Kiến nghị bổ sung thêm 3 Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh và 4 quy tắc về Đạo đức Doanh nhân

Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là 'trái tim, khối óc' của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng. Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi… từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó cũng chính là 'chìa khóa' và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam

Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam

Để thành công vượt trội cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp đặc sắc và khác biệt

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, để có sự thành công vượt trội cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới và có thể bứt phá.

Mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm văn hóa riêng. Cái riêng đó sẽ là yếu tố chính làm nên thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Đối với quốc gia là sự phát triển, thịnh vượng, trường tồn hoặc suy yếu và tiêu vong. Về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải cho rằng, chúng ta đã có một tài liệu hướng dẫn rất quan trọng đó là Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam.

Tuy nhiên, trong cái riêng có cái chung, cái riêng cần được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm phù hợp với cái chung. Cũng như điều lệ, qui định của công ty phải phù hợp với luật pháp của quốc gia. Như vậy khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp có những nét đặc sắc riêng, trước tiên mỗi công ty đều cần đảm bảo văn hóa doanh nghiệp phù hợp với Bộ Tiêu chí chung này.

Trong thời kỳ hội nhập, khi doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế. Đó là những tiêu chí xem xét về đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới cũng như việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

Từ đó, ông Hải cho rằng, cần bổ sung vào Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam 3 chỉ tiêu. Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp trong việc phát minh, sáng chế các sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, phù hợp với các chỉ tiêu ESG (Environmental, Social, and Governance) cũng như xu hướng kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) của thế giới để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho người tiêu dùng toàn cầu.

Thứ hai, trong phát triển sản xuất kinh doanh ở bất cứ quốc gia nào doanh nghiệp luôn quan tâm và có hành động cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia đó; có nhiều sáng kiến chung đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

Thứ ba, qua hoạt động giao thương quốc tế doanh nghiệp lan tỏa văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng nhân hậu, đức hy sinh của người Việt Nam ra thế giới; đóng góp tích cực vào việc đem lại hòa bình cho nhân loại, có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của một đại sứ văn hóa và đại sứ hòa bình cho Việt Nam.

Cần có những quy tắc tạo nên sự khác biệt của doanh nhân Việt Nam

Về vấn đề đạo đức kinh doanh, theo ông Lê Viết Hải, khi doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, cần có thêm những quy tắc đạo đức hướng đến lợi ích chung của toàn nhân loại. Đó cũng là những quy tắc sẽ tạo nên sự khác biệt của doanh nhân Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa đáng quý của dân tộc.

Ông Hải cho rằng, trong thời đại mà những vấn đề toàn cầu ngày càng nhức nhối với nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến trái đất, ngôi nhà chung của loài người, hơn lúc nào hết, chúng ta cần xác định thật rõ sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam ngoài đóng góp vào sự phát triển của quốc gia là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

"Đóng góp đó cần được xem là một sứ mệnh thiêng liêng. Việc bảo vệ môi trường sống cần được xem là một nghĩa vụ cao đẹp của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chứ không chỉ là trách nhiệm xã hội. Đó chính là một bản sắc văn hóa quý giá của dân tộc cần được phát huy trong hội nhập" - ông Hải chia sẻ.

Doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn.Văn hóa kinh doanh Việt Nam cũng cần đặt trên nền tảng đạo đức của doanh nhân, và đạo đức đó cần được xây dựng dựa trên lòng yêu nước.

Để làm được những điều này, vấn đề trước mắt mà ông Lê Viết Hải kiến nghị đó là chúng ta cần bổ sung thêm 4 quy tắc cho Bộ Quy tắc về Đạo đức Doanh nhân Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã ban hành.

Thay vì 6 quy tắc như hiện nay đó là: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình, thì cần nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện Bộ Quy tắc về Đạo đức Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đó là:

"Yêu trái đất, yêu nhân loại - Yêu nước, yêu dân - Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên - Bảo vệ di sản vật thể và phi vật thể - Tuân thủ nghiêm pháp luật - Tạo giá trị kinh tế cho xã hội - Có trách nhiệm với gia đình - Minh bạch, công bằng, liêm chính - Đổi mới, phát minh, sáng chế - Đoàn kết, hợp tác cùng phát triển".

"Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam và Bộ Quy tắc Đạo đức Doanh nhân này sẽ được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân xem đó là "kim chỉ nam" trong quản lý điều hành và phát triển doanh nghiệp" - ông Lê Viết Hải kiến nghị và cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp vươn tầm và vượt tầm thế giới sẽ giúp doanh nhoân thành công và đó là đóng góp thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất của doanh nhân Việt Nam trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc song hành với hội nhập và phát triển kinh tế./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/kien-nghi-bo-sung-them-3-tieu-chi-van-hoa-kinh-doanh-va-4-quy-tac-ve-dao-duc-doanh-nhan-20221206091259957.htm