc nghẽn và hỗn độn này.

LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Khu vực đón trả khách ở CHK ngày cảng trở thành vấn đề quan tâm. Một mặt, các sân bay đang tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm của khách hàng trong bối cảnh lưu lượng hành khách tiếp tục tăng gây ra tắc nghẽn. Nhiều sân bay đã bị tắc nghẽn đáng kể trên đường tiếp cận và khu vực đón trả khách, thường là do vị trí địa lý hoặc hạn chế sử dụng đất. Mặt khác, lưu lượng giao thông ngày càng tăng nhưng thiết kế và sức chứa của khu vực này thường bị hạn chế bởi nhà ga và các cơ sở hạ tầng khác trong khu vực công cộng. Vì việc mở rộng khả năng đáp ứng của khu vực đón trả khách đòi hỏi xem xét lại quy hoạch nhà ga, quy hoạch sân bay và thường tốn nhiều chi phí, cách hợp lý hơn để nâng cao hiệu quả cung ứng là tìm kiếm những giải pháp thực tiễn tốt nhất để cải thiện công suất của mình.

CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất từ lâu được xem là đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế của cả Miền Nam. Được xây dựng từ năm 1930 qua nhiều lần cải tiến với công suất thiết kế nhà ga T1,T2 năm 2018 là đón 28 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, đã quá tải khi lượng hành khách lên tới 38.4 triệu khách/năm (2018) và năm 2019 là 40.6 triệu khách/năm.[2] Chưa dừng lại ở đó, theo quy hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2030 có khoảng 50 triệu lượt hành khách thông qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhưng ngay từ đầu năm 2020, lượng hành khách qua đây đã lên đến 41 triệu lượt.[3] Do vậy, áp lực tại sân bay này rất lớn. Chính vì lẽ đó mà áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tại CHK nói chung hay làm sao phân bổ luồng giao thông di chuyển vào nhà ga quốc nội nói riêng được xuyên suốt, hành khách vào ga thuận tiện và nhanh là vấn đề nan giải hiện nay.

Từ những lý do trên, nhóm thực hiện nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng khai thác khu vực đón trả khách ở khu vực nhà ga quốc nội, CHKQT Tân Sơn Nhất, từ đó đề xuất một số giải pháp để cải thiện hiệu quả việc phân bổ luồng di chuyển bên ngoài nhà ga, để hành lang cũng như luồng di chuyển trở nên thoáng đãng và thông suốt.

KHUNG PHÂN TÍCH

2.1 Phương pháp thực hiện nghiên cứu và dữ liệu

Bài báo thực hiện theo phương pháp định tính. Dữ liệu được thu thập qua hình thức quan sát, ghi nhận và phỏng vấn. Thông tin về đặc điểm giao thông được quan sát và ghi nhận cả thời gian thấp điểm và cao điểm trong ngày. Các thông số về cơ sở hạ tầng đến từ việc đếm và đo đạc trực tiếp. Ngoài ra, nhóm còn thực hiện khảo sát nhanh 155 người có tham gia vào luồng giao thông tại khu vực đón trả khách nhằm tìm ra nhu cầu cụ thể của họ.

2.2 Khu vực đón trả khách (airport curbside) và đặc điểm giao thông

Khu vực đón trả khách của CHK (airport curbside) là thường đường một chiều nằm ngay phía trước các nhà ga, nơi các phương tiện dừng lại đón và trả khách hàng không và hành lý của họ. Đường ở khu vực đón trả khách thường bao gồm (1) các làn đường bên trong nơi các phương tiện dừng hoặc đứng theo cách quay đầu xe trong khi hành khách lên và xuống xe, (2) làn đường điều khiển liền kề và (3) một hoặc nhiều làn qua hoặc đường tránh. Không gian khu vực đón trả khách thường được phân bổ riêng biệt hoặc dành riêng cho các phương tiện hoặc loại phương tiện cụ thể (ví dụ: taxi, xe buýt đưa đón hoặc xe hơi riêng) (ACRP, 2010).

Khu vực đón trả khách đón nhận nhiều loại phương tiện vận chuyển khác nhau, từ xe hơi cá nhân, xe buýt, và người đi bộ trong khi vẫn phải đảm bảo được vấn đề an ninh khai thác. Công việc khai thác khu vực đón trả khách của CHK phải đảm bảo 3 mục tiêu chính: đạt hiệu quả khai thác cao nhất, an toàn, an ninh và trải nghiệm khách hàng.

