Kiến nghị của cử tri là kênh quan trọng để đánh giá tín nhiệm

Liên quan đến việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ĐBQH cho rằng, dựa vào các thông tin từ kiến nghị của cử tri là kênh rất quan trọng, là công cụ để đánh giá tín nhiệm.

Căn cứ thực tiễn để bỏ phiếu tín nhiệm

Hai ngày 24-25/10, Quốc hội thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Qua đó sẽ là cơ sở để đánh giá cán bộ.

Bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều ĐBQH đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Là “thước đo” hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần dựa vào các tiêu chí: “Trong tiêu chí thì căn cứ vào nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ, quy định về phẩm chất, đạo đức. Về thực tiễn, phải căn cứ vào những vấn đề mà Bộ trưởng đảm nhận vị trí, chức danh của mình hiệu quả đến đâu. Căn cứ vào quá trình thực hiện chức năng giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn về thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng. Bên cạnh đó, căn cứ vào sự giám sát của người dân, phản ánh của báo chí và báo cáo của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm để gửi cho các ĐBQH đánh giá, nhìn nhận tổng thể, khách quan trước khi bỏ phiếu”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng cho hay: “Tất nhiên, không thể dựa vào tờ giấy báo cáo để xếp loại, đánh giá những chức danh, mà các Đại biểu Quốc hội phải dựa vào cả một quá trình những người đó chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo bộ ngành, lĩnh vực của mình như thế nào.

Ngoài ra, còn phải dựa vào đánh giá xác nhận của cử tri và nhân dân. Thông qua thông tin trên báo chí, tôi tin rằng tất cả các đại biểu đều đánh giá được ngành nào, lĩnh vực nào tốt hay còn hạn chế”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ với PV về việc lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh.

Về việc có những Bộ trưởng thường xuyên trả lời trên báo chí, nhưng cũng có những Bộ trưởng ít xuất hiện, câu hỏi đặt ra là liệu việc đánh giá tín nhiệm như vậy có khách quan hay không? Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhìn nhận: “Chắc chắn không thể ưu điểm tuyệt đối mà sẽ có những điểm hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá và theo dõi thì người dân bình thường cũng có thể đánh giá được Bộ nào tiến bộ, Bộ nào không. Chứ đừng nói là các ĐBQH không đánh giá được Bộ nào tốt, Bộ nào xấu. Theo tôi, cần phải có niềm tin vào các ĐBQH”.

Về hướng xử lý các cá nhân có phiếu tín nhiệm thấp, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho hay: “Đối với những đại biểu có phiếu tín nhiệm thấp, trong phạm vi quy định nếu không có đủ tiêu chuẩn để làm Bộ trưởng thì phải miễn nhiệm. Hoặc đối với những người đủ điều kiện để giữ các chức danh nhưng phiếu tín nhiệm thấp thì phải có giải pháp: Thứ nhất, bản thân phải có những giải pháp khắc phục sửa đổi. Tiếp nữa, Chính phủ, Quốc hội cũng phải có ý kiến, kiến nghị để tạo điều kiện cho những Bộ trưởng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, về phẩm chất đạo đức, về năng lực, đồng thời có những suy nghĩ tạo bước đột phá”.

Không có chuyện vận động hành lang trước khi bỏ phiếu tín nhiệm

Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho hay, khi đánh giá tín nhiệm, các đại biểu cần lấy “thước đo” phục vụ nhân dân là cơ sở quan trọng để đánh giá uy tín, năng lực của lãnh đạo các bộ, ngành.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm dựa vào các thông tin từ kiến nghị của cử tri là kênh rất quan trọng, là công cụ để đánh giá tín nhiệm.

“Tôi cho rằng, với nhóm các chức danh lãnh đạo thuộc Chính phủ, cần xem xét vào kết quả cuối cùng ở lĩnh vực mà Bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách có tiến bộ hay không”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho biết, việc bỏ phiếu tín nhiệm là khách quan.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc cùng lúc lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh, số lượng khá đông liệu các ĐBQH có thời gian để tìm hiểu, Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho hay: “Hai tuần trước khi khai mạc kỳ họp, các Đại biểu Quốc hội nhận được báo cáo về hoạt động của các chức danh sẽ được lấy phiếu tín nhiệm kỳ này, vì vậy có thời gian nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, để nắm được thông tin sâu về tất cả các chức danh, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các ĐBQH”.

Ngoài ra, Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng khẳng định thêm, việc bỏ phiếu tín nhiệm là khách quan, không có chuyện vận động hành lang bằng việc mời giao lưu hay liên hoan tiệc tùng.

Nguyễn Hường - Hoàng Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-nao-tot-bo-nao-khong-tot-thi-dan-va-dbqh-deu-biet-a408483.html