2.3 Các đặc trưng của giao thông trên khu vực đón trả khách

Theo ACRP (2010), những điều làm cho bản chất giao thông ở khu vực đón trả khách sân bay trở nên khác biệt bao gồm:

Những người lái xe không quen thuộc

Không giống như những người đi làm trong đường đô thị quen thuộc, đường sân bay thường ít quen thuộc với người lái xe, và do đó, họ cần phải quan sát kỹ các bảng biểu chỉ dẫn. Đây cũng là hoạt động khó khăn vì người lái xe phải nhận thức được toàn bộ tình huống giao thông như người đi bộ, các phương tiện cơ giới khác, các biển báo giao thông, tìm nhóm người họ cần đưa đón trong đám đông.

Số lượng lớn các biển báo hướng phức tạp

Biển báo chỉ đường trên sân bay thường cung cấp nhiều thông tin hơn (tức là nhiều dòng văn bản hơn) so với biển báo trên đường công cộng. Do số lượng, kích thước và độ phức tạp của các biển báo này, người lái xe có thể không nhìn thấy các biển báo quy định hoặc cảnh báo liên quan đến giới hạn chiều cao, tỷ lệ đỗ xe, quy định an ninh, hạn chế sử dụng. Những biển báo này có thể dẫn đến quá tải thông tin và khiến người lái xe ô tô giảm tốc độ trong khi cố gắng đọc biển báo.

Điều kiện căng thẳng

Người lái xe ô tô chạy trên đường sân bay chịu nhiều áp lực hơn người lái xe ô tô thông thường. Sự căng thẳng này là kết quả của việc biết rằng sự chậm trễ nhỏ hoặc rẽ nhầm có thể khiến một người đến quá muộn để kiểm tra hành lý, yêu cầu chỗ ngồi đã đặt trước hoặc chào hành khách đến hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, hoàn toàn bị lỡ chuyến bay. Mỗi hành động trên sân bay là một phần của chuỗi sự kiện, bất kỳ sự kiện nào trong số đó đều có thể xảy ra sai sót và làm gián đoạn hoặc trì hoãn kỳ nghỉ, cuộc họp kinh doanh hoặc sự kiện quan trọng khác

Chính từ những đặc điểm này mà khu vực đón trả khách thường có giao thông phức tạp và dễ bị tắc nghẽn hơn những tuyến đường nội đô hoặc đường giao thông khác.

Ngoài ra, Galagedera, Bandara, & Pasindu, (2014) nêu lên đặc điểm giao thông khu vực đón trả khách phụ thuộc vào thời gian dừng (dwell time), phương tiện (modal choices), số lượng hành khách trên xe (vehicle occupancies), giờ cao điểm (peak hour factor), số lượng xe thực sự có trong bãi đậu xe trong một khoảng thời gian nhất định (parking volume), tổng số phương tiện đỗ lại trong 1 giờ (parking load). Theo đó, việc khai thác các khu vực đón trả khách tại CHK cần phải xem xét đến các yếu tố nêu trên để đảm bảo dòng giao thông xuyên suốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả cao.

PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG

Cơ sở hạ tầng khu vực đón trả khách

Khu vực đón trả khách quốc nội bao gồm 3 luồng chính: sảnh đón xe taxi, sảnh đón xe cá nhân, xe khách, và sảnh đón xe bus. Sảnh đón xe taxi gồm 2 làn đường rộng 5m (làn trong xe được đậu để chờ và làn ngoài di chuyển) và hành lang cho khách đứng chờ rộng 2m . Sức chứa tại làn chờ khách 14 xe. Có 2 khu vực có vạch kẻ đường cho người đi bộ băng qua.

Sảnh đón xe cá nhân, xe khách và dịch vụ công nghệ gồm 2 làn xe rộng 5m và hành lang cho người đi bộ rộng 3m. Khu vực này qui định không dừng xe quá 3 phút khi chờ lấy khách. Trước mỗi vạch cho người đi bộ sẽ có thiết kế gờ giảm tốc, có các trụ quầy dịch vụ xe khách.

Sảnh đón xe bus: Vị trí đón xe buýt ở cột số 4 đối diện ga đến quốc nội và cột số 12 đối diện ga đến quốc tế.

Các đối tượng tham gia vào luồng di chuyển bên ngoài nhà ga

Đối tượng đầu tiên là người đi bộ, những đối tượng này bao gồm hành khách, người đưa đón và các nhân viên làm việc tại khu vực quan sát. Hành khách thường đi cá nhân hoặc đi theo nhóm, thường di chuyển băng qua đường cắt với các xe phương tiện khác, đồng thời họ phải cầm theo hành lý theo cùng nên quá trình di chuyển diễn ra không được nhanh chóng. Những người này thường đi theo từng đợt, lộn xộn và không theo trật tự nhất định. Với tình trạng một người đi, nhiều người đưa tiễn thì nhóm người đưa tiễn này cũng là một trong các đối tượng có ảnh hưởng đến luồng di chuyển bên ngoài nhà ga. Tại làn đường đi bộ vào cổng nhà ga cắt ngang làn đường xe ô tô có sự tham gia điều phối của nhân viên an ninh nhưng hành khách thường đi theo từng đợt, lộn xộn và không theo trật tự nhất định.

Các phương tiện giao thông bao gồm: xe ô tô cá nhân, xe khách liên tỉnh, xe taxi sân bay, và xe buýt sân bay. Nhóm xe cá nhân thường đỗ lâu, dù thời gian đỗ quy định là không quá 3 phút, trước khu vực đón trả khách vì họ đi theo từng nhóm gia đình, số lượng hành lý kèm theo nhiều.

Xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch là đối tượng dùng phương tiện di chuyển để đưa đón khách liên tỉnh, khách du lịch tại trước cổng nhà ga hành khách như xe Hoa Mai Sân bay - Vũng Tàu, xe Lê Khánh Sân bay - Tây Ninh. Xe taxi sân bay là đối tượng dùng phương tiện di chuyển để đưa đón khách tại trước cổng nhà ga hành khách như Mai Linh Taxi, Airport Taxi, Sài Gòn Taxi, Vinataxi. Xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp với hành khách có nhu cầu vận chuyển ít hàng hóa, đồ đạc mà vừa muốn tiết kiệm chi phí.

Các vấn đề trong việc phân luồng di chuyển

Tại một thời điểm bất kỳ, luôn có sự trộn lẫn các đối tượng người đi bộ và các phương tiện giao thông ở bất kỳ vị trí luồng giao thông nào: Nhân viên hàng không đứng phân luồng, Hành khách và người đưa tiễn vào nhà ga, Hành khách và người đưa tiễn di chuyển ra khỏi nhà ga, Phương tiện giao thông tùy thuộc vào từng loại luồng. Lợi ích khi tham gia giao thông của các nhóm đối tượng này mâu thuẫn lẫn nhau, vì mỗi đối tượng khi tham gia giao thông lại gây ảnh hưởng tiêu cực lên các nhóm đối tượng còn lại.

Khi có nhiều chuyến bay hạ cánh cùng lúc, khách xuống ga đông gây nên ùn tắc cục bộ tại khu vực sảnh đợi trước nhà ga. Dòng người và hành lý của họ buộc phải len lỏi di chuyển trước các mũi xe ô tô. Dòng người đông khiến dòng xe phải di chuyển khá chậm khi vào đón khách.

Việc đón/trả khách của các xe ô tô cũng phức tạp do họ đón/trả khách một cách tùy tiện không theo chỉ dẫn. Họ có thể đón/trả khách ngay giữa làn đường mà không đi sát vào làn đường phía trong. Thậm chí ngang nhiên mở cốp xe giữa đường để chất hành lý. Điều này cũng khiến cho các làn xe phía sau bị khựng lại, làm luồng di chuyển bất cập hơn.

Ô tô bắt khách giữa đường

Tình trạng cò mồi chèo kéo, bắt khách đi xe tại sân bay Tân Sơn Nhất không còn sôi động như trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hãng taxi, xe chạy hợp đồng trá hình tuyến cố định cho nhân viên chốt tại khu vực đường dẫn ra bãi để xe để tiếp thị với khách.

Các nhân viên của các hãng xe taxi hay các công ty du lịch thì lại di chuyển theo dòng hành khách để có thể lôi kéo, mời chào các hành khách vừa mới xuống máy bay để sử dụng dịch vụ của họ. Việc này cũng gây ra sự bát nháo khi họ cứ chen ngang và xen lẫn trong đám đông hành khách và bất chấp cắt mặt ô tô di chuyển, gây ra sự mất an toàn nếu như phương tiện giao thông sơ ý gây ra tai nạn giao thông không đáng kể.

Ý kiến của những người sử dụng khu vực đón trả khách

Tôi muốn có lối đi bộ riêng cho người đi bộ vào nhà ga

Hiện nay tại CHK Tân Sơn Nhất vẫn chưa thiết kế được lối đi riêng biệt cho người đi bộ, để có thể vào được nhà ga hành khách khi đi bộ phải băng qua các làn đường của các phương tiện đang đón và trả khách gây nên sự mất an toàn cũng như là trật tự tại sân bay. Qua câu trả lời của 155 có thể thấy đa số mọi người rất muốn có lối đi riêng biệt cho người đi bộ khi vào nhà ga với 90 người “Hoàn toàn đồng ý” chiếm 58.1%, đây là tỉ lệ rất cao để CHK Tân Sơn Nhất có thể xem xét để đáp ứng được nhu cầu của hành khách nói chung và đảo bảo an toàn hơn cho hành khách khi đi đến sân bay từ đó nâng cao được mức độ hài lòng của hành khách hơn.

Tôi không được nhường đường khi đi vào nhà ga

Với số lượng người “Đồng ý” và “Hoàn toàn đồng ý” về việc các phương tiện đã không nhường đường cho hành khách đi bộ chiếm tổng tỉ lệ khá cao là 41,3% mặc dù số lượng người “không ý kiến” chiếm 34,2%. Về vấn đề này CHK nên xem xét kỹ lưỡng để có thể tìm ra giải pháp thích hợp để tránh gây mất an toàn cho hành khách khi di chuyển trước nhà ga tại CHK Tân Sơn Nhất.

(Nguồn: Nhóm khảo sát, 2020)

Hành lang đứng đợi xe quá chật chội

Mặc dù tại mỗi sảnh đón xe của các phương tiện điều có hành lang cho hành khách đứng đợi nhưng có thể thấy hành lang hơi chật hẹp cho hành khách đứng đợi để đón xe vào những khung giờ cao điểm nên số lượng người đồng tình về vấn đề này khá cao chiếm 23,9% “Đồng ý” và 22,6% “Hoàn toàn đồng ý”, tổng cộng là 46,5%. Chính vì hành lang khá hẹp nên đã gây ra sự ùn tắc cho cả người chờ đợi để đón xe và cả các phương tiện lưu thông trước nhà ga đã tạo nên một hình ảnh không đẹp tại CHK cũng như giảm mức độ hài lòng của hành khách khi phải đứng chen chúc nhau ở các hành lang và dễ gây mất an ninh an toàn tại CHK.

(Nguồn: Nhóm khảo sát, 2020)

Đánh giá chung

Từ những điều đã phân tích ở phía trên, thực trạng khai thác khu vực đón trả khách trước nhà ga quốc nội, CHKQT Tân Sơn Nhất đang có những vấn đề sau:

Thứ nhất, không chỉ vì điều kiện hạ tầng giao thông kém mà xảy ra tình trạng tắc nghẽn, một nguyên nhân quan trọng cần phải xem xét là sự phân bổ các luồng giao thông không rõ ràng. Các đối tượng tham gia giao thông với các loại hình khác nhau, theo những hướng di chuyển khác nhau lại đang hòa lẫn vào nhau. Người đi bộ hòa lẫn với xe hơi vừa gây tắc nghẽn, vừa không đảm bảo an toàn.

Thứ hai, chính sách điều hành khai thác không có sự phân biệt giữa các giờ cao điểm và thấp điểm. Nói cách khác, những giải pháp điều tiết giao thông giống nhau ở mỗi tình huống, trong khi trong những giờ cao điểm và thấp điểm, đặc điểm giao thông là khác nhau.

Thứ ba, phương tiện giao thông công cộng chưa được ưu tiên phân bổ khu vực đón trả khách thuận tiện để khuyến khích sử dụng. Để bắt được xe buýt, hành khách phải kéo hành lý đi bộ băng qua làn ô tô cá nhân và làn taxi hoặc phải đi bộ một quãng xa ngoài đường Trường Sơn mới có trạm đón. Chính vì vậy khách sẽ có xu hướng chọn những phương tiện gần cổng ra hơn như taxi. Lâu dần làm thay đổi thói quen của hành khách, làm tăng lượng xe ô tô cá nhân ra vào làn. Thậm chí các xe còn không di chuyển vào sát lề trong để đón khách mà bắt khách ngay giữa đường hay đứng quá 3 phút như quy định. Làm ảnh hưởng việc di chuyển của các xe sau quá lâu, nguy hiểm nếu mở cửa, ùn tắc thêm trầm trọng. Ngoài ra, tình trạng chèo kéo, mời chào bắt khách và dạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định tại CHK Tân Sơn Nhất vẫn còn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự tại đây.

GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT

Dựa trên những đánh giá từ phân tích thực trạng, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp tương ứng như sau:

Thứ nhất, cần phải tách biệt luồng giao thông của các nhóm đối tượng tham gia giao thông khác nhau vì đặc tính về tốc độ, hướng di chuyển và thời gian dừng khác nhau. Nếu bối cảnh hiện tại chưa cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng cho từng nhóm đối tượng riêng lẻ, có thể sử dụng đèn tín hiệu giao thông. Hệ thống đèn tự động theo thời gian hoặc người có thể tự bấm để lấy quyền ưu tiên là giải pháp khả dĩ. Việc triển khai đèn tín hiệu tự bấm dành cho người đi bộ qua đường được đánh giá là một trong những biện pháp tốt để hướng dẫn, xây dựng ý thức văn hóa tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo tham khảo của nhóm nghiên cứu về giá cả của thiết bị này dao động từ 3,7 triệu đến 5triệu/bộ. Với 3 làn đường hiện có tại CHK Tân Sơn Nhất thì có thể cần số lượng khoảng 6 bộ, như vậy đầu tư khoảng 24 triệu là không quá lớn so với quy mô của một CHK. Giải pháp này có thể xem là khả thi trong giai đoạn đầu khi chưa thay đổi được cơ sở hạ tầng đường xá.

Thứ hai là phân bổ khung thời gian sử dụng khu vực đón trả khách. Vào các khung giờ cao điểm thì mật độ lưu thông rất dày đặc nên khi tất cả các đối tượng cùng tham gia vào lúc này sẽ gây tình trạng tắc nghẽn, ảnh hưởng lớn đến hành khách có chuyến bay gấp. Chính vì vậy cần hạn chế lưu thông của một số đối tượng, cụ thể ở đây là vào các khung giờ đông khách như từ 17h – 20h sẽ không cho ô tô cá nhân vào đón trả khách. Các phương tiện còn lại trừ xe bus công cộng sẽ phải đóng phí khi muốn di chuyển vào đón trả khách. Giải pháp này nhằm hạn chế sự lưu thông của các phương tiện vào nhà ga quá nhiều, giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng đường di chuyển, lên nhân viên an ninh điều phối cũng như giảm ùn tắc bên trong nhà ga.

Điều bất lợi của giải pháp này là hành khách xuống máy bay sẽ phải đi bộ ra khu vực bãi đỗ ô tô hoặc nơi người nhà đang đứng đợi. Tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại bằng việc ùn tắc vào giờ cao điểm và chỉ áp dụng trong khung thời gian nhất định. Vì vậy mà cũng giúp người đưa đón chủ động hơn trong việc sắp sếp lịch trình đi đón để tránh các khung giờ cao điểm ra. Cảm thấy việc đi vào giờ cao điểm là bất tiện thì hành khách sẽ có xu hướng thay đổi giờ bay để đến trước hoặc sau giờ cao điểm và người đưa đón sẽ không phải đi đón vào giờ cao điểm nữa, lâu dần sẽ giảm bớt được gánh nặng kẹt xe cả bên ngoài lẫn bên trong khu vực nhà ga.

Thứ ba là khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng bằng cách dời làn đường dành riêng cho xe buýt vào ngay trước cổng nhà ga. Từ mục đích đã nêu ở trên thì việc đưa ra đề xuất này là rất cần thiết. Đối với hành khách, điều này giúp cho họ vừa dễ tìm kiếm vị trí để đón xe, vừa tránh gặp phải các phương tiện di chuyển khác làm rối tầm mắt và gây cản trở trong quá trình lên xuống. Đối với người điều khiển xe buýt thì điều này góp phần tạo nên sự thuận lợi trong việc đưa đón hành khách cũng như tạo nên sự thoải mái cho hành khách.

Hàng Trung Quang Thọ, Hoàng Thị Thu Trang, Đinh Thị Giang Thanh

Phan Nguyễn Hà Phương, Thân Nguyên Tường Vy

Học viện Hàng không Việt Nam

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/kien-nghi-giai-phap-cai-thien-un-tac-giao-thong-khu-vuc-don-tra-khach-tai-cang-hang-khong-tan-son-nhat-d95927.html